Gỡ nút thắt cho tiểu thương chợ An Đông

Ngày 20-9, UBND quận 5 tổ chức buổi họp báo liên quan đến việc các tiểu thương chợ An Đông phản ứng trong ngày 19-9. Ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5, cho biết quận đang khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung theo công văn của UBND TP.HCM, đảm bảo tiến độ hoạt động của chợ.

Chậm chứ không phải không thực hiện

Vấn đề gây bức xúc nhất cho bà con là nguyên nhân vì sao chính quyền, ban quản lý (BQL) hứa hẹn nhiều nhưng việc sửa chữa vẫn treo quá lâu.

Lý giải điều này, bà Trương Minh Kiều, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cho biết việc chậm tiến độ là do có sự thay đổi một phần phương án thiết kế. Mọi vấn đề liên quan, BQL chợ và BQL dự án đầu tư xây dựng công trình quận đều công khai đến tiểu thương. Tiểu thương được tham gia vào ban giám sát hai tuần một lần để cùng làm việc với các bên.

Theo ông Huy, việc chậm trễ là có thật nhưng không phải không triển khai. Hai hạng mục đang chậm là lắp đồng hồ điện và cải tạo ô giếng trời. Nguyên nhân do chủ quan, khảo sát không đầy đủ dẫn đến khi lên thiết kế bị thiếu về số lượng, buộc phải điều chỉnh.

“Các hạng mục còn lại sẽ cố gắng làm đúng tiến độ đã đề ra. Chúng tôi đang tập trung cho làm giếng trời, hệ thống PCCC, lắp thang máy, sửa bốn mặt tiền trung tâm… Cố gắng tháng 12 sẽ hoàn thành được hạng mục ô giếng trời” - ông Huy nói.

Cảnh mua bán tại chợ An Đông (quận 5, TP.HCM). Ảnh: HTD

Giải ngân khó vì vướng thủ tục

Về số tiền 217 tỉ đồng, bà Kiều cho biết đó là tiền thu từ thuê quầy sạp theo hợp đồng giai đoạn năm 2012-2016. Sau đó không thu nữa do Luật Phí, lệ phí quy định thu theo sử dụng diện tích bán hàng nên phải chờ quyết định chính thức mới tiếp tục thu.

Bà Kiều khẳng định: “Khi ủy ban kết luận toàn bộ số tiền trên dùng để sửa chữa chợ, quận đã bắt tay triển khai ngay. Chúng tôi xin lỗi vì chậm trễ và vẫn đang cố gắng khắc phục để đảm bảo tiến độ như cam kết”.

Một lý do lớn để việc sửa chữa chợ không thực hiện được đúng kế hoạch theo ông Huy là do vướng mắc ở phần thủ tục. Việc sử dụng kinh phí từ ngân sách bắt buộc phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định, đảm bảo đồng tiền sử dụng đúng mục đích.

Ông Nguyễn Chí Trung, đại diện BQL chợ, lý giải thêm tiến độ dự kiến là vậy nhưng có những cái luật quy định rõ thời gian như đấu thầu, thẩm định hồ sơ… thì không thể rút ngắn. “Chính vì qua nhiều khâu khảo sát, lên thiết kế dự toán, thẩm định, thuê tư vấn, đấu thầu, ký hợp đồng phải làm chặt chẽ nên tiến độ chậm so với dự kiến” - ông Trung nói.

Cuối buổi làm việc, chủ tịch UBND quận 5 nhìn nhận: “Để bà con bức xúc, phản ứng là do công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương đến các thương nhân trong chợ chúng tôi làm chưa được tốt”.

Về yêu cầu công nhận quyền sở hữu quầy sạp của tiểu thương, bà Trương Minh Kiều giải thích hợp đồng tại thời điểm năm 1990 là hợp đồng cho sang nhượng quầy sạp chợ An Đông. Do đó, tiểu thương cho rằng mình đã có “chủ quyền sử dụng quầy sạp”.

Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 02/2003 về phát triển và quản lý chợ quy định BQL chợ thực hiện ký hợp đồng với thương nhân về thuê, sử dụng điểm kinh doanh; kinh doanh các dịch vụ tại chợ. Do đó, hợp đồng ký kết giữa BQL với tiểu thương đã thay đổi theo Nghị định 02. Hiện tại, theo các tài liệu lưu trữ ở ủy ban quận, không có phần nào chứng minh việc tiểu thương đã mua quyền sử dụng sạp như bà con phản ánh.

Vì đây là vấn đề các thương nhân còn vướng mắc nên ông Huy cho biết sẽ báo cáo lên UBND TP và phản hồi sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới