Đó là quan điểm chung của nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm với chủ đề “Dự thảo cho vay tiêu dùng: Cơ hội hay thách thức?” do Thời Báo Ngân Hàng phối hợp với Công ty Home Credit tổ chức sáng nay (23-11).
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Trong năm năm trở lại đây (2012-2016), tốc độ cho vay tiêu dùng tăng trưởng rất nhanh, bình quân khoảng 20% năm và xu hướng sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong những năm tới. Do đó yêu cầu về mặt pháp lý cần phải có cơ chế và chính sách mang tính pháp lý cao để hoạt động cho vay tiêu dùng có kết quả tốt”.
Đánh giá về thời điểm ra đời của dự thảo 2 trong bối cảnh hiện nay, TS Bùi Quang Tín, khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng, cho rằng: Nội dung của dự thảo lần này được NHNN cập nhật khá nhiều và chặt chẽ hơn so với dự thảo lần đầu 2014. Do vậy, khi dự thảo này đi vào thực tế chắc chắn sẽ đem lại sự ổn định hơn đối với thị trường cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC).
Đồng quan điểm, bà Vương Thủy Tiên, thành viên Hội đồng thành viên Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam, cho rằng: "Dự thảo của NHNN về hoạt động của CTTC có quy định rõ ràng về nghĩa vụ minh bạch của CTTC và những thông tin mà CTTC cần cung cấp cho người tiêu dùng khi cấp khoản vay/ký kết hợp đồng là một đổi mới quan trọng nhằm đạt được mục tiêu là lành mạnh hóa thị trường tín dụng tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đây cũng là một mục tiêu đã được chúng tôi đặt ra và thực hiện từ nhiều năm nay và đang ngày càng hoàn thiện".
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, dự thảo 2 cũng còn tồn tại một số quy định về vay tiêu dùng vẫn chưa được cụ thể, nhiều điểm chưa phù hợp, chưa gắn liền với đặc thù của ngành và tình hình thực tiễn của đời sống kinh tế xã hội.
Chẳng hạn, quy định hạn mức cho vay tiêu dùng tối đa chỉ 10 triệu đồng như tại dự thảo hiện nay là chưa phù hợp. “Số hợp đồng vay tiền mặt 10-30 triệu đồng của Home Credit chiếm 71% tổng số hợp đồng đang có hiệu lực trong 10 tháng đầu năm 2016. Số hợp đồng vay tiền mặt dưới 10 triệu đồng chỉ chiếm 10% tổng số hợp đồng” - bà Tiên cho biết.
Tương tự, bà Phạm Hải Vân, Giám đốc pháp chế Công ty FE Credit, cho biết: “Hạn mức cho vay tiêu dùng (bao gồm dư nợ cho vay và số tiền dự kiến cho vay) được giải ngân theo quy định đối với một khách hàng không vượt quá 10 triệu đồng là quá thấp và không phù hợp với mặt bằng giá cả chung”.
Hay như tại dự thảo 2 quy định lãi suất cho vay phải được tính theo tỉ lệ %/năm, bà Thủy Tiên, Công ty Home Credit, cho rằng: “Mặc dù chúng tôi hiểu mong muốn của NHNN khi ra quy định này là để người tiêu dùng có thể so sánh với lãi suất của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, sự so sánh này là khập khiễng vì thực chất khoản vay của CTTC và ngân hàng thương mại hoàn toàn khác nhau cả về giá trị khoản vay, điều kiện vay, đối tượng vay, thời hạn vay. Điển hình như CTTC cho vay trả góp những khoản vay nhỏ dưới 8 triệu đồng và phải cử nhân viên đến túc trực thường xuyên tại các cửa hàng bán lẻ, trong khi một khoản vay của ngân hàng không dưới 100 triệu đồng và nhân viên ngân hàng chỉ ngồi tại văn phòng giao dịch và làm việc trong giờ hành chính. Điều này sẽ dẫn đến chi phí hoạt động của hai loại hình có sự khác biệt”.
Tương tự, đại diện Công ty FE Credit cũng cho rằng: “Thực tế khách hàng không quan tâm là lãi suất một năm là bao nhiêu mà họ chỉ cần biết là một tháng họ phải trả bao nhiêu tiền. Hơn nữa, nhiều khoản vay có thời hạn ngắn, khoảng 3-6 tháng. Do vậy, nếu vay ngắn mà để lãi suất một năm thì sẽ không phù hợp”.
Ngoài ra, các CTTC nêu quan điểm về quy định yêu cầu CTTC phải tính lãi chậm trả trên dư nợ gốc quá hạn và tiền lãi quá hạn là điểm mới trong dự thảo. Tuy nhiên, quy định này không thể áp dụng trên sản phẩm lãi suất 0% vì lãi phạt trong dư nợ gốc quá hạn dựa trên lãi trong hạn, mà lãi trong hạn của sản phẩm này là 0%. Việc này làm mất đi ý nghĩa của các biện pháp chế tài cho những khách hàng vi phạm các cam kết tại hợp đồng vay. Đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc kiểm soát nợ xấu của các CTTC.