Vừa xuống sân bay ở thủ đô New Dehly (Ấn Độ), trong lúc ngồi chờ xe đón, Hằng - một hành khách Việt đi du lịch, chìa ra một ly uống nước bằng thủy tinh khá xinh xắn của một hãng hàng không nước ngoài (bay Hà Nội đi New Dehly). Chị khoe với mấy người cùng đoàn: “Tớ kiếm được 3 cái ly như thế này rồi, đi vài chuyến nữa là đủ một bộ đẹp”.
Một người khác trong nhóm tên Thành cũng lôi từ túi ra một chiếc tai nghe rồi bật mí: “Dù được phát một chiếc rồi, mình vẫn giả vờ chưa có và đề nghị cô tiếp viên đưa thêm một cái nữa. Thế là được một chiếc mang về nhà nghe". Trong đoàn còn thêm một người nữa cũng khoe “chiến tích” lấy đồ trên máy bay ở chuyến khác.
Anh Hùng - nhân viên ngành thuế cũng kể lại câu chuyện xảy ra không lâu trong một lần gặp bạn bè, một người quen thắc mắc sao áo phao lại không sử dụng được. Hỏi ra mới biết anh này đi máy bay thấy áo phao đã "cầm nhầm" về nhà và trong một lần đi bơi đưa ra sử dụng nhưng thấy không giống áo phao thông thường. Theo phản ánh của các hãng hàng không, nhiều vật dụng trên máy bay là hàng chất lượng cao, tiện dụng… nên không ít hành khách cảm thấy thích, đã mang về nhà dùng. Vì vậy, sau mỗi chuyến bay, nhân viên các hãng vận chuyển lại làm nhiệm vụ kiểm tra rà soát lại xem còn, mất cái gì để bổ sung cho đủ. "Nếu không kiểm tra, hành khách chuyến sau không có đồ để sử dụng. Lúc đó, rất có thể khách lại quy trách nhiệm cho nhà bay thiếu chu đáo", nhân viên một hàng hãng không cho hay. Hiện nay trên các chuyến bay, hãng vận chuyển thường bố trí rất nhiều vận dụng cần thiết nhằm đảm bảo sự thuận tiện cho hành khách như tai nghe, cốc chén uống nước, sách báo, băng che mặt, áo phao và chăn đắp cho khỏi lạnh. Các vận dụng này lại đan xen giữa những thứ được cầm về như (sách báo, băng để ngủ) và buộc phải trả lại như (chăn, tai nghe)... Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc có người vì vô tình mà cầm nhầm. Chị Nguyễn Tuyết Lan, một hành khách thuờng xuyên của Vietnam Airlines chia sẻ: "Mình hay ngủ trưa ở cơ quan, chẳng thấy cái chăn nào hợp cả nhưng đi máy bay thì thấy chăn đắp rất mỏng và lại ấm. Loại chăn này cũng rất hợp để ở văn phòng vì gấp lại, nhỏ gọn, cho vào ngăn bàn được nhưng không có bán ở ngoài. Ngại nhưng tôi cứ xin thẳng, cô tiếp viên sau một thoáng ngập ngừng cũng bảo: Vâng chị lấy đi". "Tôi nghĩ là mình cứ đàng hoàng xin người ta cũng cho. Nhưng tôi thấy có người cứ dấm dúi, lúc gần điểm đến là lúi húi, mắt trước mắt sau nhét chăn, nhét tai nghe... thật nhanh vào túi, rồi đi lẹ ra cửa vì sợ bị phát hiện, trông rất không đẹp”, chị Lan nói thêm.
Theo nhà chức trách hàng không chuyện hành khách lấy đồ trên máy bay là vấn đề đau đầu cho khá nhiều hãng vận chuyển. Có chuyến bay, khi kiểm kê lại, số lượng chăn, áo phao… bị mất gần một phần 3. Chẳng hạn vào dịp hè, nhiều chuyến bay đến các tỉnh miền Trung, có chuyến lượng áo phao mất tới 30-40 chiếc. Loại áo phao này chỉ được dùng trong tình huống khẩn cấp trên máy bay, khách lấy về cũng chỉ sử dụng được một lần. "Tất nhiên, mất chiếc nào hãng hàng không lại phải bù ngay để đảm bảo quy trình an toàn cho hành khách”, một lãnh đạo hàng không nói.
Ông cho biết với những chiếc áo phao trên máy bay, dù là hàng chất lượng nhưng khách mang về dùng nếu không biết cách và lưu ý đến các tiêu chuẩn bắt buộc sẽ không an toàn. Bởi cơ cấu áo phao được thiết kế đặc biệt, chỉ sử dụng một lần, và có hạt nổ để làm áo phao phồng lên trong trường hợp khẩn cấp. "Thậm chí, nếu không được kiểm tra trước khi sử dụng, người dùng có thể gặp nguy hiểm do áo phao quá hạn, không phồng lên", ông nói.
Để hạn chế áp lực cho tiếp viên, giảm bớt thiệt hại tài chính do những khách hàng "cầm nhầm” gây ra, có thời điểm, các hãng hàng không đã nghĩ đến việc gắn chíp, dán mã vạch trên áo phao và một số vật dụng có giá trị để hành khách đi qua cửa kiểm tra sẽ phát tín hiệu tít tít. Tuy nhiên, bàn đi, tính lại, các hãng vẫn chưa chốt lại phương án này vì lo rằng những vị khách nghiêm túc chấp hành quy định cảm thấy phật lòng.
Theo Như Quỳnh ( VNE)