Hiến kế để kinh tế Việt Nam vượt qua dịch COVID-19

Hai chuyên gia kinh tế thuộc ĐH RMIT Việt Nam (VN) là TS Greeni Maheshwari và TS Daniel Borer đều đánh giá cao năng lực chống dịch COVID-19 của Chính phủ VN. Tuy nhiên, trước làn sóng dịch bệnh lần thứ tư và cũng là đợt dịch nghiêm trọng nhất, hai vị chuyên gia này cho rằng tiêm chủng vaccine mở rộng là chiến lược tốt nhất để hỗ trợ nền kinh tế trong nước một cách hiệu quả và lâu dài.

Chưa tác động nhiều đến thu hút đầu tư nước ngoài

. Phóng viên:Trong những đợt dịch trước đây, VN được đánh giá là chống dịch tốt, qua đó đảm bảo sản xuất thông suốt. Đây cũng là một trong yếu tố thúc đẩy nhiều tập đoàn đa quốc gia chuyển nhà máy sản xuất đến VN. Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ tư này tấn công vào cả các khu công nghiệp (KCN) dẫn đến có lúc phải gián đoạn sản xuất. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế nói chung và thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng?

+ TS Greeni Maheshwari: Làn sóng COVID-19 thứ tư tại VN đang ảnh hưởng đến một số KCN nhưng chưa tác động nhiều đến nền kinh tế nói chung. Việc gián đoạn sản xuất tạm thời ở một số KCN trong nước cũng khó có thể ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư của các công ty toàn cầu.

Lý do là có nhiều yếu tố khiến VN vẫn được ưu tiên là điểm đến của nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chẳng hạn, khi so sánh với Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của VN vẫn cao hơn Trung Quốc trong những tháng gần đây và trong năm năm qua.

+ TS Daniel Borer: Mặc dù trên toàn cầu, đầu tư nước ngoài đã giảm đáng kể do suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhưng VN vẫn là một quốc gia hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Nguyên nhân do VN đã thành công trong việc thể hiện sự phục hồi sau đợt bùng phát thứ ba và do đó, đợt bùng phát thứ tư nếu được kiểm soát sẽ không tác động nhiều đến nền kinh tế trong tương lai.

. Nhưng thống kê mới nhất của cơ quan chức năng cho thấy đã có gần 60.000 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động trong năm tháng đầu năm nay. Phải chăng điều này cho thấy sản xuất, kinh doanh đang gặp trở ngại quá lớn?

+ TS Greeni Maheshwari: Đúng là có 60.000 công ty rời bỏ thị trường. Điều này cho thấy họ không có nguồn tài chính mạnh, không đủ đơn hàng để duy trì hoạt động và vị thế trên thị trường trong giai đoạn khủng hoảng.

Nhưng cũng không quá lo ngại với tình hình DN nói chung và các công ty lớn vẫn kinh doanh tốt, hiệu quả. Bằng chứng là vẫn có gần 56.000 DN đăng ký thành lập mới; thặng dư thương mại trong năm tháng đầu năm được ghi nhận là 370 triệu USD... Nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát, nó có thể không ảnh hưởng quá nhiều đến DN.

+ TS Daniel Borer: Những đợt bùng phát dịch COVID-19 đã đẩy các DN trên toàn cầu rơi vào tình trạng vất vả để quản lý chuỗi cung ứng và đảm bảo sản xuất. VN cũng không nằm ngoài điều này. Tuy nhiên, các DN tại VN may mắn hơn khi nhận được sự đảm bảo khá tốt trong việc chống dịch của Chính phủ giúp họ ít bị căng thẳng về nguồn cung và sản xuất.

Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh thứ tư lại khá nghiêm trọng so với các đợt dịch bệnh trước đó, buộc các công ty phải vất vả học hỏi và thích ứng với khó khăn hiện tại. May mắn là các công ty VN vẫn nhận được nguồn cung nguyên vật liệu từ nước ngoài để đảm bảo sản xuất.

Tuy vậy, các công ty nội địa cần học hỏi cách phòng chống dịch bệnh và đảm bảo duy trì sản xuất từ các tập đoàn quốc tế có trụ sở tại VN. Điển hình như Tập đoàn Samsung hay Nestlé.

Việc tiêm chủng sẽ giúp kinh doanh, buôn bán nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi hoạt động. Ảnh: TÚ UYÊN

TS Daniel Borer hiện giảng dạy kinh tế và kinh doanh tại ĐH RMIT VN và có nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế. Ông từng giảng dạy tại nhiều trường ĐH trên thế giới, thực hiện các dự án nghiên cứu cho chính phủ Thụy Sĩ…

Còn TS Greeni Maheshwari hiện giảng dạy tại Khoa kinh doanh và quản trị ĐH RMIT VN. Bà nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan đến tài chính, các DN vừa và nhỏ... Bà có bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh về lãnh đạo và kinh doanh toàn cầu tại California, Mỹ. 

Vaccine sẽ giúp phục hồi kinh tế bền vững

. Hiện nay VN đang tăng cường mua vaccine để chống COVID-19. Vậy hiệu ứng vaccine sẽ tác động ra sao đến việc đảm bảo sản xuất thông suốt cũng như thúc đẩy nền kinh tế phát triển?

+ TS Greeni Maheshwari: Tiêm vaccine để phòng COVID-19 rất quan trọng và là giải pháp lâu dài cho cuộc sống khỏe mạnh và phục hồi kinh tế trong tương lai. Tiêm chủng sẽ đặc biệt có lợi cho các nhà máy có hàng ngàn công nhân làm việc gần nhau.

Việc tiêm chủng cũng sẽ giúp một số ngành như sản xuất và du lịch phục hồi hoạt động. Từ đó sẽ mang lại tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng GDP của VN trong thời gian tới.

. Nhiều ý kiến đề xuất VN cần có thêm các gói cứu trợ cho nền kinh tế và người dân theo cách các nước đang làm hiện nay?

+ TS Greeni Maheshwari: Với làn sóng dịch bệnh lần thứ tư, các gói cứu trợ gián tiếp nên tiếp tục và đây là phương cách hỗ trợ tốt cho DN cũng như người dân. Trong đó cần tập trung vào miễn, giảm thuế thu nhập, các loại phí và lãi suất. Kết hợp với đó là cung cấp trợ cấp thất nghiệp, giảm học phí… để giảm gánh nặng cho các gia đình, giúp họ có cơ hội phục hồi nhanh sau cú sốc kinh tế này.

Với gói 62.000 tỉ đồng mà Chính phủ đã triển khai trước đó để hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn của dịch bệnh thì nên tiếp tục giải ngân đúng đối tượng và mục đích.

+ TS Daniel Borer: Hầu hết chính phủ các nước đã hỗ trợ các ngành công nghiệp và người dân của họ bằng nhiều gói cứu trợ, đặc biệt trong giai đoạn đầu và giữa năm 2020. Đến khi các công ty học được cách đối phó với dịch bệnh, sự gián đoạn cung và cầu, tối ưu hóa chi phí... thì nhu cầu hỗ trợ hầu như không còn nữa.

Đối với VN hiện hứng chịu làn sóng COVID-19 khá nghiêm trọng thì chiến lược tốt nhất để giúp các công ty và người dân đang vật lộn với khó khăn là đầu tư vào tiêm chủng nhanh. Đây là chiến lược tốt nhất để hỗ trợ nền kinh tế trong nước một cách hiệu quả và lâu dài.

. Xin cám ơn hai chuyên gia.

Tiêm vaccine là cách tốt nhất để cuộc sống, hoạt động kinh doanh trở lại bình thường. Ảnh: NGUYỆT NHI

Cách chống đứt gãy chuỗi cung ứng

Phóng viên: Các DN nói riêng và VN nói chung cần làm gì để chống đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài?

+ TS Daniel Borer: Như tôi đã đề cập, việc tiêm phòng vaccine chính là chìa khóa để trở lại trạng thái bình thường trước đây. VN sẽ gặp bất lợi nếu vẫn đóng cửa với DN nước ngoài như một biện pháp để ngăn chặn virus lây lan, trong khi các nước trong khu vực có thể mở cửa nhờ tiêm chủng thành công. Nói cách khác, VN càng đóng cửa lâu và các nước khác mở cửa càng sớm thì điều này càng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế trong nước.

Với các DN thì bên cạnh những biện pháp ngắn hạn cần xem xét lại các chiến lược về chuỗi cung ứng của mình để có thể đối phó tốt hơn với các cú sốc cung ứng trong tương lai. Đó là chuyển dịch sang nguồn cung trong nước và tham gia vào quá trình hội nhập theo chiều dọc xuống. Trong đó, một công ty có thể tích hợp các nhà cung cấp của họ vào công ty của mình.

+ TS Greeni Maheshwari: Với các DN, có một số cách để chống lại sự gián đoạn chuỗi cung ứng, khôi phục sản xuất là số hóa toàn bộ quy trình chuỗi cung ứng để nó trở nên minh bạch. Hoạch định kế hoạch dự phòng cho những bất ổn, tập trung xây dựng các kênh phân phối với thị trường đa dạng.

Đặc biệt để thu hút FDI, VN cần tiếp tục phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng biển mới, tiếp tục xây dựng đường bộ, đường cao tốc và thành lập các khu kinh tế mới. Áp dụng các chính sách thân thiện với nhà đầu tư bằng cách giảm bớt các rào cản quan liêu để nhà đầu tư có thời gian khởi động kinh doanh nhanh chóng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm