Hàng loạt dự án Metro sẽ được xây dựng ở Hà Nội và TP.HCM

(PLO)- Hà Nội và TP.HCM đề xuất đầu tư hàng loạt dự án Metro quy mô lớn.

Đại diện Bộ GTVT, cho biết đơn vị vừa có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về dự thảo đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035.

Dự thảo đề án nêu trên do hai thành phố trình, Bộ GTVT thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ trong việc phối hợp, lấy ý kiến để góp ý hoàn thiện đề án.

Theo dự thảo đề án, UBND Hà Nội và TP.HCM xác định đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Chính quyền hai thành phố cũng khẳng định sẽ huy động tối đa các nguồn lực phù hợp để tập trung đầu tư, sớm hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ, bền vững. Trong đó, ngân sách Nhà nước sẽ giữ vai trò chủ đạo; xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội đang chuẩn bị khai thác thương mại đoạn đi trên cao. Ảnh: P.PHONG

"Một kế hoạch, ba phân kỳ"

Tại Hà Nội, đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 96,8 km đường sắt đô thị. Các tuyến có kế hoạch đáp ứng mục tiêu gồm: Tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và Nội Bài - Nam Thăng Long); tuyến số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, Ga Hà Nội - Yên Sở) và tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc).

Đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 301 km đường sắt và đến năm 2045 sẽ hoàn thành toàn bộ 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 550 km theo quy hoạch chung Thủ đô.

Để hoàn thành mục tiêu trên, chính quyền Hà Nội đề xuất "một kế hoạch, ba phân kỳ". Theo đó, giai đoạn đầu đến năm 2030, thành phố cần khoảng 14,6 tỉ USD để xây dựng 96,8 km đường sắt. Nếu hoàn thành, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 7-8% lượng hành khách công cộng và có thể vận chuyển 2,2-2,6 triệu chuyến đi mỗi ngày đêm.

Đến năm 2035, Hà Nội cần khoảng 22,5 tỉ USD để đầu tư 301 km đường sắt. Nếu đạt mục tiêu này, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 35-40% lượng khách và có thể vận chuyển được 9,7-11,8 triệu chuyến đi mỗi ngày đêm.

Đến 2035, TP.HCM hoàn thành 183 km metro

Tại TP.HCM, đề án đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 183 km metro gồm các tuyến số 1, 2, 3, 4, 5, 6. Mạng lưới giai đoạn này dự kiến đảm nhận từ 40 - 50% lượng khách công cộng, đáp ứng 7 - 8 triệu lượt hành khách mỗi ngày đêm.

Đến năm 2045, chính quyền thành phố đầu tư thêm tuyến số 7 và kéo dài các 6 tuyến đã đầu tư giai đoạn trước để nâng chiều dài metro lên trên 351 km.

Dự kiến tới năm 2060, xây dựng hoàn thành các tuyến số 8, 9, 10 nâng tổng chiều dài dự án metro lên khoảng 510,02 km.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư sơ bộ giai đoạn từ nay đến năm 2035 gần 800.000 tỉ đồng (không bao gồm chi phí đã đầu tư xây dựng cho tuyến metro số 1 và tuyến số 2).

Ngoài ra, TP.HCM và Hà Nội cũng đề xuất một số cơ chế đặc thù để thực hiện công tác đầu tư. Trong đó, có nhiều chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ và Quốc hội.

Theo quy hoạch hiện nay, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị, gồm 9 tuyến chính và một tuyến nối các đô thị vệ tinh, tổng chiều dài 397 km. Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh mới được thông qua, TP Hà Nội bổ sung 4 tuyến: Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2; Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá; Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4 và Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân dài khoảng 150 km.

Tuy nhiên đến nay thành phố mới hoàn thành được 13 km tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và sắp hoàn thành 12,5 km của tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

TP.HCM đã triển khai hai tuyến metro, gồm: số 1 Bến Thành - Suối Tiên (dài gần 20 km) và số 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương (dài hơn 11 km). Trong đó, tuyến số 1 sau 17 năm được duyệt, 12 năm thi công, đến nay mới chuẩn bị hoàn thành. Tuyến số 2 cũng nhiều lần lùi tiến độ, dự kiến đến năm 2030 mới hoàn thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới