Lưu vực sông Đồng Nai gồm 11 tỉnh, TP gồm: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM , Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Lâm Đồng, Long An, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Theo Đại tá Nam, thời gian qua C49 tập trung phát hiện, xử lý các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, nơi xả thải, nguồn xả, lưu lượng nước xả thải, hành vi chôn lấp, đổ chất thải trái phép xuống hệ thống kênh rạch, các hành vi lấn, lấp hệ thống sông, hành vi khai thác cát trái phép, nạo vét luồng lạch gây sạt lở đất, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến đời sống người dân và an ninh trật tự của các địa phương.
Trăm dâu đổ đầu tằm
Theo Đại tá Linh, tình trạng vi phạm các quy định về xả nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt của các cá nhân, tổ chức và khu dân cư xuống lưu vực sông Đồng Nai là tác nhân chủ yếu gây suy thoái, ô nhiễm nguồn nước.
Trên lưu vực sông Đồng Nai hiện có hơn 10.147 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Trong đó TP.HCM chiếm hơn 60%, có nhiều cơ sở phân tán, nằm xen kẽ trong dân cư. Bình quân một ngày lưu vực sông tiếp nhận trên 480.000 m3 nước thải từ các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp phân tán trên lưu vực.
Nhiều doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lý chất thải hoặc đã có hệ thống xử lý chất thải nhưng không vận hành, vận hành không thường xuyên để đối phó với cơ quan chức năng khi kiểm tra. Hoặc dùng thủ đoạn xây dựng hệ thống xả thải bí mật ngoài thiết kế đã được phê duyệt, thẩm định để xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra sông, kênh, rạch. Trên toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai hằng ngày phải tiếp nhận trên 4.500 điểm xả thải từ nhiều nguồn nước thải: nước thải sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề, nước thải sinh hoạt, nông nghiệp, y tế…
Theo thống kê của các tỉnh, TP phía Nam có hơn 400 làng nghề (làng nghề truyền thống, làng nghệ mới) gồm nhiều lĩnh vực như sản xuất dệt nhuộm, thuộc da, tái chế giấy, phế liệu, chế biến củ mì, cao su…
Sự phát triển của các làng nghề đạt môi trường trong tình trạng báo động. Đa phần các làng nghề nằm xen kẽ với khu dân cư, ít vốn, quy mô sản xuất nhỏ nên chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải, chất thải. Nước thải từ hoạt động của các làng nghề chưa qua xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường như làng nghề dệt nhuộm tuyến kênh tham lương, làng nghề thuộc da, tái chế kim loại…
Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có những vi phạm phổ biến là sử dụng tùy tiện, tràn lan các loại thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật đã gây nguy cơ tồn dư thuốc thực vật, thuốc kháng sinh. Chủ các cơ sở ít quan tâm đến việc xử lý nước thải mà xả thẳng ra các sông, suối, ao, hồ…
Dùng các đối tượng tiền án tiền sự để bảo kê
Lợi dụng nạo vét để tận thu cát trên sông Đồng Nai gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: TIẾN DŨNG
Cũng theo Đại tá Linh, hoạt động lấp, lấn sông hồ làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông đang diễn ra phức tạp. Các địa phương xây dựng khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp đã và đang diễn ra dọc các tuyến sông trên lưu vực sông Đồng Nai. Điển hình như vụ việc lấn và lấp sông Đồng Nai tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa (Đồng Nai) của Công ty TNHH Toàn Thịnh Phát, việc lấp hồ Bình An và Rạch Bà Khâm tại phường Bình Thắng, thị xã Bình Dương (Bình Dương) của Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Bình Dương.
Hiện nay hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng diễn biến phức tạp khó kiểm soát. Đặc biệt là khai thác cát trái phép tại địa bàn các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM.
Đại tá Linh kiến nghị tăng cường kiểm tra, giám sát trực tiếp. Thải ra sông phải qua khu vực lộ thiên minh bạch, không đi ngầm dưới đất. Tính toán quy hoạch làng nghề, chấn chỉnh cấp phép nạo vét duy tu luồng lạch, cần có quy chế giám sát quy trình cấp phép. Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cần có thực quyền và biện pháp mới hiệu quả hơn trong bảo vệ sông Đồng Nai.
Không đề cập đến dự án lấn sông Tại buổi lễ ký kết, bàn giao chức vụ chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, các bên liên quan đều không nhắc đến dự án lấn sông Đồng Nai của Công ty Toàn Thịnh Phát. Bên lề buổi lễ, khi phóng viên đặt các câu hỏi liên quan với Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, bộ trưởng cho biết dự án vẫn đang được kiểm tra, thẩm định theo quy trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã có ý kiến chỉ đạo nên hiện chưa có gì để bàn tiếp. |