Những ngày qua, hàng trăm xe chở nông sản, trong đó chủ yếu là thanh long bị ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) khiến người dân và doanh nghiệp lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Bởi mỗi ngày chưa được thông quan sẽ kéo theo nhiều chi phí khác phát sinh: Chi phí kho lạnh, chi phí thuê xe, chất lượng nông sản giảm dần sẽ bị ép giá…
Liên tục ùn tắc
Theo báo cáo của tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 18-10, số xe nông sản bị ùn tắc tại đây là 500 xe. Trong đó đa số là thanh long và một số mặt hàng nông sản khác từ các tỉnh như Bình Thuận, Long An, Tây Ninh, Ninh Thuận, Gia Lai, Tiền Giang…
Ngay sau khi nắm được thông tin sự việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã có chuyến công tác lên Lạng Sơn để kịp thời tìm phương án tháo gỡ. Lý giải về nguyên nhân khiến xe nông sản bị ùn tắc, Thứ trưởng Tiến cho biết đó là do nước ta đang vào vụ thu hoạch cuối năm khiến lượng hàng hóa tăng lên. Đồng thời, lực lượng hải quan Trung Quốc (TQ) cũng thay đổi thủ tục kiểm tra xuất nhập khẩu, tăng cường thời gian kiểm soát xe, kể cả xe không hàng và có hàng của Việt Nam (VN) qua cửa khẩu Tân Thanh vào TQ. Ví dụ, TQ gắn camera, máy soi... để kiểm tra xe hàng.
Quá trình này khiến thời gian làm thủ tục thông quan tăng đáng kể. Trước đây việc thông quan không quá 2 phút/xe thì nay mất khoảng 6-7 phút/xe và trung bình một ngày tối đa chỉ thông quan được khoảng 100 xe, so với trước đây là 300 xe mỗi ngày.
“Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan phối hợp với phía TQ như hải quan, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, biên phòng... tăng thời gian thông quan đến 21 giờ, tức đến 22 giờ đêm ở TQ. Làm được như thế, lượng xe nông sản thông quan sẽ tăng lên, đảm bảo được chi phí vận chuyển logistics, chất lượng” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Thông tin thêm, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết ngoài những nguyên nhân trên thì do hiện TQ đang giám sát rất chặt việc buôn lậu.
“Họ từng nói với ta về tình trạng khi khai báo và bao bì thì ghi loại hoa quả này nhưng trong ruột lại là một loại hoa quả khác. Do đó vừa qua họ yêu cầu các xe vận tải của VN phải mở hết mui bạt ra để kiểm tra nên mất thêm thời gian” - ông Hòa nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (bìa phải) kiểm tra thực tế tình hình ùn tắc nông sản ở cửa khẩu Lạng Sơn (ảnh lớn). Hàng trăm xe nông sản bị tắc ở cửa khẩu (ảnh nhỏ). Ảnh: KHƯƠNG LỰC
Mở thị trường mới
Tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu mỗi khi đến mùa thu hoạch là chuyện không mới. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau, quả VN, lý giải: “Đa số người dân, doanh nghiệp Việt đều đưa hàng qua Quảng Tây, Vân Nam (TQ) và đây là những vùng trồng thanh long rất nhiều. Đáng nói là mình lại đưa hàng sang đúng vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm - thời điểm TQ cũng đang thu hoạch thanh long nên cảnh đụng chợ, ùn tắc, bị ép giá là điều khó tránh khỏi, lặp lại năm này qua năm khác”.
Trung Quốc thích ăn thanh long Việt Nam VN là nước nhiệt đới và nằm cạnh TQ, thị trường tiêu thụ lớn với 1,4 tỉ dân thì đó là một thuận lợi. TQ rất cần trái cây nhiệt đới. Ví dụ, người TQ rất thích ăn thanh long của VN, nhất là thanh long ruột trắng. Theo đánh giá của các doanh nghiệp TQ, thanh long của VN ngọt hơn, ăn ngon hơn thanh long TQ. Ông ĐẶNG PHÚC NGUYÊN, Tổng thư ký Hiệp hội Rau, quả VN |
Vậy giải pháp đưa ra là gì? Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng người dân trồng thanh long nên tiến hành rải vụ, từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau. Lý do là thời điểm đó TQ không có thanh long, một số nơi trồng nhưng cũng không có trái.
Cạnh đó, doanh nghiệp Việt nên mở rộng thị trường ở phía bắc TQ, vì nếu cứ tập trung ở các tỉnh biên giới như Quảng Tây, là nơi trồng thanh long rất nhiều, thì khó tránh khỏi khó khăn trong quá trình tiêu thụ.
“Các doanh nghiệp nên tham gia các cuộc xúc tiến thương mại, hội chợ ở phía bắc TQ để tìm kiếm khách hàng mới, thị trường mới, tránh cảnh ùn tắc tại cửa khẩu. Tôi biết có những doanh nghiệp ở TP.HCM đã chuyển hàng từ đường bộ qua biên giới sang chuyển hàng bằng đường thủy vào phía bắc TQ. Sản phẩm của họ đi lên Thượng Hải, phía bắc TQ rất thuận lợi, không gặp khó khăn gì hết” - ông Nguyên chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh: Để tránh cảnh tượng ùn tắc, nước ta cần có quy hoạch bài bản, tính toán được nhu cầu của thị trường, tính được sản lượng thu hoạch cụ thể. Thứ hai, phải áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để sản xuất. Riêng đối với mặt hàng thanh long, bộ đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại diện tích trồng thanh long cũng như nhiều loại rau quả khác, làm sao giảm diện tích nhưng sản lượng tăng lên.
“Đợt kiểm tra, giám sát vừa rồi cho thấy TQ tiệm cận quy định của các nước tiên tiến. Tất nhiên, việc thông báo của họ cho ta và ta thông báo cho doanh nghiệp xuất khẩu cần phải xem xét, hai bên trao đổi rút kinh nghiệm để ta chủ động. Ví dụ, một ngày có trên 200 xe mà chỉ thông quan có hơn 160 xe thôi thì không tránh khỏi ứ đọng” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Phó Thủ tướng đề nghị tháo gỡ vướng mắc Chiều 23-10, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam (TQ) Vương Dư Ba. Tại buổi tiếp, ông Vương Dư Ba bày tỏ Vân Nam hoan nghênh tiếp nhận nông sản của VN xuất khẩu sang địa phương này trong thời gian tới. Tỉnh Vân Nam cũng muốn phát triển hơn khu vực mậu dịch tự do Hà Khẩu và góp phần đưa Lào Cai trở thành khu vực hợp tác xuyên biên giới giữa VN và TQ. Nhất trí với đề xuất của phó bí thư Vân Nam trong tăng cường kim ngạch xuất khẩu với VN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ khó khăn hiện nay trong xuất khẩu hàng hóa, nông sản từ VN tại các cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang), Tân Thanh (Lạng Sơn) và đề nghị ông Vương Dư Ba cùng lãnh đạo tỉnh Vân Nam quan tâm tháo gỡ. Trong khi đó, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền TQ tại VN Hùng Ba cho biết vấn đề ách tắc nông sản của VN tại các cửa khẩu phía bắc là bất ngờ đối với phía TQ vì lượng nông sản xuất khẩu tăng mạnh. Hiện nay Bí thư Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Lộc Tâm Xã đã trực tiếp đi thị sát các cửa khẩu với VN để xử lý các vướng mắc này. |