Sáng 6-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp giao ban của UBND TP kết hợp công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tại cuộc họp ông Chung nhấn mạnh tình hình diễn biến dịch trên địa bàn ngày càng phức tạp. Hà Nội đã xuất hiện ca bệnh chưa xác định được nguồn lây nhiễm, thậm chí có ca ủ bệnh tới 23 ngày.
Ông Chung cho biết hiện nay việc ứng phó với COVID-19 trên thế giới chia làm hai nhóm, đó là nhóm chần chừ, không quyết liệt ngay từ đầu và nhóm quyết liệt ngay từ đầu. Với nhóm nước không quyết liệt thì hệ thống y tế rất dễ bị sụp đổ, khó có thể ngăn chặn được dịch bệnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo tại cuộc họp.
“Việt Nam chúng ta thuộc nhóm quyết liệt ngay từ đầu nên kiềm chế được lây nhiễm, kiềm chế được hậu quả của dịch bệnh, từ đó giảm gánh nặng cho ngành y tế và có thời gian để học hỏi, rút kinh nghiệm từ các nước. Chúng ta cũng có thời gian để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh” - ông Chung nói.
Tuy nhiên, ông Chung cũng lo ngại nếu không chuẩn bị tốt sẽ dẫn tới thiếu trang thiết bị y tế để chống dịch. Do đó, cần phải khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất trang thiết bị y tế như máy thở, khẩu trang…
Ông Chung cũng cho biết thêm Hà Nội hiện là địa bàn có ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất nước. Đặc biệt, có những ca nhiễm ngoài cộng đồng nhưng không xác định được F0. Ông yêu cầu các đơn vị phải phạt nghiêm các trường hợp ra đường nhưng không đeo khẩu trang, đồng thời đề nghị người dân thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội. Theo ông Chung đây là những phương pháp hiệu quả trong phòng, chống COVID-19 hiện nay.
Cũng theo ông Chung, sáng 6-4, CDC Hà Nội đã có kết quả xét nghiệm hành khách trên một chuyến bay từ Nga về Việt Nam. Người này 35 tuổi (quê Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) nhập cảnh từ ngày 25-3. Lần đầu xét nghiệm âm tính nhưng lần 2 dương tính với SARS-CoV-2, hiện đang được cách ly ở khu cách ly Trường ĐH FPT.
Ông Chung cũng thông tin một trường hợp ủ bệnh tới 23 ngày mới phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Đó là bệnh nhân (47 tuổi, ở Mê Linh, Vĩnh Phúc) đi khám tại Khoa miễn dịch dị ứng BV Bạch Mai từ ngày 12-3 nhưng không phát hiện. Đến ngày 4-4, CDC Hà Nội lấy mẫu và tối 5-4 có kết quả dương tính.
“Như vậy ca bệnh này tới 24 ngày mới phát hiện dương tính. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận rõ, không được chủ quan với các trường hợp như vậy” - ông Chung nhấn mạnh.
3 kịch bản tăng trưởng cho Hà Nội do ảnh hưởng của COVID-19 Tại cuộc họp, Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I-2020 tăng 3,72% (cùng kỳ tăng 6,95%). Khách du lịch giảm mạnh; tổng lượng khách du lịch giảm 47,2%... Kết quả nhiều chỉ tiêu giảm do dịch COVID-19 có ảnh hưởng tiêu cực tới mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự; tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu và cân đối lớn của TP. Theo đó Hà Nội đã đặt ra ba kịch bản tăng trưởng gồm: Kịch bản 1: Dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Kịch bản 2: Dịch bệnh được kiểm soát vào quý III nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra. Kịch bản 3: Dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng từ 4%-5%). |