Sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành các kết luận xác minh các đơn tố cáo giáo viên (GV) dạy thực hành lái xe sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp lệ, Sở GTVT TP.HCM đã tiến hành thu hồi 83 giấy chứng nhận GV dạy thực hành lái xe đã cấp tại năm cơ sở đào tạo. Đồng thời, đình chỉ tuyển sinh hai tháng đối với năm cơ sở này.
Đình chỉ tuyển sinh hai tháng
Năm cơ sở có GV sử dụng văn bằng không hợp lệ gồm: Trường dạy lái xe Thống Nhất, Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát, Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát, Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới, Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn.
Điển hình, Trường dạy lái xe Thống nhất có 29/33 GV sử dụng chứng chỉ, văn bằng giả. 29 trường hợp này đã bị cơ quan chức năng buộc thôi việc.
Thông tin trên website, mỗi năm trường này đào tạo gần 3.000 học viên và tỉ lệ đậu bình quân luôn trên 90%. Thời điểm hiện tại, một số thông tin về trường đã bị khóa.
Phóng viên liên hệ qua đường dây nóng của trường và nhân viên ở đây cho biết mọi thông tin đã được công khai và nhà trường không nói gì thêm.
Bốn cơ sở còn lại có 54 GV sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp lệ.
Theo Sở GTVT, 54 trường hợp này, các văn bằng chuyên môn, chứng chỉ sư phạm giả là do các cá nhân GV dạy thực hành tự mua qua mạng nộp cho cơ sở đào tạo lái xe.
Từ các sai phạm nêu trên, Thanh tra Sở GTVT cho biết đã đình chỉ tuyển sinh hai tháng đối với năm cơ sở đào tạo này. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phạt hành chính việc bố trí GV không đủ tiêu chuẩn để giảng dạy, mức phạt 4 triệu đồng/cơ sở.
Ngoài ra, Sở GTVT yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe nghiêm túc tổ chức họp kiểm điểm chấn chỉnh đối với các cá nhân, phòng ban tiếp nhận hồ sơ GV đã để xảy ra sai sót, thanh lý hợp đồng đối với các GV không đảm bảo tiêu chuẩn.
Cũng từ sự việc này, Sở GTVT cho hay sẽ điều chỉnh lượng đào tạo của các đơn vị có vi phạm quy định tại Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT.
Các cơ sở đào tạo tự thẩm duyệt văn bằng
Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý, sử dụng đội ngũ GV dạy thực hành lái xe, Sở GTVT cho biết trong công tác xét duyệt hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận có nhiều thành phần.
Theo quy định, việc tuyển dụng và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ GV dạy lái xe do các cơ sở đào tạo căn cứ nhu cầu và chủ động thực hiện. Sở GTVT là đơn vị tiếp nhận hồ sơ và danh sách học viên tham gia các lớp tập huấn GV do cơ sở đào tạo lái xe tổ chức. Sau đó căn cứ theo các quy định liên quan để xét duyệt thành phần hồ sơ, tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận GV theo đúng trình tự quy định. Các quy định hiện nay không yêu cầu Sở GTVT phải tổ chức xác minh đối với các văn bằng, chứng chỉ của GV.
Trường hợp nặng nhất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm. Tính đến hết tháng 2-2020, trên địa bàn TP.HCM có 73 cơ sở đào tạo lái xe (trong đó có 56 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 17 cơ sở đào tạo lái xe mô tô) với 6.576 GV dạy thực hành lái xe. Trong hai năm 2018-2019, Sở GTVT TP.HCM đã cấp tổng cộng hơn một triệu giấy phép lái xe, chiếm khoảng 23% tổng lượng giấy phép lái xe đã cấp trên toàn quốc. |
Sở GTVT cho hay trước đó sở cũng đã có nhiều công tác tổ chức kiểm tra cấp giấy chứng nhận GV dạy thực hành lái xe.
Cụ thể, từ ngày 25-8-2017, giám đốc Sở GTVT ban hành Quyết định số 4277 về việc tổ chức kiểm tra cấp giấy chứng nhận GV dạy thực hành lái xe. Trong đó, công tác xét duyệt thành phần hồ sơ học viên đề nghị kiểm tra cấp giấy chứng nhận GV dạy thực hành lái xe cũng được Sở GTVT quy định cụ thể.
Điển hình, kỳ kiểm tra cấp giấy chứng nhận GV dạy thực hành lái xe tháng 11-2018, sở đã tiến hành gửi xác minh 34/96 văn bằng, chứng chỉ của học viên đến các cơ sở giáo dục đã cấp.
Căn cứ trên kết quả trả lời xác minh ngày 27-2-2019, Sở GTVT có văn bản gửi Trường dạy nghề tư thục lái xe Thống Nhất thu hồi 11 giấy chứng nhận GV dạy thực hành lái xe đã cấp. Đồng thời, yêu cầu trường này nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Từ ngày 4-3-2019, để đảm bảo chặt chẽ công tác này, Sở GTVT cũng có văn bản gửi các cơ sở đào tạo lái xe về việc xác minh văn bằng, chứng chỉ của học viên tham dự tập huấn GV dạy thực hành lái xe. Theo đó, yêu cầu các cơ sở đào tạo phải chủ động xác minh văn bằng, chứng chỉ của học viên tham dự tập huấn. Kết quả xác minh gửi kèm theo hồ sơ học viên đề nghị kiểm tra cấp giấy chứng nhận GV dạy thực hành lái xe để sở xét duyệt.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT, để xảy ra tình trạng GV sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả là sai sót của cá nhân thuộc hội đồng xét duyệt hồ sơ đăng ký học.
Theo luật sư Cao Ngọc Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc sử dụng chứng chỉ, văn bằng sư phạm để dạy lái xe giả cũng giống như việc luật sư hay bác sĩ sử dụng chứng chỉ giả vậy. Việc này gây nguy hiểm cho xã hội nên cần phải bị nghiêm trị. Theo đó, tùy theo từng mức độ mà hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính và xử lý bằng các hình thức kỷ luật khác. Cụ thể, đối với cơ sở đào tạo lái xe bố trí GV không đủ tiêu chuẩn để giảng dạy sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng (điểm a khoản 3 Điều 37 Nghị định 100/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt). Về cá nhân, việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền 7-10 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu văn bằng, chứng chỉ giả (khoản 4 Điều 17 Nghị định 79/2015 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp). |