Tổng cục Hải quan cho biết, ngày 7-9 đã có công văn đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến về việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu 1 tháng đối với 5 thương nhân đầu mối xăng dầu. Tuy nhiên, đến nay Tổng cục Hải quan cho hay chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ Công Thương.
Theo Tổng cục Hải quan, ngày 6-9, Thanh tra Bộ Công Thương có Thông báo số 771 thông báo tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung rút giấy phép của 5 doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, văn bản của cơ quan Hải quan cho thấy nhiều câu hỏi đằng sau việc dừng quyết định của Bộ Công Thương.
Cụ thể, theo Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chấp hành quy định xử phạt trong thời gian 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định. Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định việc tạm dừng, hoãn thi hành hình thức phạt bổ sung ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Và Khoản 12 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “… trì hoãn… chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính…” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong xử phạt vi phạm hành chính.
Cùng đó, Điều 35 Luật Khiếu nại quy định: “trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy thi hành quyết định hành chính trong bị khiếu nại sẽ gây ra hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó…”.
|
Cơ quan hải quan cho biết, trong thời gian thương nhân bị tước giấy phép, nếu vẫn thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu sẽ bị xử phạt. Ảnh minh hoạ: PHI HÙNG |
Tổng cục Hải quan nêu ý kiến: “Đến nay, Bộ Công Thương chưa có văn bản sửa đổi, huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc tạm đình chỉ thi hành 5 quyết định xử phạt này. Do vậy các quyết định xử phạt này vẫn có giá trị thực hiện đầy đủ và toàn diện về hình thức phạt tiền và hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu”.
Cơ quan hải quan cho biết, trong thời gian thương nhân bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu thì sẽ không đủ điều kiện để nhập khẩu xăng dầu. Nếu vẫn thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá không đáp ứng điều kiện.
Tổng cục Hải quan thông tin thêm trong khoảng thời gian từ 31-8 đến 10-10 đã có hai công ty (trong số 5 công ty bị Thanh tra Bộ Công Thương xử phạt vi phạm rút phép có thời hạn) làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu. Đó là Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp và Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu.
Vì vậy, cơ quan hải quan cho rằng để có căn cứ cho các thương nhân làm thủ tục xuất nhập khẩu xăng dầu, đề nghị Bộ Công Thương xem xét và có ý kiến trả lời, cũng như cung cấp thông tin về thời điểm các thương nhân này nhận được quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Công Thương để Tổng cục Hải quan làm căn cứ thông quan hàng hóa, hoặc xử phạt vi phạm nếu có.
Trước đó, ngày 31-8, Chánh thanh tra Bộ Công Thương ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của 5 doanh nghiệp đầu mối.
Tuy nhiên sau đó, ngày 6-9, Thanh tra Bộ Công Thương tiếp tục có thông báo về việc tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với 5 doanh nghiệp này để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung, ảnh hưởng tới lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp. Văn bản này cũng được gửi tới Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan.
Việc tạm dừng rút giấy phép với 5 doanh nghiệp đầu mối được thực hiện cho tới khi các đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xem xét, trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục xử lý.