Cán bộ, công chức đi xem bói có bị xử lý?

Theo như tôi được biết thì người tổ chức hoạt động xem bói sẽ bị xử phạt hành chính, nghiêm trọng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy còn người đi xem bói, trong đó có đối tượng cán bộ, công chức có bị xử phạt gì không? Nếu có sẽ bị xử phạt như thế nào?

Bạn đọc Gia Bảo (Quận 1, TP.HCM)

Trả lời:

Xem bói được xem là một trong những hình thức của mê tín dị đoan. Do đó, những đối tượng nào lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn… để trục lợi thì sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng (Điều 15 Nghị định 158/2013).

Nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, người xem bói còn có thể bị xử lý hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan theo Điều 320 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017. Mức phạt là 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng, mức phạt có thể lên đến 10 năm tù.

Việc cán bộ, công chức đi xem bói trong giờ hành chính bị nghiêm cấm. Nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật theo quy chế của từng cơ quan, đơn vị. Ảnh: PLO

Có thể thấy quy định hiện hành chưa có quy định nào về xử phạt người đi xem bói. Do đó, có thể hiểu người đi xem bói, trong đó có cán bộ, công chức sẽ không bị phạt hành chính hay xử lý hình sự.

Mặc dù chưa có chế tài xử phạt nhưng nếu đối tượng là cán bộ, công chức đi xem bói thì trong một số trường hợp đặc biệt sẽ bị xử lý kỷ luật.

Cụ thể, thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ thì cũng giống như trường hợp đi lễ hội, việc cán bộ, công chức đi xem bói trong giờ hành chính bị nghiêm cấm. Nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật theo quy chế của từng cơ quan, đơn vị.

Trường hợp các bộ, công chức là đảng viên, tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hậu quả gây ra, có thể bị xem xét kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc khai trừ khỏi Đảng nếu có hoạt động mê tín dị đoan. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm