Hành trình tìm âm thanh cho trẻ khiếm thính

(PLO)- Với tình yêu thương, nhẫn nại, gia đình chính là điểm tựa giúp trẻ khiếm thính có động lực học tập và sống vui.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với những cha mẹ có con bị câm điếc thì hành trình giúp con nghe được, nói được là một nỗ lực rất lớn.

Cha mẹ sẽ là “đôi tai” của con

Đã 17 năm trôi qua nhưng khi kể về hành trình cùng con đi tìm âm thanh, chị Đoàn Thị Thanh Lan (ngụ quận 12) vẫn không kìm được xúc động.

Bắt đầu hành trình tìm lại âm thanh cho con khi con 10 tháng tuổi, chị kể: “Tôi nhớ như in cái ngày cầm trên tay tờ giấy bác sĩ kết luận con bị điếc sâu hai tai, cần phải mang máy trợ thính, nếu không thì phải cấy ốc tai. Đó là cú sốc mà tôi phải mất đến nửa năm để chấp nhận”.

Kể từ đó, hai vợ chồng chị giảm việc, ngày ngày thay phiên đưa con đến trung tâm can thiệp sớm, học cùng con những âm thanh đầu tiên như tiếng chuông, tiếng trống, tiếng gõ…

“Khi con hai tuổi, tôi gửi con vào nhà trẻ để con có môi trường hòa nhập cùng các bạn. Vợ chồng tôi đứng ngoài cổng ngóng vào xem con tự xoay xở ra sao khi không có cha mẹ bên cạnh. Lúc đó, chồng tôi khóc rất nhiều” - chị Lan nhớ lại.

trẻ khiếm thính
Chị Đoàn Thị Thanh Lan dành nhiều thời gian đồng hành cùng con. Ảnh: NVCC

Mặc dù thương con nhưng chị Lan không chọn cách bảo bọc, sắp đặt để con được an toàn, thuận lợi mà luôn tìm cơ hội để con tự xoay xở, rèn luyện từ sức khỏe đến tri thức, kỹ năng.

“Những lúc con gặp khó khăn, nản lòng và không hợp tác, vợ chồng tôi phải kiên nhẫn lắng nghe, chỉ dạy từng chút một, lặp đi lặp lại nhiều lần để con tiếp thu. Có hôm hai mẹ con nói chuyện đến nửa đêm để giải tỏa một khúc mắc nào đó cho con” - chị Lan trải lòng.

Mỗi năm có thêm trung bình 5.000 trẻ khiếm thính, tuy nhiên số trẻ được phát hiện và can thiệp chỉ khoảng 10%, tức là 500 trẻ.

(Theo thống kê của Tổng cục Dân số)

17 năm trôi qua, đứa con bé bỏng của chị Lan ngày nào đã trở thành chàng thanh niên chăm ngoan, học giỏi với thái độ sống tích cực, có ước mơ và biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

“Chính nhờ việc cố gắng khơi dậy nội lực trong con đã giúp vợ chồng tôi tìm lại được âm thanh cho con” - chị Lan chia sẻ.

Anh Nguyễn Tiến Hưng (ngụ quận Phú Nhuận) là phụ huynh có con không chỉ bị khiếm thính mà còn bị thiểu năng vận động bẩm sinh. Anh cho biết: “Con tôi ra đời không chỉ sinh non, ốm yếu mà còn có ngoại hình khó nhìn, cong vẹo cột sống, tay chân đều bị khoèo. Vì trước đó bác sĩ đã thông báo tình hình nên vợ chồng tôi đã chuẩn bị tâm lý. Nhưng điều khiến vợ chồng tôi bất ngờ là lúc gần ba tuổi, thấy con chưa nói được, liền đi kiểm tra thì phát hiện con bị điếc nặng hai tai”.

Những ngày sau đó, vợ chồng anh Hưng chạy khắp nơi, vừa điều trị cho con biết đi vừa giúp con biết nghe, nói. Trải qua hai lần cắt gân chân, kiên trì tập luyện con cũng đã đi được. Đồng thời, nhờ máy trợ thính, con cũng đã dần dần cảm nhận được những âm thanh đầu đời.

P12_khiem-thinh_h2.jpg
Hiện tại, gia đình chị Đoàn Thị Thanh Lan hạnh phúc khi chia sẻ về hành trình tìm kiếm âm thanh cho con trai. Ảnh: VÕ THƠ

Đến bây giờ, cô con gái của anh Hưng đã tròn 17 tuổi, mặc dù học chậm hơn một lớp nhưng vợ chồng anh rất vui khi con luôn nằm trong nhóm học sinh khá giỏi, hòa đồng và quan tâm mọi người xung quanh.

Cần phát hiện sớm

Nhìn những bậc cha mẹ thành công bước đầu trong việc tìm kiếm âm thanh cho con bị khiếm thính, ông Nguyễn Minh Hoàng Đức mừng cho họ nhưng cũng tủi thân cho con mình.

Con ông Đức năm nay gần 40 tuổi nhưng không may mắn được nghe thấy những âm thanh của cuộc sống. Ông Đức chia sẻ trước đây do không có cơ hội tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến cho trẻ khiếm thính cũng như chưa biết cách hỗ trợ con nên kết quả không như mong muốn.

“Các gia đình có trẻ khiếm thính bẩm sinh cần phát hiện từ sớm, đồng hành hỗ trợ để giúp các con tìm lại âm thanh sớm nhất có thể” - ông Đức nói.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED) Dương Phương Hạnh (cũng là người khiếm thính) chia sẻ các trẻ khiếm thính và khuyết tật bị hạn chế sức khỏe thể chất và tinh thần. Do đó, cha mẹ cần dành thời gian trò chuyện, đồng hành cùng con trong mọi hoạt động từ ăn chơi đến học tập.•

Đồng hành cùng phụ huynh có trẻ khiếm thính

“Để trẻ khiếm thính có cơ hội tìm thấy giá trị bản thân, bên cạnh sự đồng hành của ba mẹ, còn cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và cộng đồng. Phụ huynh cũng cần được hỗ trợ để giảm bớt áp lực trên hành trình tìm âm thanh cho trẻ.

Tại Nhà văn hóa Phụ nữ có phòng tham vấn tâm lý miễn phí vào các buổi sáng hằng tuần. Có một lớp trực tuyến miễn phí vào tối thứ Sáu hằng tuần để chia sẻ những vấn đề các bậc cha mẹ quan tâm. Trong đó, dành riêng một buổi cho các bạn có khiếm khuyết” - TS tâm lý Phạm Thị Thúy chia sẻ.

Trước đó để đồng hành cùng phụ huynh có trẻ khiếm thính, từ ngày 28-1 đến 17-3, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED) cùng Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF) cũng đã tổ chức chuỗi sáu hội thảo “Để người khiếm thính được lắng nghe”.

Theo Phó Giám đốc CED Tô Thị Bích Phương, chính tình yêu thương của gia đình, cha mẹ sẽ giúp trẻ khiếm thính có được động lực để sống, học tập và hòa nhập cộng đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm