Hãng tin Channel News Asia (Singapore) cho biết, phát biểu tại Hội thảo và triển lãm an ninh hàng hải quốc tế (IMDEX) 2017 ngày 16-5, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói rằng thêm hai tàu ngầm Type-218SG do tập đoàn ThyssenKrupp Marine Systems (Đức) sản xuất sẽ được bàn giao cho hải quân nước này vào năm 2024.
Trong khi đó, hai tàu Type-218SG khác được đặt mua hồi năm 2013 sẽ được giao cho Singapore trong năm 2021 và 2022. Các tàu ngầm mới này theo kế hoạch sẽ thay thế các tàu ngầm cũ trong hạm đội tàu chiến của Hải quân Singapore.
Theo thông cáo được Bộ Quốc phòng Singapore công bố, các tàu ngầm mới có các cải tiến về mặt thiết kế giúp tối ưu hóa chi phí huấn luyện, chiến đấu và bảo dưỡng. Các tàu ngầm này cũng sẽ được trang bị “năng lực cải tiến đáng kể” như hệ thống tác chiến hiện đại và các hệ thống động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập (AIP).
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (trái) xem mô hình của tàu ngầm Type-218SG tại gian trưng bày của tập đoàn ThyssenKrupp Marine Systems (Đức). Ảnh: MINDEF/FACEBOOK
Các tàu ngầm Type-218SG do tập đoàn ThyssenKrupp Marine Systems (Đức) sản xuất. Được biết gói mua 2 tàu này hồi năm 2013 trị giá khoảng 1 tỉ euro (1,1 tỉ USD).
Gọi động thái trên là “một bước đi quan trọng khác trong nỗ lực hiện đại hóa Hải quân Singapore”, ông Ng nói rằng Hải quân Singapore cần theo kịp sự phát triển của hải quân các nước châu Á. Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu bảo vệ thương mại và các lợi ích khác trên biển.
“Các quốc gia ASEAN, Úc, Trung Quốc và Ấn Độ đều tăng cường sức mạnh hải quân của họ, với ngân sách hải quân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự tính tăng 60% tính tới năm 2020” – ông Ng nói.
Vị bộ trưởng quốc phòng Singapore cũng nhấn mạnh vào một báo cáo của các nhà phân tích tại trung tâm AMI International cho rằng ước tính có hơn 800 tàu chiến và tàu ngầm sẽ hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2030.
“Để hiệu quả, Hải quân Singapore cần theo kịp sự phát triển của hải quân các nước châu Á. Ở điều kiện hiện tại, bốn tàu ngầm Type-218SG sẽ bổ trợ lẫn nhau trong quá trình bảo dưỡng, hậu cần, tác chiến và có năng lực tốt hơn để bảo vệ các tuyến đường thông thương trên biển của chúng ta” – Channel News Asia dẫn lời ông Ng.