12 bị cáo trong vụ án liên quan đến VN Pharma đã phạm tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh theo khoản 4 Điều 157 BLHS. Theo đó, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch, tổng giám đốc VN Pharma) bị xử phạt 17 năm tù, Võ Mạnh Cường bị 20 năm tù.
TAND TP.HCM vừa ra phán quyết như vậy khi kết thúc phiên xử sơ thẩm vào chiều 1-10. Tính ra, nếu nói thắng-thua về sự giả, thật của thuốc H-Capita chữa bệnh ung thư do các bị cáo được cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam thì đại diện VKSND TP.HCM đã thắng, Cục Quản lý dược (QLD) - Bộ Y tế đã thua. Với kết luận đã nêu của TAND TP.HCM thì đó đích thực là thuốc giả, không thể nào là thuốc không giả nhưng lại có thể làm ảnh hưởng xấu cho người bệnh như biện minh của đại diện Cục QLD được.
Chủ tọa HĐXX TAND TP.HCM đang tuyên án. Ảnh: HOÀNG GIANG
Theo HĐXX thì tội trạng trên được xác định ở chỗ toàn bộ lô thuốc 9.300 hộp bị làm giả về nguồn gốc, xuất xứ, hồ sơ kỹ thuật thuốc cũng bị làm giả, tạp chất định danh không đủ tiêu chuẩn, thuốc kém chất lượng.
Có lẽ phải nhắc lại một lý lẽ rất khiên cưỡng của đại diện Cục QLD tại tòa (và theo các công văn của Bộ Y tế). Theo vị đại diện này, căn cứ theo khoản 23 Điều 2 Luật Dược 2005 thì thuốc trên là thuốc kém chất lượng do không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Không khó để nhận thấy điều luật này dành cho thuốc đã đăng ký chất lượng.
Ngặt nỗi, thuốc H-Capita trong vụ án lúc đăng ký là thuốc Canada với nhiều giả mạo về nhà sản xuất, nước sản xuất, tức lúc đầu đã không đăng ký đúng là thuốc Ấn Độ theo như kết quả tự xác minh sau này của cục. Thế thì làm sao lại có thể vin vào những tiêu chuẩn dành cho thuốc Ấn Độ để biện minh chỉ là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký? Có đăng ký chất lượng đàng hoàng đâu mà đi so sánh sai lè vậy?
Bà Nguyễn Thị Hoài, đại diện Cục Quản lý dược, nói lô thuốc H-Capita không phải thuốc giả, còn đại diện VKS khẳng định đây là thuốc giả cả về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đúng ra, cục này phải xem xét đến khoản 24 Điều 2 của Luật Dược 2005 để có đánh giá chính xác là thuốc kém chất lượng hay thuốc giả. Bởi lẽ điều khoản này quy định rất rõ thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, trong đó có việc có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn…
Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục QLD. Trong phần tuyên án vào chiều 1-10, HĐXX cũng đã kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra, VKSND Tối cao cần nhanh chóng điều tra, kết luận những hành vi đã tách ra khỏi vụ án.
Do vậy, từ phán quyết cụ thể về thuốc giả như đã nêu của TAND TP.HCM, rồi đây có thể sẽ có ai đó ở Cục QLD hay ở Bộ Y tế bị khởi tố bị can. Cùng với đó, những lỗ hổng trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc được bộc lộ trong quá trình thanh tra vụ việc, điều tra vụ án sẽ phải được bộ này gấp rút khắc phục để hạn chế những “vụ VN Pharma” tương tự và những trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương tự từ các lỗi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Ngoài ra, còn có thêm một tội nữa mà dấu hiệu được ghi nhận ngay chính phiên tòa. Theo HĐXX, đó là trường hợp của ông Ngô Nhật Phương cung cấp tài liệu vụ án khi đang đóng dấu mật có dấu hiệu phạm tội làm lộ bí mật nhà nước. Từ kiến nghị của VKSND TP.HCM và truyền đạt của TAND TP.HCM, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có thể sẽ điều tra làm rõ những cá nhân, tổ chức có vi phạm.
Cùng chờ các kết quả tiếp theo để luôn thấy là mọi cái giả gây hại cho người khác đều phải bị triệt tiêu, nhất là những cái giả liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Tương ứng, người tạo giả hoặc tiếp tay cho sự giả, sự ác cũng sẽ phải bị trừng phạt đúng tội và thích đáng.