Trên đây là các nguyên nhân khiến lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với lãi suất cho vay truyền thống của ngân hàng thương mại (NHTM).
Chi phí đầu vào cao gấp 2-5 lần
Theo khảo sát, lãi suất cho vay tiêu dùng của một số công ty tài chính (CTTC) hiện đang áp dụng phổ biến ở mức 25%-30%/năm và lãi suất cao hay thấp phụ thuộc vào độ rủi ro hồ sơ của khách hàng. Con số trên cho thấy có sự chênh lệch và cao hơn so với mức lãi suất cho vay truyền thống của các NHTM, vốn đang ngấp nghé khoảng 10%-12%/năm. Với con số trên, xã hội luôn có cái nhìn thiếu thiện cảm với các CTTC, cho rằng họ cho vay với lãi suất cao “cắt cổ”, thậm chí bị ví như một hình thức “tín dụng đen”.
Chuyên viên của FE Credit đang tư vấn khoản vay cho người tiêu dùng
Trao đổi vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích: Tín dụng tiêu dùng hay hoạt động cho vay của các CTTC không phải là tín dụng đen, nó là “cứu cánh” cho những khách hàng của nạn “tín dụng đen”. “Chúng ta nên hiểu rằng, giải ngân nhanh bao giờ cũng đi kèm với rủi ro cao và đương nhiên lãi suất phải cao. Có như vậy thì mới đủ để bù đắp rủi ro do khoản vay đem lại. Cao ở đây là cao so với các khoản vay giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo, chứ nếu so với những rủi ro tiềm ẩn của loại hình vay tiêu dùng tín chấp, thì lãi suất này mới chỉ đủ bù đắp cho chi phí vận hành”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Khách hàng tiếp cận dịch vụ vay tiêu dùng của Home Credit
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng cao là bởi một số nguyên nhân sau: khoản vay tiêu dùng thường nhỏ, kỳ hạn khoản vay ngắn hạn; chủ yếu là vay trả góp và không có tài sản đảm bảo và vay thông qua các CTTC. Các công ty này lại không có chức năng huy động vốn như các NHTM nên chi phí đầu vào khá cao. Trong khi đó, khách hàng của các khoản vay tiêu dùng thường là người nghèo, thu nhập thấp, dưới chuẩn duyệt vay của các NHTM nên có độ rủi ro lớn... Những yếu tố trên cộng lại đã tác động mạnh đến quá trình hình thành chi phí của các khoản vay và đã đẩy lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với lãi suất cho vay thương mại.
Cần hành lang pháp lý
Vài năm gần đây thị trường tài chính Việt Nam đang trở nên sôi động hơn và còn nhiều tiềm năng. Khảo sát cho thấy, hiện nhiều ngân hàng lớn cũng đã và đang khai thác triệt để lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân nhằm bù đắp doanh thu bị thiếu hụt do khó khăn chung của nền kinh tế.
Mặc dù vậy, để nhận được các khoản vay tiêu dùng từ NHTM, người đi vay bắt buộc phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định của ngân hàng đặt ra. Và từ đây, hoàn toàn dễ hiểu khi ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm đến dịch vụ vay tiêu dùng của các CTTC hơn.
Có thể khẳng định, sự phát triển của các CTTC đã đáp ứng được nhu cầu thực tế của đa số người tiêu dùng khi họ không đủ điều kiện vay vốn của các NHTM. Hoạt động này đã nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, để hoạt động cho vay tiêu dùng được tách bạch, rõ ràng, NHNN cần sớm ban hành khung khổ pháp lý riêng cho thị trường này. Bởi hiện nay, với đặc thù hoạt động gần như khác biệt về chi phí vốn cao hơn, quy mô khoản vay nhỏ hơn, đối tượng khách hàng rủi ro hơn…, nhưng cho vay tiêu dùng của CTTC vẫn bị “nhốt” chung hành lang pháp lý với cho vay truyền thống của NHTM. Như vậy, đã và đang có những khó khăn cho CTTC, mà hệ lụy dẫn tới những hiểu lầm từ chính người tiêu dùng. Họ đòi hỏi CTTC phải có mức lãi suất cạnh tranh như NHTM là thiếu công bằng.