Hà Nội xin cơ chế riêng chặn vấn nạn ùn tắc

Chiều qua (20-12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến liên quan đến vấn đề cơ chế tài chính-ngân sách đặc thù cho Hà Nội.

Đã nhìn thấy “thảm họa”

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết Hà Nội đang đối diện với các nguy cơ dẫn đến “thảm họa” ùn tắc giao thông. Để giải quyết vấn nạn này, Hà Nội cần một cơ chế đặc thù. “Hôm trước tôi có báo cáo Bộ Chính trị là Hà Nội đang nhìn thấy “thảm họa” tiến dần phía mình mà không biết làm cách nào. Hà Nội đã quy hoạch tám tuyến tàu điện ngầm với 300 km nhưng đến nay chưa làm được kilomet nào” - Bí thư Hà Nội nói.

Theo ông Hải, Hà Nội có 100 tuyến xe buýt, trong đó 73 tuyến phải trợ giá, tới đây mở 53 tuyến mới “phải trợ giá thêm vì nếu không trợ giá thì người dân không đi”. Ông Hải bày tỏ lo lắng khi cho rằng APEC 2017 (tổ chức ở Đà Nẵng) nếu tổ chức ở Hà Nội thì rất lo ngại về vấn đề giao thông. “Bức xúc giao thông, môi trường nếu không được giải quyết rất dễ thành vấn đề chính trị” - Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hải, từ lúc ra đời, Luật Thủ đô có một số nội dung chưa áp dụng, như những dự án quan trọng, mang tính chiến lược vượt tầm Hà Nội thì phải trình Thường vụ QH và QH thông qua. “Nếu QH không duyệt thì Hà Nội không cách gì thoát được cái “thảm họa” mà tôi vừa nêu. Ví dụ tám tuyến tàu điện ngầm, mỗi tuyến 2 tỉ USD mới làm được” - ông Hải nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đang đề xuất các cơ chế đặc thù cho Hà Nội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20-12. Ảnh: QH

“Một nhiệm kỳ chỉ xây được một cây cầu”?

Nhằm tìm ra cơ chế tài chính để xử lý vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị cho Hà Nội sử dụng nguồn vốn cổ phần hóa doanh nghiệp, tiền sử dụng đất và chính sách đặc thù để triển khai các dự án trọng điểm về giao thông, môi trường…

Theo ông Chung, Hà Nội cần một cơ chế đặc thù trong quy trình cấp phép đầu tư dự án. Bởi theo quy trình thông thường, một dự án (nhóm A) trình Thủ tướng, nếu suôn sẻ thì mất 755 ngày. Còn nếu mắc một khâu thì phải hai năm rưỡi mới xong. “Thủ tướng từng ủy quyền cho Hà Nội xây cầu Vĩnh Tuy. Nếu cho cơ chế đặc thù này, Hà Nội sẽ xong năm cầu qua sông Hồng, kết nối các đường vành đai 1, 2, 3, 4. Khi đó hy vọng năm 2020 mới có thể giải quyết cơ bản nạn ùn tắc giao thông. Còn nếu trình dự án trên theo trình tự thông thường ngay từ bây giờ thì phải đầu năm 2019 Chính phủ mới duyệt xong. Vậy thì một nhiệm kỳ mới xây được một cây cầu” - Chủ tịch Hà Nội nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: “Cần thiết ban hành cơ chế đặc thù cho Hà Nội với điều kiện đúng luật, đúng thẩm quyền, có sự đột phá để tạo ra sự đột phá mạnh mẽ cho thủ đô phát triển. Còn nếu ra một nghị định mà làm cho nguồn lực hẹp hơn thì không cần thiết ban hành”. Bên cạnh đó, Chủ tịch QH cũng đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu thêm như phân cấp thế nào, phân quyền thế nào trong khuôn khổ pháp luật để tạo sự năng động, nhạy bén, chủ động cho thủ đô Hà Nội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới