Giao lưu trực tuyến về "Quy định mới về xử phạt xây dựng trái phép"

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM:

- Ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

- Bà Hồ Thị Kim Loan, Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM

- Ông Lý Thanh Long, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM

- Ông Lâm Thanh Tùng, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM

- Cùng một số thanh tra xây dựng của Sở Xây dựng TP.HCM

Đại diện PLO:

- Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM

- Cùng tổ phóng viên, biên tập viên PLO.

Thêm kênh để người dân tiếp cận thông tin về xây dựng

Mở đầu buổi giao lưu, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM cám ơn Sở Xây dựng TP.HCM đã phối hợp giao lưu trực tuyến với PLO thường xuyên để giải đáp thắc mắc của người dân trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Bà Bình Thuận mong rằng qua các buổi giao lưu trực tuyến này, người dân TP.HCM sẽ có thêm cầu nối để tiếp cận thông tin về xây dựng nhanh chóng hơn.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phan Đức Nhạn cho biết Sở Xây dựng cũng mong muốn thông qua các buổi giao lưu trực tuyến để tiếp nhận thắc mắc, ý kiến đóng góp về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực xây dựng mà người dân đang quan tâm. Qua đó, góp phần tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thi hành pháp luật liên quan đến lĩnh vực xây dựng.

Sau đây là nội dung giao lưu, mời bạn đọc theo dõi


Nguyễn Văn Định

Gò Công - Tiền Giang

huudinh124@yahoo.com

* Khi mua bán nhà chung cư không qua sàn giao dịch bất động sản mà bị phạt thì người nộp tiền phạt là bên bán nhà chung cư hay bên mua? Sau khi nộp phạt, người mua có được tiếp tục mua căn nhà đó không, hay là việc mua bán đó bị hủy?

Sở Xây dựng TP.HCM: Tại Điều 31 Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở quy định như sau:

“1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a. Bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản thuộc diện phải qua sàn giao dịch bất động sản mà không thông qua sàn giao dịch theo quy định.

Như vậy, trường hợp này người bán sẽ bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.

Sau khi chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền thì đối tượng bị xử phạt buộc phải thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 31 Nghị định 23/2009/NĐ-CP: “Ngoài hình thức xử phạt quy định tại các Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn bị buộc thực hiện đúng quy định về điều kiện được kinh doanh bất động sản, về thủ tục bán, cho thuê, cho thuê mua, xác nhận bất động sản qua sàn giao dịch bất động sản và huy động vốn, chuyển nhượng dự án.”

Những quy định về mua, bán nhà chung cư được quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định số 153/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25-10-2007 hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản.

honguyen@yahoo.com.vn

*Cuối tháng 4 -2009, thanh tra xây dựng quận kiểm tra căn nhà tôi đang xây và lập biên bản nhà xây sai phép. Đến đầu tháng 5-2009 thì quận mới ra quyết định xử phạt tôi đến 7,5 triệu đồng. Tôi tìm hiểu thì được biết trường hợp của tôi không bị phạt cao như vậy vì vẫn được áp dụng mức phạt theo quy định cũ. Vậy quận phạt tôi số tiền trên là đúng hay sai? Nếu sai thì tôi phải khiếu nại ở đâu? (honguyen@yahoo.com.vn)

Sở Xây dựng TP.HCM: Bạn đọc này không nêu rõ thanh tra xây dựng quận đã ra quyết định xử phạt bạn về hành vi vi phạm gì, theo quy định tại nghị định nào nên chúng tôi không thể trả lời chi tiết cho bạn được. Tuy nhiên, để giúp bạn hiểu thêm quy định của pháp luật về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, chúng tôi có ý kiến như sau:

- Việc xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng áp dụng theo Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26-5-2004 có hiệu lực đến hết ngày 30-4-2009. Từ ngày 1-5-2009, việc xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng áp dụng theo Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009. Vì vậy, khi phát hiện hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính ở thời điểm nào phải tuân thủ theo quy định của pháp luật tại thời điểm đó. Muốn được trả lời cụ thể hơn, đề nghị bạn liên hệ Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM để được hướng dẫn.

- Bạn muốn khiếu nại quyết định xử phạt của ai thì trong thời hạn 90 ngày (kể từ ngày được giao quyết định xử phạt) bạn phải gửi đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền đã ban hành quyết định xử phạt đó. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của bạn, người đã ban hành quyết định xử phạt có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của bạn. Nếu bạn không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại này thì bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến cơ quan cấp trên của người đã ban hành quyết định xử phạt hoặc bạn có thể gửi đơn khởi kiện hành chính tại tòa án theo quy định.

Ông Đỗ Ngọc Thụy (Chuyên viên Thanh tra Sở Xây dựng) đang thảo luận nhằm trả lời chính xác cho bạn đọc. Ảnh Thanh Nhã
Ông Đỗ Ngọc Thụy (Chuyên viên Thanh tra Sở Xây dựng) đang thảo luận nhằm trả lời chính xác cho bạn đọc. Ảnh Thanh Nhã

NGUYỄN VĂN THANH (huyện Bình Chánh, TP.HCM)

baopham@yahoo.com.vn

*Khi xây nhà người hàng xóm xây lấn qua phần đất của tôi gần một tấc (đất của tôi đã có giấy đỏ). Tôi đã báo với ủy ban phường nhưng đến giờ này hàng xóm xây nhà sắp xong rồi mà vẫn chưa thấy cơ quan nào giải quyết. Vậy tôi phải làm sao để đòi lại phần đất của mình? Liệu nhà nước có buộc người hàng xóm tháo dỡ nhà để trả đất cho tôi hay không? NGUYỄN VĂN THANH (huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Sở Xây dựng TP.HCM: Đề nghị bạn tiếp tục liên hệ với UBND phường nơi xây dựng căn nhà để được xem xét, giải quyết. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết, bạn có thể nộp đơn khởi kiện tại tòa án cấp huyện nơi có phần đất tọa lạc.

TRẦN HUY TUẤN (quận Gò Vấp, TP.HCM)

* Tôi muốn xây một cái chòi giữ vườn diện tích chỉ 6 m2 để tiện trông coi, trồng trọt, vì vườn ở cách xa nhà. Khi đang xây, UBND phường tới lập biên bản và bắt tôi tháo dỡ. Họ nói tôi chỉ được dùng tôn hoặc lợp lá, không được dùng gạch để xây chòi. Chỉ là một cái chòi nhỏ chứ đâu phải là cất nhà, tôi thấy phường giải quyết vô lý quá!

Sở Xây dựng TP.HCM: Theo như nội dung bạn hỏi thì địa điểm xây dựng công trình (chòi giữ vườn) của bạn thuộc đô thị cho nên phải xin phép xây dựng. Vì bạn đã không xin phép xây dựng nên UBND phường lập biên bản và bắt tháo dỡ là đúng quy định. Để được cấp phép xây dựng chòi giữ vườn, đề nghị bạn liên hệ UBND quận nơi mảnh vườn của bạn tọa lạc để được hướng dẫn thủ tục cụ thể.

*Nhà tôi có một miếng đất ruộng. Nay con tôi cưới vợ và ra ở riêng. Tôi định xây cho con một căn nhà mái tole, vách lá thì có phải xin phép xây dựng hay không?

Sở Xây dựng TP.HCM: Theo Luật Xây dựng, mọi hoạt động xây dựng trong đô thị đều phải xin phép xây dựng. Do đó, Sở Xây dựng đề nghị bạn trước khi xây dựng nhà cho con cần liên hệ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xin cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật.

Phan Thanh Bình

binhlem12@yahoo.com.vn

*Nếu tôi và công ty bất động sản ký hợp đồng góp vốn khi căn hộ chưa được công ty bất động sản xây xong thì có bị coi là huy động vốn trái phép không?

Sở Xây dựng TP.HCM: Nội dung câu hỏi của bạn chưa rõ về thời điểm góp vốn nên chúng tôi không thể trả lời cụ thể. Tuy nhiên, để giúp bạn hiểu rõ quy định của pháp luật, chúng tôi xin trả lời như sau:

Khoản 1 Điều 39 Luật Nhà ở năm 2005 quy định về sở hữu nhà ở, phát triển, quản lý việc sử dụng, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở quy định: “Trường hợp chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng. Tổng số tiền huy động trước khi bàn giao nhà ở cho người có nhu cầu không được vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng”.

(NGUYỄN VĂN TUẤN, huyện Bình Chánh, TP.HCM)

*Nhà tôi ở ven quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh, TP.HCM), trong cùng một khu vực thì có người phải xin giấy phép xây dựng, có người lại không. Mới đây, hàng xóm của tôi vừa khởi công xây nhà đã bị lập biên bản buộc ngưng xây dựng. Vậy làm sao chúng tôi biết được xây ở đâu thì phải xin phép, xây ở đâu thì khỏi xin phép?

Sở Xây dựng TP.HCM: Theo Quyết định số 04/2006/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ngày 17-1-2006. Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng các công trình sau đây:

- Công trình thuộc bí mật nhà nước được xác định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp được xác định bằng lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Công trình tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính, bao gồm công trình tạm của chủ đầu tư và công trình tạm của nhà thầu nằm trong sơ đồ tổng mặt bằng công trường xây dựng đã được phê duyệt.

- Công trình đã có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở quy định tại Điều 9 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP thẩm định.

- Công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình đã có thiết kế bản vẽ thi công được sở quy định tại Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP thẩm định.

- Các công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình.

- Nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa không thuộc đô thị; điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt (do chủ tịch UBND huyện xác định) thì được phép xây dựng tối đa hai tầng (trệt và một lầu) với tổng diện tích sàn xây dựng không quá 200 m2.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin cụ thể về việc xin phép trên, bạn có thể liên hệ UBND xã, UBND huyện để được hướng dẫn thêm.

THẢO MY (quận 1)

Ông Phan Đức Nhạn PGĐ Sở Xây dựng và phóng viên báo Pháp Luật trong buổi giao lưu. Ảnh Thanh Nhã
Ông Phan Đức Nhạn PGĐ Sở Xây dựng và phóng viên báo Pháp Luật trong buổi giao lưu. Ảnh Thanh Nhã

*Tôi nuôi một con heo làm cảnh đã gần một năm nay. Nay tôi muốn chuyển đến sống ở một chung cư, bên bán có thông báo hễ ai nuôi gia súc làm ảnh hưởng đến mỹ quan là bị phạt hàng chục triệu đồng. Xin hỏi thông tin này có thật không? Nếu tôi chỉ để heo quanh quẩn trong phạm vi căn hộ của mình, không cho nó đi lại ở hành lang và các căn hộ lân cận thì có bị phạt không?

Sở Xây dựng TP.HCM: Căn cứ Điểm b Khoản 2 và Điểm c Khoản 3 Điều 52 Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 về phạt hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; việc khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở có hiệu lực từ ngày 1-5-2009:

“Điều 52. Xử phạt chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở có hành vi vi phạm các quy định về quản lý nhà ở

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm một trong các hành vi sau đây về quản lý sử dụng nhà chung cư:

b. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tại phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây về quản lý sử dụng nhà chung cư:

c. Nuôi gia súc, gia cầm tại phần sở hữu, sử dụng riêng làm ảnh hưởng tới trật tự, mỹ quan và môi trường sống của các hộ dân khác;

5. Ngoài hình thức xử phạt quy định tại các Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc phải thực hiện đúng các quy định về quản lý sử dụng nhà ở”.

Trong trường hợp của bà, ngoài việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành thì còn phải chấp hành các nội quy quy định của ban quản trị chung cư nơi bà đang ở.

Trần Tạ Tuấn (tatuan…@yahoo.com)

*Tôi có ý kiến như sau: Nghị định 23 quy định trong trường hợp công trình xây dựng không phép, sai giấy phép đã được UBND cấp xã có quyết định đình chỉ thi công nhưng chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng vẫn cố tình xây dựng thì ngoài việc bị cưỡng chế phá dỡ, chủ đầu tư và nhà thầu còn bị xử phạt với mức phạt từ 300 đến 500 triệu đồng. Tôi cho rằng mức phạt trên là quá cao đối với những trường hợp xây nhà cấp bốn (tiền phạt gấp nhiều lần giá trị căn nhà), nhiều chủ nhà không thể kham nổi. Đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM có kiến nghị với trung ương để chỉnh sửa mức phạt trên theo hướng hợp lý hơn.

Sở Xây dựng TP.HCM: Trong những năm qua, công tác quản lý trật tự xây dựng đã được các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương quan tâm sâu sắc. Tuy nhiên, mức phạt tại các văn pháp pháp luật trước đây chưa cao nên chưa đủ tính răn đe trong nhân dân, dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép ngày càng diễn biến phức tạp làm phá vỡ quy hoạh chung của toàn thành phố, gây khó khăn trong công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa phương. Do đó, Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 đã tăng mức phạt cao nhất đốivới hành vi không chấp hành quyết định đình chỉ thi công của địa phương là từ 300 - 500 triệu đồng. Mức phạt này mang tính răn đe cao, buộc người dân phải chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng. Mặt khác, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2008 có quy định mức phạt tối đa là 500 triệu đồng nên mức phạt được quy định trong Nghị định 23 là đúng pháp luật.

Chuyên viên Sở Xây dựng nghiên cứu tài liệu để trả lời chính xác. Ảnh Thanh Nhã
Chuyên viên Sở Xây dựng nghiên cứu tài liệu để trả lời chính xác. Ảnh Thanh Nhã

  NGỌC MINH (quận Thủ Đức, TP.HCM)

* Chủ cũ xây nhà không phép trên đất không có giấy tờ rồi bán cho tôi bằng giấy tay. Nếu sau này quận ra quyết định xử phạt thì người nộp phạt là tôi hay là chủ cũ? Liệu tôi có được hợp thức hóa căn nhà trên hay không?

Sở Xây dựng TP.HCM: Căn cứ Điều 10 Luật Nhà ở, đối với việc chủ cũ xây nhà không phép trên đất không có giấy tờ rồi bán cho ông bằng giấy tay thì việc xây dựng và mua bán căn nhà trên là không hợp pháp. Vì thế ông không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với căn nhà đó.

Vì câu hỏi chưa rõ ràng nên ông có thể liên hệ UBND quận nơi có căn nhà để được hướng dẫn cụ thể hơn.

(Một bạn đọc)

*Năm 2003, tôi mua một căn nhà bằng giấy tay, nhà chưa có giấy chủ quyền. Đến năm 2006, tôi tiến hành sửa chữa không phép (cất thêm một tầng). Trường hợp sửa nhà trái phép như trên có được nộp đơn xin cấp giấy hồng hay không? 

Sở Xây dựng TP.HCM: Việc tiến hành sửa chữa nhà không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép của bạn xảy ra năm 2006, sau khi Luật Xây dựng có hiệu lực nhưng trước thời điểm Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị có hiệu lực, hiện nay đang chờ hướng dẫn xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, việc xin cấp giấy hồng cho căn nhà của bạn phải chờ hướng dẫn nêu trên.

Phó GĐ Phan Đức Nhạn đang hướng dẫn TKTS Bình An biên tập nội dung trả lời bạn đọc. Ảnh Thanh Nhã
Phó GĐ Phan Đức Nhạn đang hướng dẫn TKTS Bình An biên tập nội dung trả lời bạn đọc. Ảnh Thanh Nhã

ĐỨC TÚ (quận 8, TP.HCM)

* Nhà đã xây không phép vào cuối năm 2008, chưa có quyết định xử phạt thì có được tồn tại hay không?

Sở Xây dựng TP.HCM: Theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007 có hiệu lực từ ngày 4-1-2008, những công trình xây dựng không phép mà không phù hợp quy hoạch thì bắt buộc phải tháo dỡ; nếu phù hợp quy hoạch thì có thể xem xét cấp giấy phép xây dựng. Để được cấp giấy phép xây dựng, bạn phải ngừng thi công xây dựng đồng thời chấp hành quyết định xử phạt hành chính của cơ quan có thẩm quyền và làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng. Nếu được cấp giấy phép xây dựng, bạn phải xây dựng theo đúng giấy phép được cấp thì công trình sẽ được tồn tại. Nếu bị từ chối cấp giấy phép thì công trình phải bị tháo dỡ.

Thaomy…@gmail.com)

*Nhà tôi xây sai phép từ đầu năm 2007, tôi vẫn ở cho đến nay. Hơn hai năm qua tôi không bị phạt. Nghe nói như vậy là sẽ không lo bị phạt tiền nữa, đúng không?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Căn cứ Điều 10 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) quy định thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng là hai năm. Nếu quá thời hạn nói trên thì không xử phạt nữa nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ phần sai nội dung giấy phép được cấp.

Bà Hồ Thị Kim Loan (Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM) tham gia trả lời thư bạn đọc. Ảnh Thanh Nhã
Bà Hồ Thị Kim Loan (Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM) tham gia trả lời thư bạn đọc. Ảnh Thanh Nhã

PHAN VĂN THINH (quận 3, TP.HCM)

* Tôi đang muốn bán hai căn nhà chung cư. Trường hợp cá nhân bán nhà như tôi có bắt buộc phải bán qua sàn giao dịch hay không?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Trong trường hợp này, việc chuyển nhượng không cần phải qua sàn giao dịch. Tuy nhiên, nếu hai căn hộ này chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thì người mua phải thực hiện mua với công ty đầu tư căn hộ trên qua sàn giao dịch.

NGUYỄN NGỌC HOA (TP Biên Hòa, Đồng Nai)

* Không đồng tình với quyết định xử phạt xây dựng trái phép của quận thì khiếu nại ở đâu? Bao lâu thì mới được giải quyết? Nếu phát hiện thanh tra xây dựng nhũng nhiễu thì người dân cần báo cho cơ quan nào?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Do bạn không nói rõ quyết định xử phạt của quận do ai ban hành (chủ tịch UBND quận hay chánh thanh tra xây dựng quận ban hành) nên chúng tôi trả lời như sau:

Về nguyên tắc, bạn muốn khiếu nại quyết định xử phạt của ai thì trong thời hạn 90 ngày (kể từ ngày được giao quyết định xử phạt) bạn phải gửi đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền đã ban hành quyết định xử phạt đó. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của bạn, người đã ban hành quyết định xử phạt có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của bạn. Nếu bạn không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại này thì bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến cơ quan cấp trên của người đã ban hành quyết định xử phạt hoặc bạn có thể gửi đơn khởi kiện tại tòa án theo quy định.

Nếu bạn không đồng tình với quyết định xử phạt xây dựng trái phép của quận thì khiếu nại ở UBND quận.

Căn cứ Điều 34 Luật Khiếu nại, tố cáo quy định về việc xử lý đơn: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 32 của luật này, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết, trường hợp không thụ lý để giải quyết thì phải nêu rõ lý do”.

Căn cứ Điều 36 Luật Khiếu nại, tố cáo thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 30 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ.

Nếu phát hiện thanh tra xây dựng nhũng nhiễu thì người dân cần báo cho cơ quan quản lý cán bộ có hành vi nhũng nhiễu đó hoặc báo cho cơ quan cấp trên của cơ quan quản lý cán bộ có hành vi nhũng nhiễu đó.

(Nhiều bạn đọc)

* Nhà đất của tôi ở vùng ngoại thành TP.HCM. Cách đây vài năm, ủy ban xã có kêu người dân đi đo vẽ để cấp giấy đỏ đồng loạt cho nhà đất. Chúng tôi đã đóng tiền bản vẽ và chỉnh sửa xong, nhưng đến nay đã hơn ba năm mà vẫn không nghe xã thông báo gì thêm về việc cấp giấy đỏ. Bây giờ tôi cần giấy chủ quyền để làm thủ tục vay vốn nâng hàng nhưng không có. Vậy phải khiếu nại đến cơ quan nào để được giải quyết ?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Đề nghị các bạn liên hệ UBND xã nơi tọa lạc của căn nhà để được hướng dẩn giải quyết.

Các chuyên viên Thanh tra Sở Xây dựng đang tập trung với những câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Thanh Nhã
Các chuyên viên Thanh tra Sở Xây dựng đang tập trung với những câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Thanh Nhã

TUẤN ANH (Bình Chánh, TP.HCM)

*Nhà tôi và nhà hàng xóm đều đã được cấp giấy hồng, nhưng đất của tôi và đất hàng xóm bị cấp chủ quyền chồng lấn lên nhau hai tấc. Tôi phải khiếu nại lên ủy ban huyện hay kiện ra tòa để chờ giải quyết?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Về việc này, đề nghị ông liên hệ cơ quan cấp giấy hồng để được xem xét điều chỉnh phần đất chồng lên nhau. Trường hợp cơ quan cấp giấy không giải quyết, ông có thể khiếu nại việc cấp giấy đến UBND huyện. Trường hợp này không khiếu kiện ra tòa vì không phải là tranh chấp đất, nhà.

(Một bạn đọc)

* Nhà trong khu quy hoạch chưa có quyết định thu hồi đất thì có được xây nhà cấp bốn để ở không? 

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Nhà trong khu quy hoạch chưa có quyết định thu hồi đất thì được cải tạo sửa chữa theo hiện trạng hay xây nhà cấp bốn (trệt, tường gạch, gác gỗ, mái tole). Tuy nhiên, khi tiến hành xây dựng phải liên hệ với quan chức năng tại địa phương để được hướng dẫn thủ tục xin phép xây dựng tạm theo quy định.

NGUYỄN TUẤN AN (tonghop@yahoo.com)

*Tôi có một căn nhà và được ủy ban quận cấp phép sửa chữa, cải tạo nhà. Trong quá trình sửa chữa, cơ quan chức năng cho rằng căn nhà tôi có một bức tường không đảm bảo khả năng chịu lực của công trình. Vì vậy tôi tiến hành tháo dỡ toàn bộ phần cột và tường tại vị trí để xây dựng mới phần kết cấu đó. Lúc đó tôi lại bị ủy ban phường kiểm tra yêu cầu đình chỉ thi công do xây dựng sai phép. Xin hỏi ủy ban phường xử lý như vậy có đúng pháp luật không?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Khi ông sửa chữa nhà thì phải liên hệ đến các cơ quan chức năng để được cấp phép sửa chữa, khi đã được cấp phép sửa chữa thì ông phải thực hiện theo đúng nội dung giấy phép sửa chữa được cấp. Nếu ông xây dựng sai so với nội dung giấy phép được cấp, cơ quan chức năng phát hiện xây dựng sai phép thì sẽ xử lý theo đúng Nghị định 180/2007/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Do vậy, nếu ông xây dựng sai so với nội dung giấy phép sửa chữa được cấp thì bị đình chỉ công trình xây dựng là đúng quy định.

Ông Phan Đức Nhạn (PGĐ Sở Xây dựng) cùng các chuyên viên thanh tra và PV Ái Phương thảo luận các câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Thanh Nhã
Ông Phan Đức Nhạn (PGĐ Sở Xây dựng) cùng các chuyên viên thanh tra và PV Ái Phương thảo luận các câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Thanh Nhã

HỒNG HẠNH (honghanh3110@yahoo.com)

* Xin cho biết nội dung Nghị định 23 và số hiệu chi tiết của văn bản này để tìm kiếm tham khảo. Cho biết thêm về nội dung của Quyết định 45/2009 ngày 3-7-2009 do UBND TP.HCM về việc xây dựng của nhà dưới 32 m2.

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Nội dung và số hiệu của Nghị định 23 là Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 của Chính phủ về “xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở”, có hiệu lực từ ngày 1-5-2009.

Nội dung của Quyết định 45/2009/QĐ-UBND ngày 3-7-2009 của UBND TP.HCM về “sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 135/2007/QĐ-UBND ngày 8-12-2007 của UBND TP.HCM quy định về kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu trên địa bàn TP.HCM”.

Quyết định số 45/2009/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Các nội dung không đề cập đến vẫn giữ nguyên nội dung theo Quyết định số 135/2007/QĐ-UBND ngày 8-12-2007 của UBND TP.HCM.

Quyết định số 135/2007/QĐ-UBND n có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký, thay thế Công văn số 3665/UB-QLĐT ngày 27-9-1997 và Công văn số 2542/CV-UB-QLĐT ngày 2-7-1999 của UBND TP.HCM về quy định quản lý kiến trúc nhà ở liên kế trên địa bàn TP.HCM.

Nội dung câu hỏi của bà chưa rõ về vị trí khu nên chúng tôi không thể trả lời cụ thể. Tuy nhiên, để giúp bà hiểu rõ về quy định của pháp luật chúng tôi xin trả lời như sau:

Căn cứ Điều 6 Quyết định số 135/2007/QĐ-UBND quy định:

“ Điều 6. Diện tích và kích thước lô đất xây dựng

1. Lô đất đủ chuẩn được áp dụng quy định này là lô đất có diện tích không nhỏ hơn 36 m2 (theo TCXD VN 353:2005), có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng không nhỏ hơn 3,0 m (theo Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg ngày 28-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Điều 121 Luật Xây dựng).

2. Các trường hợp lô đất có diện tích không đủ chuẩn áp dụng quy định này: được xem xét tùy theo vị trí mặt tiền đường hay trong hẻm.

2.1. Trường hợp lô đất có vị trí mặt tiền đường:

a) Nếu lô đất có diện tích dưới 15 m2 hoặc có chiều rộng mặt tiền (hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) nhỏ hơn 3,0 m: chỉ được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng; không được xây dựng mới.

b) Nếu lô đất có diện tích từ 15 m2 đến dưới 36 m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3,0 m trở lên: được phép cải tạo, sửa chữa theo quy mô số tầng hiện hữu hoặc xây dựng mới tối đa 2 tầng (có thể bố trí tầng lửng tại trệt và mái che cầu thang tại sân thượng), chiều cao không quá 13,4 m.

2.2. Trường hợp lô đất có vị trí trong hẻm:

a) Đối với lô đất hiện hữu có diện tích dưới 15 m2:

- Chiều rộng mặt tiền (hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) nhỏ hơn 3,0 m: chỉ được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng; không được xây dựng mới.

- Chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3,0 m trở lên: được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng hoặc xây mới quy mô 1 tầng (có thể bố trí tầng lửng tại trệt và mái che cầu thang tại sân thượng), chiều cao không quá 8,8 m.

Lưu ý: Đối với các dự án giải tỏa mới: khuyến khích chủ đầu tư có phương án xử lý triệt để, hạn chế phát sinh trường hợp này.

b) Đối với lô đất có diện tích từ 15 m2 đến dưới 36 m2:

- Có chiều rộng (hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) nhỏ hơn 2,0 m: trường hợp đã tồn tại được phép cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng;

Lưu ý: Đối với các dự án giải tỏa mới: khuyến khích chủ đầu tư có phương án xử lý triệt để, hạn chế phát sinh trường hợp này.

- Có chiều rộng (hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) từ 2,0 m đến dưới 3,0 m: được phép cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng hoặc xây dựng mới tối đa 2 tầng (có thể bố trí tầng lửng tại trệt và mái che cầu thang tại sân thượng), chiều cao không quá 12,2 m.

- Có chiều rộng (hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) từ 3,0 m trở lên, hoặc có chiều rộng (hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) từ 2,0 m đến dưới 3,0 m nhưng có điều kiện hợp khối kiến trúc bên ngoài: được phép cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng hoặc xây dựng mới tối đa 3 tầng (có thể bố trí tầng lửng tại trệt và mái che cầu thang tại sân thượng), chiều cao không quá 15,6 m.

3. Trong các dự án nhà ở thương mại, diện tích tối thiểu của lô đất xây dựng không nhỏ hơn 50 m2 và chiều rộng (chiều ngang) lô đất không nhỏ hơn 5,0 m (theo Luật Nhà ở năm 2005).

4. Việc xác định tính chất của trục giao thông (đường hay hẻm) do cơ quan quản lý kiến trúc quy hoạch cấp quận - huyện có thẩm quyền xem xét và lập danh mục cụ thể.

Trong trường hợp lô đất không đủ chuẩn áp dụng quy định (có diện tích nhỏ hơn 36 m2 hoặc chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3,0 m) có vị trí trên trục đường hoặc trong hẻm, nếu có điều kiện hợp khối kiến trúc bên ngoài hoặc khu đất có chiều dài lớn và mở rộng về phía sau sẽ được cơ quan quản lý kiến trúc quy hoạch cấp quận - huyện có thẩm quyền xem xét cụ thể”.

Giao lưu trực tuyến về "Quy định mới về xử phạt xây dựng trái phép" ảnh 8

Phóng viên Báo Pháp Luật đang tác nghiệp. Ảnh Thanh Nhã

PHẠM NHẬT (nhatpham…@gmail.com)

*Căn nhà của gia đình tôi đang ở là nhà cấp hai, mua lại từ năm 1986, đã có giấy hồng. Tuy sửa chữa nhiều lần nhưng nay nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Nguồn gốc nhà xây từ năm 1950 tới năm 1953, đến năm 1961 thì đuợc Ty Điền địa Gia Định và Toà Đô Chánh Sài Gòn cấp cho xây lầu hai và lầu ba. Nay gia đình tôi xin phép xây dựng mới thì UBND quận 3 và Phòng Quản lý đô thị quận 3 không cấp phép mà chỉ cho sửa chữa với lý do: toàn bộ nhà nằm trong ranh dự kiến quy hoạch hẻm giới năm 2000-2003. Nay tôi được biết thành phố đang điều chỉnh quy hoạch mảng xanh và các công trình công cộng thì gia đình tôi có đuợc xin xây mới hay không, thủ tục thế nào?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Nếu căn nhà nằm hoàn toàn trong lộ giới hẻm thì không thể xem xét cấp giấy phép xây dựng được. Nếu có thông tin điều chỉnh quy họach thì bạn có thể liên hệ UBND quận 3 để đuợc xem xét, giải quyết.

BÙI VĂN THỦY (Vũng Tàu, vanthuy_bui @ yahoo.com)

* Chị tôi được phuờng nơi đang cư ngụ hỗ trợ xây nhà tình thương. Anh, chị em chúng tôi muốn thêm cho chị ít kinh phí nữa để xây dựng cho chắc chắn và tươm tất, xin hỏi có được không?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Anh có thể liên hệ với UBND phuờng (xã) nơi người chị của anh cư ngụ để được xem xét, giải quyết.

Dung (David) Phan (dphan@hkland.com)

* Anh tôi ở quận 12, mua đất giấy tay, xây dựng không phép nên bị đập phá hết làm thiệt hại rất lớn. Xin hỏi trường hợp xây không phép thì có nhát thiết phải xử lý bằng cách đập phá như vậy không? Có thể phạt và hợp thức hóa nhà xây không phép, sai phép như thế nào? Nơi đó là khu dân cư, thiết nghĩ nhà nước nên nhanh chóng cấp sổ đỏ và cấp phép xây dựng để người dân, công nhân thành phần nghèo khó trong xã hội được nhờ. Xin cám ơn.

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Về câu hỏi của bạn, chúng tôi trả lời như sau:

Theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007 có hiệu lực từ ngày 4-1-2008, những công trình xây dựng không phép mà không phù hợp quy hoạch thì bắt buộc phải tháo dỡ; nếu phù hợp quy hoạch thì có thể xem xét cấp giấy phép xây dựng. Để được cấp giấy phép xây dựng, bạn phải ngừng thi công xây dựng đồng thời chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền và làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng. Nếu được cấp giấy phép xây dựng, bạn phải xây dựng theo đúng giấy phép được cấp thì công trình sẽ được tồn tại. Nếu bị từ chối cấp giấy phép thì công trình phải bị tháo dỡ.

TRƯƠNG THỊ HẰNG (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức)

* Kính thưa quý báo, chị tôi có hai căn nhà. Một căn tự xây dựng không phép vào cuối năm 2004 trong khu vực không vướng quy hoạch, chưa bị xử lý gì. Một căn cũng tự xây dựng không phép năm 2008 trong khu dân cư hiện hữu, có quyết định xử lý buộc khôi phục tình trạng ban đầu, đã nộp phạt 500.000 đồng tại kho bạc. Cả hai căn đều chưa được cấp số nhà. Nay theo quy định mới, hai căn nhà này của chị tôi có được hợp thức hóa không? Nếu được chị tôi phải bổ sung những giấy tờ gì?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Trường hợp xây dựng không phép cuối năm 2004 trước ngày 4-1-2008 (ngày Nghị định số 180/2007/NĐ-CP có hiệu lực) trong khu vực không vướng quy hoạch, việc xem xét cho tồn tại đối với công trình này hiện đang chờ hướng dẫn xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với trường hợp nhà xây dựng không phép trong khu dân cư hiện hữu, căn cứ theo Điều 12 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, trường hợp nhà xây dựng trên đất không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thì buộc tháo dỡ khôi phục hiện trạng đất ban đầu.

Trường hợp xây dựng trên đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thì yêu cầu chủ đầu tư liên hệ cơ quan có thẩm quyền xin phép xây dựng. Trong vòng 60 ngày nếu người dân không cung cấp được giấy phép xây dựng sẽ bị buộc tháo dỡ công trình. Trường hợp được cấp phép xây dựng nhưng có phần xây dựng không phù hợp quy hoạch, vi phạm các chỉ tiêu xây dựng thì phải tháo dỡ phần vi phạm, phần phù hợp quy hoạch sẽ được tồn tại theo giấy phép xây dựng.

Để phục vụ bạn đọc, Sở Xây dựng TP huy động 11 chuyên viên và lãnh đao sở tham gia giải đáp mọi thắc mắc của bạn đọc. Ảnh Thanh Nhã
Để phục vụ bạn đọc, Sở Xây dựng TP huy động 11 chuyên viên và lãnh đao sở tham gia giải đáp mọi thắc mắc của bạn đọc. Ảnh Thanh Nhã

PHUONG PHAN (124 Bùi Minh Trực, phường 5, quận 8, TP.HCM)

* Nhà có chủ quyền hợp pháp năm 1994, xây dựng không phép (có đóng tiền phạt khi bị lập biên bản trong lúc thi công năm 2001) vì lý do nằm trong quy hoạch đường dự phóng (quy hoạch “treo”). Cho đến nay, quy hoạch này đã được điều chỉnh và nhà tôi không còn nằm trong quy hoạch này nữa. Xin cho biết thủ tục để xin cấp sổ hồng hay thủ tục để hợp thức hóa nhà xây dựng không phép theo quy định mới.

Sơ Xây dựng TP.HCM trả lời: Đối với những trường hợp xây dựng nhà trước ngày 1-7-2004 (ngày Luật Xây dựng có hiệu lực), căn cứ theo Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg ngày 28-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Điều 121 Luật Xây dựng, trường hợp không phù hợp quy hoạch được duyệt thì công trình xây dựng sẽ được cho phép tồn tại theo hiện trạng. Đến khi thực hiện quy hoạch, chủ công trình phải thực hiện phá dỡ công trình theo quy định của Luật Xây dựng.

Trường hợp phù hợp với quy hoạch xây dựng sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét cho tồn tại công trình và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Đề nghị bạn liên hê UBND quận nơi có căn nhà để được hướng dẫn cụ thể.

B ẠN ĐỌC (lucky_...@yahoo.com)

* Năm 2008, tôi có mua một căn nhà bằng giấy tay tọa lạc tại ấp 1, xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Vì đây là khu vực thuộc quy hoạch “treo” nên việc mua bán chỉ thực hiện qua giấy tay. Vậy thì tôi có thể làm thủ tục hợp thức hóa căn nhà được không? Dự án quy hoạch ở khu vực này là gì? Chúng tôi rất bức xúc vì dự án “treo” gần 10 nă m rối.

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Theo nội dung bạn cung cấp, căn nhà bạn mua vào năm 2008 nằm trong khu vực đã có quy hoạch. Do đó, không thể lập thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (theo Điều 05 Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND ngày 30-3-2007 của UBND TP.HCM).

*Xin được tư vấn giúp trường hợp tách thửa đất với diện tích nhỏ. HUU NHAT (…huunhat@gmail.com)

*Thắc mắc về thủ tục hợp thức hóa nhà xây không phép tên đất có giấy đỏ mua của người khác nhưng chưa sang tên. LE VAN TINH (levantinh…@yahoo.com)

Sở Xây dựng TP.HCM : Đề nghị bạn theo dõi buổi giao lưu trực tuyến về các chuyên đề tiếp theo của Sở Xây dựng, trong đó có chuyên đề về cấp chủ quyền nhà đất và tách thửa.

PHAN TRÍ NGHI (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM)

* Tôi có mua một căn nhà (đã qua ba đời chủ: một chủ dất và hai chủ nhà) vào ngày 20-6-2004 và đã có quyết định cấp số nhà vào tháng 9-2004. Khi tôi mua nhà thì chủ cũ đã làm hồ sơ xin cấp số nhà rồi mới bán cho tôi. Hiện nay, tôi muốn đứng ra để làm chủ quyền nhà được không? Tôi có hỏi qua UBND phường thì được trả lời là không giải quyết vì số nhà mang tên chủ cũ, mà chủ cũ bán nhà cho tôi thì không biết hiện đã đi đâu. Trong bộ hồ sơ của tôi lại không có quyết định xử phạt xây dựng trái phép, không có giấy mua bán giữa chủ đất với người xây nhà lần đầu tiên.

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Do nội dung thông tin bạn cung cấp không rõ việc mua căn nhà trên bằng giấy tay hay hợp đồng có công chứng theo quy định nên chúng tôi không thể trả lời cụ thể. Về nguyên tắc, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tuân theo Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND ngày 30-3-2007 của UBND TP. Theo đó, quy định cụ thể nguyên tắc cấp giấy chứng nhận tại Điều 2, các trường hợp không cấp giấy chứng nhận quy định tại Điều 05.

Để có thể được trả lời chính xác, đề nghị bạn mang theo toàn bộ hồ sơ có liên quan căn nhà trên đến Sở Xây dựng TP.HCM để được hướng dẫn cụ thể.

KHOI NGUYEN (kakaacmilan_...@yahoo.com.vn)

* Xin Sở Xây dựng TP.HCM cho tôi hỏi Nghị Định 23 có hiệu lực từ ngày 1-5-2009, vậy những nhà xây dựng trước thời điểm đó (đã hoàn chỉnh) chưa bị lập biên bản xử phạt thì tại thời điểm bây giờ nếu phạt thì sẽ xử lý theo nghị định nào? Nếu cấp chính quyền vẫn xử lý theo Nghị định 23 thì đúng hay sai?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Theo hướng dẫn của Thanh tra Bộ Xây dựng, những hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng đã xảy ra trước ngày 1-5-2009, nếu được phát hiện sau ngày 1-5-2009 mà vẫn còn thời hiệu xử phạt (chưa quá hai năm) thì áp dụng xử phạt theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009. Trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt thì không bị xử phạt bằng tiền nhưng vẫn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Ông PHAN ĐÌNH NAM (phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP.HCM)

*Tôi xây dựng nhà không phép năm 2007, đã bị xử phạt hành chính với các biện pháp sau: Phạt tiền 200.000 đồng (tôi đã đóng phạt) và buộc phải xin giấy phép xây dựng theo quy định. Theo Nghị định 23, trường hợp của tôi có được cấp, đổi giấy chứng nhận chủ quyền hay không? Nếu không thì tôi phải làm sao để được cấp đổi giấy mới theo hiện trạng căn nhà mới bây giờ?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Do nội dung thông tin ông cung cấp không rõ, nên chúng tôi xin được trả lời như sau: Về nguyên tắc, việc xây dựng nhà không phép phải được phát hiện và xử lý kịp thời. Trường hợp của ông xây dựng nhà không phép sau ngày 1-7-2004 và trước thời điểm Nghị định số 180/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực (ngày 4-1-2008). Đối với các trường hợp này, hiện nay đang chờ hướng dẫn xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

QUACH THI HOA (quận Gò Vấp)

* Cuối năm 2008, tại khu phố tôi có bốn hộ xây dựng sửa chữa nhà không phép (nhà tôi sửa diện tích nhỏ nhất là 10 m2, ba hộ kia diện tích lớn hơn). Một tháng sau khi sửa nhà xong, tôi nhận được thông báo cắt điện. Trước khi bị cắt điện, gia đình tôi chưa nhận được quyết định phạt hành chính về xây dựng. Đã năm tháng nay, gia đình tôi không có điện xài. Việc cắt điện như vậy có đúng không? Tại sao ba trường hợp kia được phường hướng dẫn thủ tục để cấp phép còn nhà tôi thì không được hướng dẫn? Phường được cấp phép sửa chữa nhà bao nhiêu mét vuông? Tôi có tố cáo cán bộ thanh tra xây dựng và chủ tịch phường nhận hối lộ, cán bộ phường còn kích động bên đưa hối lộ đánh tôi trọng thương, vậy tôi phải làm sao?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Theo Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007, các công trình xây dựng không phép, sai phép phải bị xử lý nghiêm, cơ quan có thẩm quyền sẽ lập biên bản ngừng thi công và ban hành quyết định đình chỉ thi công. Theo đó, cơ quan cung cấp điện, nước sẽ ngừng cung cấp điện, nước và công an phường sẽ tổ chức ngăn chặn không cho phương tiện chở vật liệu xây dựng hoặc công nhân vào công trường thi công. Việc ngừng cung cấp điện, nước sau khi cấp thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ thi công là đúng theo quy định pháp luật. Ngoài ra, người vi phạm còn bị xử phạt theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP.

Để tiến hành đúng các thủ tục xin cấp phép, đề nghị bà liên hệ với UBND phường để được hướng dẫn cụ thể. Nếu sửa chữa nhà mà không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu công trình thì người dân cần liên hệ với UBND phường để được xem xét giải quyết từng trường hợp.

Việc bà phản ánh cán bộ phường nhận hối lộ rồi còn kích động bên đưa hối lộ đánh bà trọng thương, đề nghị bà phản ánh đến thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ đó để được giải quyết.

KHUC THI HOA (quận 10, TP.HCM)

*Tôi mua đất phân lô (đất nông nghiệp) có sổ đỏ chung ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), có xác nhận của xã từ năm 2001 nhưng đến nay đất vẫn không cho xây cất, không cho chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong khi người dân địa phương thì được xây dựng thoải mái. Việc làm này có đúng với quy định hay không? Cơ quan cấp phép sai sẽ bị xử lý như thế nào? khiếu nại ở đâu?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Lô đất của bạn tại xã Vĩnh Lộc A nếu thuộc khu vực chưa có quy hoạch chi tiết thì không được cấp phép xây dựng mới, chỉ được cấp phép xây dựng tạm hoặc xin sữa chữa nhưng phải giữ nguyên trạng. Về việc xây dựng của bạn, đề nghị bạn liên hệ UBND xã Vĩnh Lộc A để biết thêm thông tin về quy hoạch của khu đất trên. Nếu phát hiện có trường hợp nào cơ quan cấp phép sai quy định, bạn có thể liên hệ UBND huyện Bình Chánh để tố cáo.

BẠN ĐỌC (phuong_...@yahoo.com)

* Nhà tôi xây dựng tạm do UBND phương cấp giấy phép vào năm 2006. Nhà tôi nằm trong diện quy hoạch “treo” được cấp phép xây dựng với vật liệu hỗn hợp một trệt, một lầu nhưng nhà tôi cất sai phép một trệt, hai lầu, mái bằng bê tông cốt thép. Khu vực tôi đã xóa bỏ quy hoạch “treo” vào năm 2008, người dân được xây dựng nhà ở ổn định một trệt, hau lầu, mái bê tông cốt thép. Vậy theo Nghị định 23 nă 2009, nhà tôi có thể xin hợp thức hóa để làm giấy hồng khong?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Về nguyên tắc, việc xây dựng nhà sai phép phải được phát hiện và xử lý kịp thời. Trường hợp của bạn xây dựng nhà sai phép vào năm 2006 (sau ngày 1-7-2004) và trước thời điểm Nghị định số 180/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực (ngày 4-1-2008). Đối với các trường hợp này, hiện nay đang chờ hướng dẫn xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

DOAN DUY DUONG (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM)

*Nhà tôi nằm trong khu dân cư hiện hữu ổn định, xây dựng vào tháng 9-2004, có được hợp thức hóa không? Nếu được thì phải đóng thuế như thế nào?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Về nguyên tắc, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở trên địa bàn TP.HCM tuân theo Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND ngày 30-3-2007 của UBND TP.HCM. Để có thể được trả lời chính xác, đề nghị bạn mang theo toàn bộ hồ sơ có liên quan căn nhà trên đến Sở Xây dựng TP.HCM để được hướng dẫn cụ thể.

HUỲNH ĐỨC (huynhduc…@yahoo.com)

*Tôi xây nhà không phép diện tích 5 x 14 m tại tổ 45, khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) từ tháng 10-2006. Khu vực này được quy hoạch làm công viên cây xanh, có lần tôi đọc báo được biết UBND quận Thủ Đức đề nghị bãi bỏ quy hoạch “treo” này. Trường hợp của tôi có thể xin số nhà hoặc hợp thức hóa được không? Thủ tục như thế nào?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Đề nghị bà liên hệ UBND quận Thủ Đức để được xem xét hướng dẫn cụ thể.

HOÀNG ÂN (kenshin…@gmail.com)

*Tôi xây nhà trong khu quy hoạch dự án, theo quyết định của Kiến trúc sư trưởng TP.HCM trước đây cho phép xây 210 m2, cao không quá 15 m. Nhưng trong lệnh khởi công do công ty là chủ đầu tư dự án cung cấp cho phép xây 250 m2, do không để ý nên tôi cũng xây theo 250 m2 (không vi phạm chiều cao). Do vậy, phòng tài nguyên và môi trường không chịu cấp giấy hồng và đề nghị xử phạt đối với tôi vì xây dựng sai phép. Tôi muốn biết mức phạt như thế nào?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Cơ sở để xác định việc xây dựng đúng hay sai được căn cứ vào quyết định phê duyệt quy hoạch của Kiến trúc sư trưởng TP.HCM. Việc xây dựng của bạn sai với quy định của Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho phép thì sẽ bị xử phạt theo Khoản 3 Điều 11 Nghị định 23 ngày 27-2-2009. Ngoài ra, bạn còn bị buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm.

BẠN ĐỌC (ketoandongnghi@...)

* Xin hỏi tôi có mua một lô đất ở quận 12 trong khu quy hoạch. Khi xin phép xây dựng, tôi xin phép xây 8,2 x 15 m nhưng tôi lại xây dựng 9 x 17 m thì có hoàn công được không?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Trường hợp của bạn là xây dựng sai phép, do đó không thể lập thủ tục hoàn công.

NGUYẾN QUỐC VIỆT (thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, Bình Thuận)

*Diện tích đất ở của tôi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại có hành lang an toàn bảo vệ đường bộ nên không thể xin giấy phép xây dựng được. Nếu tôi xây dựng thì sẽ bị xử lý ra sao?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Do phần đất của ông chuẩn bị xây dựng thuộc hành lang an toàn bảo vệ đường bộ nên việc xây dựng nhà của ông bà sẽ bị đình chỉ thi công, buộc tháo dỡ theo quy định tại Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007.

TRẦN HỮU THỌ (quận Thủ Đức)

*Tôi có mua một lô đất, trong đó có 100 m2 đất thổ cư., Tôi xin phép để xây nhà thì cơ quan chức năng trả lời chỉ cấp phép tạm, không cấp phép chính thức được vì đất của tôi sau này sẽ quy hoạch làm khu dân cư. Tôi được biết theo Nghị định 181/2004/NĐ-CP và Nghị định 84/2007/NĐ-CP, khi nhà nước chưa công bố quy hoạch, chưa kiểm kê, thu hồi đất thì người dân được phép xây dựng nhà ở đúng với mục đích sử dụng đất và vẫn được cấp phép. Hoặc khi công bố quy hoạch nhưng sau ba năm nhà nước chưa triển khai thì lúc đó nhà nước vẫn cấp phép tạm cho dân làm nhà. Vậy trường hợp của tôi chưa công bố quy hoạch, chưa thu hồi đất thì có được cấp phép xây dựng chính thức không?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Đối với trường hợp lô đất của ông thì chỉ được cấp phép xây dựng tạm. Nếu có thắc mắc về việc cấp phép tạm thì đề nghị ông liên hệ UBND cấp huyện nơi có lô đất để được xem xét cấp phép theo thẩm quyền.

QUOC NGUYEN (quoc_...@yahoo.com)

*Nhà tôi tại quận Tân Bình, diện tích theo sổ hồng là 5 x 8 m, là nhà gạch mái tôn và một gác nhỏ (nhưng phần gác khi hợp thức hóa thì không vẽ vào sổ hồng). Lộ giới hẻm hông sẽ cắt nhà tôi vào 1,45 m (còn lại 3,55 m) nhưng chưa thực hiện. Tôi có gửi đơn xin sửa chữa lại nhà và được phường chấp thuận. Khi sửa chữa nhà tôi đã làm lại phần gác nhưng phường không cho phép và yêu cầu tôi phải xin phép ở quận Tân Bình. Tôi liên hệ quận đề nghị cấp phép xây dựng tạm phần gác lửng gỗ (5 x 5 m) và làm cam kết tháo dỡ khi thực hiện lộ giới hẻm nhưng quận không chấp thuận. Hướng giải quyết vậy có đúng quy định?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Nếu việc sửa chữa của bạn là sửa chữa nguyên trạng, không làm thay đổi kiến trúc và kết cấu thì không cần phải xin phép xây dựng mà chỉ cần đăng ký sửa chữa tại UBND phường.

THÀNH NGÂN (quận 3, TP.HCM)

* Nghị định 23 năm 2009 quy định ngoài việc áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả nh, tên tổ chức, cá nhân vi phạm, hình thức xử phạt, việc khắc phục hậu quả đối còn phải được công bố trên website của Bộ Xây dựng và của ủy ban tỉnh, thành phố nơi ban hành quyết định xử phạt. Thời gian bị “bêu tên” này là bao lâu, bởi khi người ta đã khắc phục rồi mà cứ treo tên trên đó hoài thì cũng bị ảnh hưởng?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Đúng là Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 quy định như vậy. Tuy nhiên, quy định cụ thể về công bố trên website (trong đó có thời gian công bố) hiện đang chờ hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

MỘT BẠN ĐỌC

* Kế bên nhà tôi là tòa cao ốc 12 lầu đang được xây dựng. Chúng tôi thấy công trình này không có gì che chắn nên vôi vữa rơi rớt xung quanh rất nhiều. Hành vi này bị xử phạt ra sao?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Việc không che chắn công trình để rơi vãi vật liệu xuống các khu vực xung quanh sẽ bị xử phạt theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP như sau:

- Nếu công trình do chủ đầu tư tự tổ chức thi công sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 5 Điều 11:

“a. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ;

b. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng công trình khác”.

- Nếu công trình do nhà thầu thi công sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 5 Điều 25:

“a. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ.

b. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng công trình khác”.

BẠN ĐỌC (vanthanh…@yahoo.com.vn)

* Công ty tôi trúng thầu bốn công trình xây dựng cho một huyện tại TP.HCM. Về tiến độ, các công trình này đều được hoàn thành chênh lệch nhau khoảng 10 đến 13 ngày. Dự kiến đầu tháng 8, chúng tôi sẽ thực hiện xong. Nhưng mới đây, khi chúng tôi yêu cầu nghiệm thu công trình thứ nhất đã hoàn thành thì nhận được phúc đáp: Vì các công trình chênh nhau về mốc hoàn thành không bao nhiêu, hơn nữa lại chung chủ đầu tư nên gom lại để tổ chức nghiệm thu một lần sau khi công trình cuối cùng hoàn thành. Việc này có đúng không?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Hành vi vi phạm quy định về nghiệm thu được quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định 23/2009/NĐ-CP:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi sau đây:

a. Không tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng theo đúng thời gian mà nhà thầu thi công xây dựng nêu trong phiếu yêu cầu nghiệm thu khi công trình đã hoàn thành, đủ điều kiện nghiệm thu mà không có lý do chính đáng;

b. Tổ chức nghiệm thu sai quy định”.

Do đó, nếu nhà thầu thi công đã có phiếu yêu cầu nghiệm thu khi công trình đã hoàn thành và đủ điều kiện nghiệm thu mà chủ đầu tư từ chối nghiệm thu khi không có lý do chính đáng thì sẽ bị xử phạt theo quy định nêu trên.

NGUYỄN HỒNG LOAN (huyện Bình Chánh, TP.HCM)

* Nhà tôi xây không phép nhưng tồn tại 7-8 năm nay. Nay nhà xuống cấp nặng, ngập nước, tường mục nát, mái tôn dột... để an toàn tôi muốn nâng nền, dặm vá lại tường, lợp tôn mới. Vậy tôi có phải xin phép sửa chữa không, nếu xin thì thủ tục và liên hệ cơ quan nào?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Trường hợp của bà là sửa chữa nguyên trạng không làm thay đổi về kết cấu công trình, thuộc diện không phải xin phải xây dựng. Đề nghị bà liên hệ UBND phường để đăng ký sửa chữa.

HOÀNG THẢO VY (phường Đa Kao, quận 1)

Nghị định 23 năm 2009 đã có thông tư hướng dẫn chưa, nếu có thì thông tư đó số mấy, ban hành ngày nào?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Đến ngày 22-7-2009, Sở Xây dựng TP.HCM chưa nhận được thông tư hướng dẫn Nghị định 23/2009/NĐ-CP.

DOAN GIANG THANH (phường 2, quận Phú Nhuận)

Nhà tôi có giấy phép xây dựng cuối năm 2008, hoàn thành năm 2009. Giấy phép xây dựng cho xây ban công, tôi xây thành tường nhưng không xây hết diện tích xây ban công. Tôi cần làm thủ tục gì để được hoàn công?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Việc bạn xây dựng một phần ban công thành phòng là hành vi xây dựng sai phép phải được xử lý theo quy định (phạt tiền và buộc khắc phụ hậu quả). Sau khi bạn đã chấp hành quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền thì mới được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình.

ĐỖ THỊ MINH THÚY (huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu)

Trường hợp đất đã quy hoạch và công khai, người dân có được xem xét cấp giấy phép tạm để xây nhà ở hay không? Thời gian tồn tại nhà ở tạm là bao lâu? Nếu chưa hết thời gian tồn tại trong giấy phép mà nhà nước thu hồi đất thì có được bồi thường theo quy định hay không?

Sơ Xây dựng TP.HCM trả lời: Trường hợp đất của bà thì được cấp phép xây dựng tạm có thời hạn. Thời hạn tồn tại của công trình xây dựng tạm này được ghi trong giấy phép hoặc cho đến khi nhà nước thực hiện quy hoạch, có quyết định thu hồi đất.

DANG TAN (phường 16, quận 8)

* Năm 2006, tôi có mua miếng đất 4 x 10 m bằng giấy tay ở xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP.HCM) nhưng chưa làm thủ tục tách thửa. Nay tôi có nhu cầu xây nhà, vậy tôi có thể xin phép xây dựng nhà được không?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện. Đề nghị bạn liên hệ UBND huyện Bình Chánh để được xem xét giải quyết.

NGUYỄN THÀNH VINH (tỉnh Tiền Giang)

* Nhà ở riêng lẻ, giấy phép xây dựng cho phép 60 m2 (trệt), khi thi công tôi xây 70 m2,phần tăng thêm 10 m2 đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Trường hợp nầy có bị xử phạt theo Nghị định 23 không? Có bị ngừng thi công xây dựng toàn bộ công trình hay ngừng thi công phần sai phép 10 m2? 

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Trường hợp của ông là xây dựng sai phép thì phải ngừng thi công toàn bộ công trình, phải tháo dỡ phần sai phép và bị xử phạt theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP.

PHẠM TUYẾT LAN (quận 10)

* Nhà do quận quản lý, chưa xác lập sở hữu nhà nước. Nay chủ sở hữu khiếu nại đòi nhà thì thẩm quyền giải quyết lần đầu là UBND quận hay UBND TP.HCM?

Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Trường hợp căn nhà của bà đã có văn bản quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (do quận quản lý). Nay nếu chủ sở hữu khiếu nại đòi lại căn nhà trên thì thẩm quyền giải quyết lần đầu là UBND TP.HCM. Để được hướng dẫn cụ thể, đề nghị bà mang theo toàn bộ hồ sơ có liên quan căn nhà đến Sở Xây dựng TP.HCM (bộ phận tiếp dân của Thanh tra Sở Xây dựng).

LƯU Ý: Vẫn còn rất nhiều câu hỏi bạn đọc gửi tới Sở Xây dựng TP.HCM chưa kịp trả lời hết trong buổi sáng 23-7-2009. Sở Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu trả lời bạn đọc. PLO sẽ tiếp tục cập nhật trong thời gian sớm nhất để bạn đọc theo dõi.

PLO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm