GS Nguyễn Đăng Hưng: ‘Đề án 9.000 TS chỉ để chữa cháy’

Thật thế, theo thống kê của Bộ GD&ĐT trong 5 năm triển khai (2012 – 2016), đề án 911 chỉ đem lại có 800 nghiên cứu sinh (NCS) tốt nghiệp về nước công tác, đạt một chỉ tiêu không bao nhiêu (4%).

Còn ứng viên thì sắp tới chỉ có chung quanh 900 NCS trúng tuyển nhưng theo tin từ Bộ chỉ khoảng 400 người đang làm thủ tục đi học trong năm 2018. Điều đáng  chú ý là lần này đề án mới nói rõ là sẽ dùng đến 12.000 tỷ đồng cho ngân sách nhưng với mục tiêu khiêm tốn hơn: Sẽ đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài, (500 tiến sĩ theo hình thức liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và trường ĐH nước ngoài), 2.000 tiến sĩ tại các trường ĐH đã được kiểm định ở Việt Nam.

Tổng cộng 9.000 tiến sỹ cho giai đoạn 2018 - 2025 tầm nhìn 2030.

Để có 9.000 TS chất lượng quốc tế, theo tôi, các trường đại học hay trung tâm nghiên cứu Việt Nam: Phải tuyển cho được ít nhất 12.000 thạc sỹ có trình độ tốt (tinh thần đam mê nghiên cứu, luận văn thạc sỹ có chất lượng cao, thông thạo ngoại ngữ). Phải liên lạc được 9.000 giáo sư chuyên gia tại các trường đại học các nước phát triển (Mỹ, Canada, Úc, Âu Châu, Nhật, Singapore, Hàn Quốc…) và thành công thuyết phục họ chấp nhận hướng dẫn 9.000 NCS Việt Nam. Những điều kiện này không hề đơn giản!

Đề án mới có phần khiêm tốn hơn, (9000 TS trong 12 năm thay vì 20.000 TS), nhưng nếu những điều kiện then chót trên không được bố trí, chuẩn bị thì tôi nghĩ, một lần nữa thất bại sẽ xảy ra và 12.000 đồng lấy từ tiên thuế của dân trong giai đoạn ngân sách quốc gia đang cạn kiệt sẽ không thể đem lại kết quả mong đợi!

Hơn nữa, phải đào tạo TS theo yêu cầu thực tiễn của các trường, theo ưu tiên ngành nghề có định hướng hẳn hoi, số lượng đi theo với chất lượng. Loại bỏ thói khoe thành tích (tính số tiến sỹ cơ hữu), lấy bằng tiến sỹ bằng mọi giá ngay cả liên kết với các trường ma ở Mỹ, đưa NCS qua các nước có trình độ chưa được tiên tiến.

Tôi đã từng phát biểu trên “Văn Hóa Nghệ An” (tháng 2/2012): “Để có tiến sỹ chất lương cao, nhiều khi không cần tiền. Thầy giỏi luôn luôn cần trò giỏi. Nếu ta không có tiền nhưng gửi đúng học trò giỏi, thạc sĩ có chất lượng, thầy sẽ sử dụng kinh phí của dự án mình có, của khoa mình có để chi cho nghiên cứu sinh. Tôi đã áp dụng mô hình này cho hai văn phòng đào tạo thạc sỹ Bỉ – Việt do chúng tôi đề xướng tại Sài Gòn (1995-2007) và Hà Nội (1998-2007) và trên 100 tiến sĩ đã tốt nghiệp như thế”.

Vấn đề ở đây là phải có những đầu tàu (các GS có công trình khoa học quốc tế) có ảnh hưởng, có tương quan với giới khoa học mũi nhọn trên thế giới. Các nhà khoa học Việt Kiều tại các nước phát triển thường đạt được tiêu chí này. Vấn đề ở đây là phải có chủ trương, chánh sách để huy động và thu hút cho được sự cộng tác của họ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới