Ngày 5-4, Phòng Cảnh sát kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP.HCM) cho biết đang tạm giữ bảy nghi can trong đường dây lừa đảo qua mạng. Trong đó nghi can Ihugba Augustine Chinonso và Onu Chinoso Peter (quốc tịch Nigeria) được xác định là người cầm đầu, câu kết với năm người Việt Nam lừa nhiều người, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng.
Kịch bản cũ
Chị H., ngụ quận Bình Tân (TP.HCM), cho biết: Tháng 1-2016, chị quen với một người đàn ông qua Facebook. Người này cho biết là ở nước Anh và hai bên nói chuyện yêu đương. Sau khoảng một tháng “yêu ảo”, ông ta cho biết muốn tặng laptop, nước hoa… và 100.000 USD cho chị. “Ngày 4-2, một phụ nữ gọi điện thoại giới thiệu đang làm việc cho một công ty chuyển phát, thông báo là tôi có quà từ nước ngoài gửi về, yêu cầu nộp 1.200 USD (27 triệu đồng) vào tài khoản mang tên Huỳnh Kim Thoại để nhận hàng. Thấy quá phù hợp nên tôi nộp”.
Theo chị Hồng, hôm sau Thoại lại gọi điện thoại thông báo thùng hàng có tiền bị hải quan tạm giữ, yêu cầu chị nộp tiếp 80 triệu đồng phí hải quan. Sau đó họ yêu cầu nộp cả trăm triệu đồng tiền phí vận chuyển, chi phí lấy hàng... “Có người còn xưng là cảnh sát kinh tế yêu cầu tôi phải nộp phạt 200 triệu đồng nên tôi nghi ngờ, báo Công an TP.HCM” - chị Hồng nhớ lại.
Sáng 5-4, anh M. (ngụ Hà Nội) đáp máy bay vào TP.HCM sau khi nhận thông tin đã chuyển tiền vào một tài khoản của nhóm lừa đảo.
Anh cho hay: Ngày 2-3, anh nhận tin nhắn kèm email ở Anh thông báo anh trúng thưởng 1 triệu USD của một công ty viễn thông ở Mỹ. “Tôi đã liên hệ với email nói trên thì nhận được email xác nhận và yêu cầu tôi làm việc với một ngân hàng tại New York để hoàn thiện hồ sơ liên quan” - anh cho hay.
Theo anh M., qua email, anh được “ngân hàng” yêu cầu hoàn thiện ba bộ hồ sơ. Sau đó “ngân hàng” ở Mỹ gửi email yêu cầu nộp một khoản phí là 3.000 USD và anh đã nộp tiền. Tiếp đó, anh liên tục nhận thông tin nộp tiền để nhận giải thưởng. “Đâm lao phải theo lao, sau khi chạy khắp nơi vay mượn, tôi thấy nhiều điểm nghi vấn nên báo với công an. Ngày 4-4, Công an TP.HCM thông báo tài khoản tôi chuyển tiền nằm trong danh sách do người Nigeria làm chủ”. Anh cho hay đã bị lừa 3,5 tỉ đồng.
Băng nhóm lừa đảo tiền tỉ hiện đang bị tạm giữ tại cơ quan điều tra. Ảnh: CTV
Nhưng lắm người dính bẫy
Công an TP.HCM đã truy xét và xác định những người xưng là nhân viên giao nhận, nhân viên hải quan, cảnh sát kinh tế… đều là những người giả danh. Tùy từng phi vụ mà nhóm này hoán chuyển vị trí để đưa nạn nhân vào tròng.
Nghi can Lê Thị Mai Phương khai nhận cuối năm 2015, Phương thấy bạn là Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (ngụ quận 7) thường gọi điện thoại xưng là nhân viên hải quan, nhân viên công ty chuyển phát... yêu cầu người khác chuyển tiền vào tài khoản. Sau đó Tuyết rủ vợ chồng Phương cùng tham gia và cặp này đồng tình.
Khi tham gia vào băng nhóm này, ngoài việc được phân công gọi điện thoại đóng vai, vợ chồng Phương còn cung cấp thông tin tài khoản ATM, đi rút tiền giao lại cho Tuyết.
Còn vợ chồng Trần Viết Hùng (ngụ quận 12) có nhiệm vụ móc nối nhờ người khác đứng tên mở tài khoản để các nạn nhân chuyển tiền. Công an xác định: Từ tháng 12-2015 đến tháng 3-2016, Hùng đã cung cấp khoảng 50 thẻ ATM và tự rút, nhờ người rút trên 4 tỉ đồng từ các tài khoản này.
Lần theo dấu vết, công an đã bắt giữ vợ chồng Phương và bắt tiếp hai nghi can người Nigeria, thu giữ gần 100 thẻ ATM tại một căn hộ ở chung cư Thới An. Nghi can chỉ khai nhận lừa hai vụ nhưng công an cho là băng nhóm này lừa rất nhiều người. PC46 Công an TP.HCM thông báo ai là nạn nhân của nhóm người lừa đảo này liên hệ điện thoại số (08) 3864 0508 của cơ quan công an để cung cấp thông tin.
Vụ việc đang được mở rộng điều tra.