Mới đây, Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, các sở ngành và quận huyện để lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND TP.HCM ban hành kế hoạch chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn. Kế hoạch này nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp vận tải, HTX và người dân TP.HCM.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết hiện Sở GTVT đang tiếp thu ý kiến từ các sở ngành, sau đó tiếp tục hoàn thiện và trình UBND TP.HCM Kế hoạch.
Hiện toàn TP.HCM đang sử dụng một tuyến buýt điện của Vinbus - D4 (Vinhome Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn). Tuyến xe này được đông đảo hành khách yêu thích, lượng khách sử dụng khá đông khoảng 3.000 hành khách/ngày.
Theo kế hoạch của TP.HCM, giai đoạn 2024-2029: Đối với các tuyến xe buýt có trợ giá hiện hữu là tuyến xe buýt điện sẽ tiếp tục sử dụng điện. Đối với các tuyến xe buýt đang sử dụng nhiên liệu CNG sẽ tiếp tiếp tục sử dụng nhiên liệu CNG, điện.
Các tuyến sử dụng nhiên liệu diesel tiếp tục sử dụng nhiên liệu diesel và thực hiện chuyển đổi sang sử dụng điện từ năm 2028.
Giai đoạn hai từ năm 2030: 100% phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ chuyển đổi sang xe buýt điện, năng lượng xanh.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đánh giá tuyến buýt điện D4 là tuyến buýt điện được người dân ủng hộ, đánh giá cao chất lượng vận chuyển.
Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, tuyến đã vận chuyển được gần 2,8 triệu lượt hành khách, trung bình khoảng 3.000 hành khách/ngày, khoảng 30 hành khách/chuyến.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, tuyến xe buýt điện D4 nằm trong nhóm các tuyến buýt có sản lượng hành khách cao trên toàn mạng buýt hiện nay. Tuyến buýt điện đầu tiên của TP.HCM được kỳ vọng là tuyến phương tiện góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế xe cá nhân, giảm ùn ứ.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Đại học Việt Đức) cho rằng việc chuyển đổi sang xe buýt điện ở TP.HCM là xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, hiện nay chi phí đầu tư buýt điện đang cao gấp 2-3 lần so với các dòng xe hiện nay. Vì vậy, việc chuyển đổi phương tiện sang buýt điện có thể gây áp lực tài chính cho các doanh nghiệp.
TS Vũ Anh Tuấn đề xuất TP.HCM cần nghiên cứu cụ thể hơn về cơ chế, chính sách trợ giá cho các doanh nghiệp, cơ sở hệ thống trạm sạc để các doanh nghiệp dễ dàng tham gia, chuyển đổi loại hình phương tiện này.