Pháo hoa sẽ được thắp sáng bên sông Tigris mỗi đêm trong tuần Giáng sinh và cây Giáng sinh cao 25 m được dựng lên trong công viên công cộng Zawraa.
Trong khu trại Zayuna, ở phía đông của thành phố - nơi dành cho những người tị nạn Thiên Chúa giáo tránh khỏi sự đe dọa từ IS, trẻ em nghe những bài hát mừng Giáng sinh vào ngày thứ Tư và nhảy với ông già Noel.
Những hoạt động này được nhiều người theo đạo Thiên Chúa cảm kích nhưng có lẽ đã quá muộn màng để cải thiện tình hình ở quê hương của một trong những cộng đồng Thiên Chúa cổ xưa nhất khi Nhà nước Hồi giáo IS đang làm cho tình hình ngày càng tồi tệ thêm.
“Những người Thiên Chúa giáo đã rời khỏi Iraq và không muốn quay trở lại và một trong số họ còn khuyên chúng tôi hãy rời đi, họ nói nếu chúng tôi có vượt qua được thử thách thì thử thách kế tiếp chúng tôi cũng sẽ khó có thể qua được” - cô giáo này cho biết thêm.
Một tình nguyện viên mặc trang phục ông già Noel phân phát quà cho trẻ em tại khu nhà nghèo ở Najaf, phía nam Baghdad vào ngày 19-12-2015. Ảnh: Reuters
Nhóm khủng bố IS đã quét qua 1/3 lãnh thổ của Iraq vào năm 2014 để xây dựng “đế chế Hồi giáo”. Chúng đã buộc 200.000 người Thiên Chúa giáo phải rời bỏ các khu vực phía bắc Nineveh - nơi có cái nôi nhà thờ phía đông Assyrian.
Số phận của những người theo đạo Thiên Chúa ở Iraq ngày càng bấp bênh từ khi chế độ độc tài Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003, các nhà thờ Thiên Chúa là mục tiêu của các vụ đánh bom khủng bố.
Các cuộc đàn áp Thiên Chúa giáo của IS là tồi tệ nhất kể từ khi nước Iraq hiện đại được thành lập. Số người đạo Thiên Chúa bị bắt cóc, giết chết, rời bỏ nhà cửa hoặc các nhà thờ bị đánh bom liên tục tăng cao kể từ năm 2004.
Số người đạo Thiên Chúa ở Iraq là 1,3 triệu người năm 1997 đến nay chỉ còn 650.000 người. Nếu dưới điều kiện sống bình thường thì đáng lẽ con số này phải là 2 triệu người. Các nước phương Tây dễ dàng cấp thị thực cho những người Trung Đông theo đạo Thiên Chúa góp phần làm cho số lượng này thêm suy giảm.