Năm nay, các doanh nghiệp tiếp tục tung ra thị trường các giỏ quà tết giá bình dân, có tính ứng dụng cao và ưu tiên hàng nội địa. Đồng thời các doanh nghiệp cũng nỗ lực xuất khẩu các đơn hàng tết ra thị trường quốc tế.
Hàng nội địa lên ngôi
Ông Nguyễn Ngọc Anh Tùng, Giám đốc điều hành (CEO) Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại UFO (FoodMap) cho biết, năm nay đơn vị tiếp tục cho ra mắt nhiều bộ quà tặng tết với phân khúc giá trung bình 249.000 đồng cho đến các bộ quà tặng cao cấp khác.
Đáng chú ý, có khoảng 95% các mặt hàng trong bộ quà tết đến từ các nông đặc sản nội địa từ rượu cho tới các loại bánh mứt.
Đơn cử như như kẹo dẻo xương rồng, macca Lâm Đồng, khô heo mắc mật, hay hồng vuông treo gió Đà Lạt, khoai lang mật sấy dẻo... Các sản phẩm rượu, trà cũng mang đậm bản sắc các vùng miền với rượu chanh giấy miền Tây, rượu mận máu Hoàng Su Phì hay Trà Ô long Mộc Châu…
Nói với PLO, ông Tùng cho hay, nhu cầu tiêu dùng các nông đặc sản nội địa đang tăng cao trong hai năm trở lại đây, nhờ vào chất lượng sản phẩm cũng như khả năng vận chuyển tiện lợi. Vì thế, Foodmap kỳ vọng giỏ quà tết sẽ tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ.
Về phía doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, Công ty cổ phần Bibica cũng nhanh chóng ra mắt các sản phẩm quà tết từ sớm, kỳ vọng doanh số sẽ tăng cao hơn năm ngoái.
Tương tự, với lĩnh vực sản xuất sản phẩm gia vị thiết yếu, Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An cũng bắt nhịp thị trường tết sớm khi cho ra 3 bộ quà tết với sản phẩm chủ đạo là dầu ăn, nước mắm, bơ…
Nhận định về sức mua dịp tết 2025, ông Bùi Thanh Tùng, Tổng giám đốc doanh nghiệp Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An cho biết, sẽ khó đoán định chính xác.
“Tuy nhiên, theo tôi, người tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục bám sát việc tiêu dùng thông minh, xu hướng mua sắm đã nổi lên từ sau dịch đến nay. Những sản phẩm thiết yếu, cần thiết sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong giỏ sản phẩm của người tiêu dùng.
Qua theo dõi thị trường, năm nay các hộp quà của chúng tôi được người tiêu dùng đánh giá là rực rỡ, bắt mắt và đa dạng hơn, phù hợp với không khí vui tươi cũng như nhu cầu thiết yếu của ngày tết”- ông Tùng chia sẻ.
Vị này cũng nhấn mạnh, đang làm việc với các điểm bán, siêu thị, đại siêu thị để tăng cường các nguồn hàng dự trữ, cũng như tích cực hợp tác, làm việc với các cơ quan, tổ chức nhằm giữ vững bình ổn giá thị trường để người dân có thể yên tâm sắm Tết.
Mở rộng kênh bán hàng
Theo các doanh nghiệp, cùng với các kênh phân phối truyền thông, năm nay các đơn vị sẽ đẩy mạnh kênh bán hàng online khi hình thức mua sắm kết hợp giải trí (shoppertaiment) vẫn đang duy trì "sức nóng".
Ông Bùi Thanh Tùng cho biết, dù sở hữu hệ thống phân phối 450.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc nhưng đơn vị này vẫn tận dụng các mối quan hệ hiện có, tăng cường làm việc với các đối tác B2B để đưa sản phẩm quảng bá và bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
“Đặc biệt chúng tôi sẽ tổ chức chuỗi livestream nhằm lan tỏa hình ảnh cũng như thông điệp lạc quan, tích cực mà mỗi hộp quà mang đến cho người tiêu dùng.
Hiện nay các phiên live/megalive ngày đôi như 12-12 hay 1-1 (tết Dương lịch) thường có nhiều voucher hấp dẫn từ các nền tảng và thương hiệu, chính vì thế tôi rằng người mua sẽ sẵn sàng chốt đơn nhờ các deal hời, khiến sức mua tăng đột biến vào những ngày này”, ông Tùng cho biết.
Tương tự, Foodmap cũng cho biết, ngoài cung ứng theo đơn đặt hàng cho doanh nghiệp, đơn vị này sẽ tận dụng lợi thế về TMĐT của đơn vị này để cung ứng các sản phẩm quà tặng tết một cách nhanh chóng. Đồng thời cũng lên kế hoạch dự kiến tổ chức các phiên livestream lớn.
"Đáng chú ý năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức và tham gia các chương trình, triển lãm offline để thu hút người tiêu dùng cũng như gia tăng kênh bán hàng"- ông Nguyễn Ngọc Anh Tùng nói.
Bánh chưng nhân cá kho làng Vũ Đại xuất ngoại
Đối với thị trường xuất khẩu, đại diện Công ty C&T Produce Wholesale, đơn vị phân phối thực phẩm tại Mỹ, chuyên hỗ trợ hàng Việt xuất khẩu nhìn nhận, đã lên kế hoạch nhập khẩu các mặt hàng Tết Việt phục vụ cho kiều bào Mỹ.
Tuy nhiên năm nay tết sớm hơn mọi năm và tình hình kinh tế còn khá khó khăn, do đó rất có thể chi tiêu của người Việt tại nước ngoài dự kiến cũng trở nên tiết kiệm.
"Vì lo ngại sức mua nên chúng tôi ưu tiên các mặt hàng tết cơ bản như mứt từ nông sản Việt, bánh tét 3 màu trứng muối, bánh tét lốc xoáy, hạt điều rang củi, cũng như một số vật dụng trang trí Tết.
Đặc biệt năm nay, chúng tôi lần đầu tiên cho ra mắt thị trường Mỹ sản phẩm bánh chưng nhân cá kho làng Vũ Đại. Đây là sản phẩm vừa truyền thống vừa có tính mới lạ, kỳ vọng thúc đẩy tiêu dùng của kiều bào tại Mỹ"- đại diện C&T Produce Wholesale nói.
Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng theo kế hoạch đăng ký. Dự kiến sản lượng hàng bình ổn năm nay trên địa bàn sẽ tăng 4 - 6% so với năm ngoái, riêng nhóm lương thực, thực phẩm thiết yếu chiếm từ 25 - 42% nguồn hàng cho tháng Tết, đủ khả năng cung cấp cho thị trường và giá cả ổn định trên địa bàn.