Cầu Thủ Thiêm 4 vướng tĩnh không vì cảng hành khách quốc tế

(PLO)- Dù TP.HCM lập ra tới 5 phương án làm cầu Thủ Thiêm 4 nhưng đến nay vẫn chưa phương án nào được chọn vì còn liên quan đến dự án cảng hành khách quốc tế trong tương lai.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở GTVT TP.HCM vừa có báo cáo về dự án cầu Thủ Thiêm 4, trong đó nêu khó khăn về khẩn trương hoàn tất nghiên cứu cập nhật vị trí cảng hành khách quốc tế vào quy hoạch chung TP đang được điều chỉnh. Từ đó có cơ sở để chốt phương án xây cầu.

Vị trí cảng hành khách quốc tế

“Sở QH-KT TP khẩn trương hoàn tất nghiên cứu cập nhật vị trí cảng hành khách quốc tế vào nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP (tới năm 2040, tầm nhìn 2060) theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tại thông báo số 761 ngày 12-8 để trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở xác định tĩnh không thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4, qua đó thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 4” - báo cáo mới nhất của Sở GTVT TP nêu.

Trước đó, tại thông báo số 761, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thống nhất nghiên cứu quy hoạch vị trí cảng Nhà Rồng-Khánh Hội, quận 4 là cảng hành khách quốc tế. TP giao Sở QH-KT nghiên cứu cập nhật vào nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Theo Sở GTVT, tại thời điểm hiện nay, các đồ án quy hoạch liên quan tới cầu Thủ Thiêm 4 được cấp thẩm quyền phê duyệt chưa thể hiện tĩnh không thông thuyền.

Sở QH-KT đã yêu cầu tư vấn cập nhật (vị trí cảng hành khách quốc tế) vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP và sẽ có văn bản báo cáo UBND TP về tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 sau khi đã cập nhật.

TS - Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch chung, Sở QH-KT TP.HCM

Theo TS - Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch chung, Sở QH-KT TP.HCM, về cơ bản khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội sẽ được tái thiết theo hướng trở thành khu chức năng hỗn hợp, có dịch vụ logistic, du lịch, có những công trình tiện ích cho người dân như công viên giải trí, văn hóa mang nét đặc sắc và cạnh tranh của khu trung tâm quốc tế.

“Còn về bến du thuyền quốc tế (dự kiến cũng sẽ có trong cảng hành khách quốc tế), khi có đủ các điều kiện thuận lợi và nhu cầu sử dụng ngày càng cao thì việc hình thành cũng không phải vấn đề khó khăn” - ông Tuấn nói.

cầu thủ thiêm 4.jpg
Một trong những phương án cầu Thủ Thiêm 4 (nâng hạ tĩnh không). Ảnh: PLO

Cảng quốc tế với tàu trọng tải đến 30.000 GT

Liên quan đến cảng hành khách quốc tế, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP tới năm 2040, tầm nhìn 2060 của UBND TP gửi HĐND TP mới đây cho thấy sẽ chuyển đổi công năng khu bến Nhà Rồng - Khánh Hội thành cảng hành khách quốc tế với tàu trọng tải đến 30.000 GT (1 GT bằng 1,5 tấn).

Quy mô dự kiến của cảng hành khách quốc tế khoảng 16ha, chiều dài cầu cảng khoảng 1.300m.

“Chúng ta phải bàn bạc thật kỹ vì đây là cảng quốc tế, tiếp nhận tàu khách quốc tế và liên quan đến tĩnh không của cầu Thủ Thiêm 4 trong tương lai. Cầu này cao hay thấp là do định hướng nơi đây có tiếp nhận tàu khách hay không nên cần thảo luận kỹ hơn” - ông Nguyễn Hải Linh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết trong buổi thảo luận – chia sẻ về "Dự án cải tạo cảng Khánh Hội: Các yếu tố tạo nên sự thành công” được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM

Nói về việc đầu tư cảng Khánh Hội, ông Nguyễn Trần Hữu Thắng-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Nhà Bè cho rằng TP cần đầu tư, nâng cấp vào hạ tầng và bến tàu du lịch.

“Đặc biệt, cần chú trọng đến các cảng du lịch để đón khách quốc tế bằng tàu biển. Qua đó phát triển các khu đô thị, trung tâm hàng hải và khu kinh tế đặc biệt để thu hút đầu tư vào ngành vận tải biển, dịch vụ hậu cần sau cảng” - ông Thắng góp ý.

5 phương án làm cầu Thủ Thiêm 4

Phương án 1: Tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn 80x10 m (tĩnh không 10 m). Quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ phương án khoảng 4.365 tỉ đồng.

Phương án 2: Tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn 80x15m (tĩnh không 15 m). Quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 4.840 tỉ đồng.

Phương án 3: Tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn 250x45m (tĩnh không 45 m, bằng tĩnh không cầu Phú Mỹ). Quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 8.031 tỉ đồng

Phương án 4: Tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn khi mở/nâng (nâng lên – hạ xuống) 80x45m, khi đóng 80x15m. Quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 5.709 tỉ đồng.

Phương án 5: Hầm vượt sông Sài Gòn. Quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 8.953 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm