Tuần qua, khoa Vi phẫu tạo hình BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM đã tiếp nhận liên tiếp ba trẻ bị chấn thương ở bàn tay, có trẻ nguy cơ phải tháo bỏ luôn các ngón tay. Các bác sĩ cảnh báo những ngày giáp tết, tần suất trẻ gặp tai nạn sẽ tăng do cha mẹ bận rộn, thiếu sự quan tâm thường xuyên đến con trẻ ở nhà không đi học.
Gặp nạn cuối năm
Trường hợp thứ nhất là bé ĐGL (hai tuổi, quận 5) bị máy cắt giấy cắt đứt một lóng ngón trỏ bàn tay trái. Theo lời mẹ bé thì gia đình làm xưởng cắt giấy decal, làm đèn LED… Bé L. hay luẩn quẩn trong xưởng để chơi. Hôm đó, ông nội bé loay hoay sửa máy móc, không để ý nên bé lẻn vào gần máy cắt giấy. Hậu quả là bé đưa ngón tay trỏ bàn tay trái vào máy và bị cắt một lóng rời ra. Gia đình đưa bé đến BV Chấn thương Chỉnh hình kèm lóng tay bị đứt. Các bác sĩ đã tiến hành vi phẫu nối lại lóng tay cho bé. Ngày 20-1, tức sau 10 ngày bị tai nạn, lóng tay được nối đã hồng hào.
Một bệnh nhi bị đứt ngón tay vừa được nối lại thành công. Ảnh: TÙNG SƠN
Bên cạnh bé L. là bé LVP (11 tuổi, quận 7) đang thút thít khóc khi bác sĩ hỏi về tình trạng ngón tay của mình. Theo lời cha mẹ bé thì chiều sau khi tan trường, bé P. theo bạn đến trước cổng một công ty lớn ngồi chơi. Do vô tình, bé để tay trái chống lên cửa kéo (có đường ray), bảo vệ công ty không thấy nên khi đóng cửa lại thì kẹp luôn bàn tay trái của bé. Bé P. đến BV Chấn thương Chỉnh hình trong tình trạng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa bàn tay trái bị nát xương, bầm tím. Sau một tuần theo dõi, các bác sĩ cho biết khả năng ngón cái sẽ tháo bỏ do bị hoại tử không cứu được.
Trường hợp khác, nhà nghèo, cha mẹ làm công nhân nên bé TTL (11 tuổi, huyện Củ Chi) tranh thủ buổi nghỉ học sang vựa ve chai đối diện nhà làm kiếm thêm tiền. Trong lúc đưa đồ nhựa vào máy ép cho dẹp lại, bé bị trượt tay, bị cuốn vào chiếc máy ép khiến ba ngón giữa bàn tay phải dập nát, không thể phục hồi được.
Trước đó, BV Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận ba trường hợp liên tiếp ngậm bàn chải đánh răng, ống nước và xiên gỗ bị rách vòm miệng, máu chảy ồ ạt. Điều trị cả ba trẻ này gặp khó khăn nên bác sĩ phải gây mê để cầm máu và làm cho vết thương mau lành…
Trẻ bị tai nạn do cha mẹ ít quan tâm
BS Đinh Tấn Phương, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1, cho biết dịp tết trẻ nghỉ ở nhà nhiều. Tai nạn ở nhà thường gặp nhất là điện giật, tắm hồ chết đuối, bỏng các loại: nước sôi, thức ăn, pháo, lửa, thức ăn nóng, bỏng pô xe máy, vật nhọn đâm, nuốt dị vật... Do vậy, phụ huynh cần chú ý trẻ hiếu động, trẻ mới biết đi... Người nhà cần kiểm tra dây điện, ổ cắm điện an toàn, các vật dụng sinh hoạt nguy hiểm để ngoài tầm với của trẻ…
TS-BS Mai Trọng Tường, Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình BV Chấn thương Chỉnh hình, cho biết vào dịp cuối năm, bất kể người lớn hay trẻ em đều dễ bị tai nạn. Đối với người lớn, công nhân thì dễ bị chủ hàng, đối tác thúc ép, nhiều khi làm quá sức, làm vội vàng dẫn đến xảy ra tai nạn.
Còn trẻ em thì hay gặp tai nạn do cha mẹ không quan tâm, điều này ở Việt Nam gặp rất nhiều, thường là bỏng, tai nạn sinh hoạt. Đặc biệt phụ huynh lưu ý bỏng, bởi mùa này nhiều gia đình nấu bánh tét, chiên đồ ăn mà lơ đễnh, trẻ lại gần dễ bị ngã vào bếp lửa, chảo dầu, nước sôi.
DUY TÍNH
Sơ cứu tai nạn thường gặp trong ngày tết Trước và trong tết luôn xảy ra các tai nạn thường gặp khi sắp xếp, quét dọn nhà cửa. Bàn ủi, quạt điện, ấm điện, ổ cắm điện, phích cắm điện… bị hỏng lớp cách điện dễ gây điện giật và té ngã, gãy tay chân, nhất là đối với người già. Tết còn là dịp cắn tí tách các loại hạt dưa, hướng dương… và là nguyên nhân gây dị vật đường thở đối với trẻ. Nếu bị điện giật, trước hết phải tách nạn nhân khỏi nguồn điện bằng cách cắt ngay dòng điện (rút phích cắm ra khỏi ổ điện hoặc cắt cầu dao điện tại nguồn chính). Nếu không cắt được nguồn điện thì người sơ cứu đứng trên vật cách điện như miếng gỗ, tập giấy hoặc đi giày cao su khô rồi dùng khúc gỗ khô, cán chổi, đòn gánh hoặc cuộn giấy đẩy dây điện khỏi người nạn nhân. Trường hợp trẻ trên tám tuổi và người lớn bị bất tỉnh, không thở (ngưng tim - ngưng thở) do điện giật thì kiểm tra và khai thông đường thở; kiểm tra sự thở của nạn nhân bằng cách nhìn, sờ, nghe và cảm nhận; nếu nạn nhân bất tỉnh nhưng còn thở thì nhanh chóng đưa về tư thế nằm nghiêng an toàn và tiếp tục theo dõi. Trong trường hợp nạn nhân bất tỉnh, không thở thì tiến hành hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực. Gãy xương thường rơi vào một trong hai trường hợp: Gãy xương kín hoặc gãy xương hở. Gãy xương kín là gãy xương mà ổ gãy không thông với bên ngoài. Có biểu hiện đau tại vùng tổn thương, đau nhói tại điểm gãy, nạn nhân càng cử động thì càng đau. Điểm gãy biến dạng khác thường như gồ lên, ngắn, vẹo, lệch trục, gập góc… Vùng tổn thương bầm tím, sưng nề. Trong khi đó, gãy xương hở là gãy xương mà ổ gãy thông với bên ngoài. Rách da, chảy máu, đầu xương gãy hở ra ngoài. Xử lý gãy xương bằng cách giữ nguyên tình trạng ổ gãy, không kéo, không nắn, không lắc xương gãy. Đảm bảo bất động thật chắc khớp trên và khớp dưới ổ gãy. Trường hợp gãy xương kèm theo tổn thương mạch máu cần sơ cứu chảy máu trước khi cố định xương gãy. Nếu gãy xương hở thì nhanh chóng xử lý hở thành kín rồi cố định như gãy xương kín. Trẻ em bị dị vật đường thở do hạt dưa, hướng dương… có thể xử lý bằng cách vỗ lưng và ép bụng. Trong trường hợp dị vật chưa ra thì làm xen kẽ vỗ lưng và ép bụng cho đến khi dị vật thoát ra. ThS NGUYỄN MINH NHỰT, Phó Giám đốc |