Vừa qua, cô trò nhỏ Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh (HS) lớp 5 Trường Tiểu học Marie Curie (Hà Nội), đã mạnh dạn viết email gửi tới hơn 40 trường học ở Hà Nội để kêu gọi các trường ngừng thả bóng bay trong lễ khai giảng.
Trong bức thư, Nguyệt Linh viết:
“Con được biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời… Nhưng khi thả bóng lên thì các chú chim hoặc động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác sẽ bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển.
Con nghĩ rằng trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ?”.
Lá thư đề xuất của cô học trò nhỏ này đã nhanh chóng lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường (BVMT) và động vật đến cộng đồng. Hiệu trưởng một trường THPT ở Bảo Lộc, Lâm Đồng cho biết hình ảnh bóng bay rợp trời trong những mùa khai giảng trước sẽ không còn trong ngày khai giảng tới đây ở trường ông vì tính ra số tiền thả bóng bay của các trường trên cả nước tốn nhiều tỉ đồng, gây ô nhiễm môi trường.
Lời kêu gọi ngừng thả bóng bay ngày khai giảng cũng được các trường học tại TP.HCM hưởng ứng.
Lời kêu gọi ngừng thả bóng bay ngày khai giảng được nhiều trường học tại TP.HCM hưởng ứng. Ảnh: HTD
Bà Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp), cho biết: Lâu nay trường không có chủ trương thả bóng bay vào ngày khai giảng. Một mặt vì tránh việc lãng phí, mặt khác để BVMT và động vật. Đặc biệt là các loài chim và thủy sinh mắc hoặc nuốt phải xác bóng bay. Về bức thư của học trò Nguyệt Linh, bà Sa hoàn toàn ủng hộ ý kiến.
“Khi TP.HCM đang có cuộc vận động không xả rác, BVMT xanh, sạch, đẹp thì đây thực sự là một việc làm thiết thực, các trường học nên hưởng ứng thông điệp tốt đẹp này” - bà Sa nói.
Cũng theo bà Sa, việc ngừng thả bóng bay ngày khai giảng vẫn sẽ không làm mất đi ý nghĩa của ngày đầu năm học mới. Đây chính là một bài học đầu tiên giáo dục HS hãy biết yêu thương và BVMT, bảo vệ các loài động vật nhỏ từ những việc làm nhỏ nhất.
Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Thị Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Duy Tân (quận 10), cho rằng dù việc thả bóng bay biểu trưng cho ước mơ, hoài bão của các HS được bay cao, bay xa nhưng để BVMT, nhà trường cần ngừng ngay hành động này. Nếu muốn ngày khai giảng được vui tươi, thay vì nhất thiết thả bóng bay vào ngày khai giảng, nhà trường có thể lựa chọn những hoạt động vui chơi khác cho các HS như làm báo tường, làm các vật dụng trang trí bằng vật liệu tái chế, cây học tập… để các em vừa vui đùa vừa học tập.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cũng hưởng ứng lời kêu gọi này. “Ba năm tôi làm hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du là ba năm nhà trường không thả bóng bay” - đó là những lời chia sẻ.
Theo ông Phú, các trường học cần thay đổi những thói quen thả bóng bay trong ngày khai giảng dù đây là hoạt động truyền thống đã đi vào tiềm thức của nhiều nhà trường, nhiều thế hệ HS.
“Tôi hy vọng nhiều trường học trong TP sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của em Nguyễn Nguyệt Linh trong năm học này và mãi về sau. Chúng ta nên có những hành động rộng khắp như thế này để cùng BVMT” - thầy Phú bày tỏ.
Bộ trưởng gửi thư cho bé Nguyệt Linh về đề xuất thả bóng bay Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã vừa gửi thư đến nữ sinh Nguyệt Linh về đề xuất không thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học mới. Trong thư, Bộ trưởng viết: "Bác đã đọc bức thư mong trường học không thả bóng bay vào ngày khai trường của con qua các phương tiện truyền thông, bức thư với những lời lẽ chân thành nhưng vô cùng ý nghĩa, khiến bác và nhiều người vô cùng xúc động. Bác cũng biết rằng, việc không thả bóng bay kèm theo những ước mơ bay cao, bay xa trong những giờ phút thiêng liêng của ngày khai trường là con và các bạn đồng trang lứa đã từ bỏ niềm vui nhỏ của tuổi học trò để mở ra ước mơ có ý nghĩa hơn. Đó là bảo vệ sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa… Bác hy vọng rằng trong thời gian tới, chúng ta sẽ cùng chung tay để thông điệp về bóng bay, hay rộng hơn là thông điệp về một môi trường sư phạm không rác thải nhựa sẽ tiếp tục được lan tỏa, bắt đầu bằng hành động nhỏ của con. Thầy hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội cũng đã viết thư gửi lại con và khẳng định sẽ có một "Lễ khai giảng Nguyệt Linh" không bóng bay tại trường. Như vậy là một hành động nhỏ của con, đã mang lại ý nghĩa lớn và thiết thực cho trái đất. Điều này nếu được nhân rộng ra các trường học khác, và các bạn khác cũng có ý thức bảo vệ môi trường giống như con thì tốt biết bao. Bác hy vọng rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ cùng chung tay để thông điệp về bóng bay, hay rộng lớn hơn là thông điệp về một môi trường sư phạm không rác thải nhựa sẽ tiếp tục được lan tỏa, bắt đầu từ hành động nhỏ của con. Nhân dịp khai giảng năm học mới, bác gửi tặng con món quà nhỏ, thể hiện tấm lòng của bác. Bác mong những ước mơ của con sẽ sớm trở thành hiện thực, và con sẽ cùng bác, cùng thế hệ trẻ đồng hành bảo vệ môi trường, bảo vệ tương lai cho chúng ta". |
Trẻ con đã đánh thức người lớn Là một thầy giáo, tôi khẳng định lâu nay bóng bay có lẽ nhiều nhất, đẹp nhất, ấn tượng nhất vào ngày tựu trường. Thế nhưng khi xã hội phát triển, bóng bay cũng phát triển về số lượng nên đã trở thành mối nguy ảnh hưởng với môi trường nếu được sử dụng với số lượng nhiều. Không chỉ mối nguy về rác thải nhựa, bóng bay còn gây nhiều mối nguy khác như gây ảnh hưởng đến ngành hàng không, chập điện, cháy nổ… Bức thư của HS Nguyễn Nguyệt Linh (Trường Marie Curie, Hà Nội) đã đánh thức người lớn, nhất là những giáo viên chúng tôi, các thầy cô hiệu trưởng về tác hại của rác thải nhựa từ bóng bay. Đó là những trăn trở cũng là lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa của thế hệ trẻ trong việc BVMT từ rác thải nhựa. Em Nguyệt Linh đã gửi một ý tưởng đẹp, ý nghĩa sâu sắc khiến người lớn cần phải... xem lại mình khi tổ chức những buổi lễ, những chương trình hoành tráng với hàng trăm, hàng ngàn quả bóng được bay lên trời rồi để lại những hệ lụy cho môi trường. Lẽ ra thông điệp này người lớn chúng ta nhắc nhở và gửi đến con trẻ. Thế nhưng con trẻ đã đánh thức người lớn chúng ta. Đã đến lúc người lớn cần suy ngẫm nhiều hơn và hành động thiết thực hơn để BVMT. Đừng hô hào mà hãy hành động. Ngày khai giảng tới đây, chúng ta hãy cùng nói không với bong bóng bay. Bạn đọc THÁI HOÀNG |