Khoảng 10 giờ sáng, hàng trăm hộ dân đã kéo đến đòi đối thoại với Công ty Cổ phần Sản xuất Sô-đa.
Lãnh đạo công ty trên đã có mặt tại nhà văn hóa thôn Đại Phú để tiến hành buổi đối thoại. Tuy nhiên, thay vì đích thân giám đốc công ty tới giải quyết như đã hứa trước đó thì người được cử đến lại là cán bộ văn phòng khiến cho những hộ dân này càng thêm bức xúc.
Công ty sô-đa cử nhân viên đến đối thoại với dân. Ảnh: Quang Nam
Tại buổi đối thoại, rất nhiều người dân bức xúc phát biểu ý kiến cho rằng phía nhà máy đã xả chất thải theo các kênh làm cá, tôm, cua, bò chết; hoa màu không thể tiêu thụ ra thị trường vì cho rằng bị nhiễm độc.
Những hộ dân sống gần với nhà máy thì không thể nào mở cửa vì khí thải gây mùi hắc và xỉ than bám đầy tường nhà. Mùi hôi thối từ phía nhà máy cũng không ai chịu nỗi, ngay cả ở trong nhà cũng phải bịt khẩu trang.
“Đã có nhiều người ung thư tại địa phương rồi. Gà vịt nuôi chết hàng đàn do sưng chân, mù mắt, bò nuôi thì cũng đang bị nhiễm độc do uống nước mà bị bệnh dẫn đến chết. Ngay cả cá ở dưới sông cũng chết trắng chứ nói gì đến con người. Ở đây đã có hai ca nhiễm bệnh do ô nhiễm rồi. Tình trạng ô nhiễm này quá nặng làm sao mà dân sống được” - ông Võ Văn Lễ (SN 1959, ngụ thôn Đại Phú) phản ánh tại buổi đối thoại.
Tại buổi đối thoại, các hộ dân ở thôn Vĩnh Đại (xã Tam Hiệp) cho rằng phía lãnh đạo nhà máy dường như chưa thể giải quyết được những phản ánh của người dân mặc dù họ đã có nhiều đơn gửi đến cơ quan liên quan cầu cứu.
“Không phải dân ở thôn Đại Phú mà ngay cả các thôn xã khác cũng trong tình trạng tương tự. Yêu cầu nhà máy sô-đa phải giải quyết một cách ổn thỏa. Tương lai con cháu sau này nữa chứ đâu phải chỉ ngày một ngày hai. Muốn ăn bát cháo nhưng cũng phải đem đi đổ vì không nuốt nỗi với khí độc” - chị Lương Thị Lợ cho biết.
Trong suốt buổi đối thoại, đại diện của nhà máy sô-đa không trực tiếp giải thích cũng như trao đổi với người dân để giải quyết thắc mắc mà chỉ nói rằng đến để ghi nhận ý kiến về xin phép ý kiến giám đốc Công ty CP Sản xuất Sô-đa Chu Lai rồi sẽ trả lời bằng văn bản cho người dân. Đại diện công ty cũng cho biết công ty đã nhận được văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam về việc sẽ tiến hành làm việc với các ban ngành liên quan để xử lý vụ việc.
Ông Lê Minh Xạ (Trưởng thôn Đại Phú) cho biết những phản ứng của người dân tại buổi đối thoại là hoàn toàn đúng. Việc tôm cá, hoa màu chết là có thật. Việc đối thoại này có ý nghĩa quan trọng để người dân và phía doanh nghiệp có cơ hội giải quyết những thắc mắc liên quan đến vụ việc.