Hành nghề xem bói để trục lợi bị xử lý như thế nào?

Không phải là quá phổ biến nhưng hiện nay có nhiều người lợi dụng lòng tin tín ngưỡng của người khác để mở ra hoạt động xem bói nhằm mục đích trục lợi cá nhân.

Xin hỏi, những người xem bói như vậy sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?

Bạn đọc Văn Đang

Luật sư Trần Thái Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:

Liên quan đến nhóm hành vi về hoạt động xem bói thì hiện nay tùy mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi sẽ có các chế tài khác nhau.

Về xử lý hành chính, theo điểm a khoản 2, Điều 15 Nghị định 158/2013 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người nào có hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.

Ngoài bị phạt tiền thì người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới