Bộ Tài chính đã công bố dự thảo nghị định gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và tiền thuê đất cho đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để giúp doanh nghiệp (DN) tốt hơn, cần giãn cả thu nhập DN và nhiều loại thuế, phí khác.
Song song đó tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để vừa bù đắp thiệt hại, vừa giảm thiểu tác động của dịch.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM:
Cần giảm, giãn cả thuế thu nhập doanh nghiệp để kích cầu
Trong dự thảo nghị định của Bộ Tài chính chỉ quy định cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế VAT phải nộp trong mấy tháng đầu năm nay. Song tôi cho rằng hiện nay DN đang rất khó khăn về dòng tiền kinh doanh. Trong khi đó, DN có nhiều khoản thuế, phí phải nộp nhưng hiện họ khó kiếm được nguồn tiền để nộp ngân sách trong thời điểm này.
Do đó, chúng tôi đề nghị gia hạn các khoản phải nộp về thuế, phí của kỳ quý IV-2019 và kế tiếp tới hết tháng 6-2020. Trong đó bao gồm thuế VAT, thuế thu nhập DN… Thời gian gia hạn là sáu tháng.
Thứ hai, xem xét miễn các khoản thu năm 2020 về thuế phi nông nghiệp, quỹ phòng, chống thiên tai và các khoản thu bắt buộc khác.
Thứ ba, giảm 50% thuế suất VAT và thu nhập DN kể từ ngày 1-4-2020 để tăng tổng cầu xã hội, giúp nhà kinh doanh đẩy nhanh tốc độ bán hàng, cung cấp dịch vụ.
Thông thường DN chịu thuế VAT 10% giá bán và thuế thu nhập DN 20% lợi nhuận. Hiện nay nhiều công ty không tiêu thụ được sản phẩm. Do đó, nếu giảm thuế 50% sẽ làm giá bán sản phẩm giảm ít nhất 7%, từ đó kích thích tiêu dùng và làm gia tăng số lượng hàng hóa bán ra, hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nhờ chiến lược giá thấp.
Hiện nay, khá nhiều quốc gia như Mỹ, Thái Lan, Singapore… đã tung gói kích thích, trong đó có việc giảm thuế tới 50%. Do đó, Việt Nam giảm thuế cũng là phù hợp tình hình chung nhằm gia tăng nhu cầu nội địa và giúp DN chúng ta trụ lại được qua giai đoạn khó khăn này.
Ngành du lịch lao đao vì dịch Covid-19. Trong ảnh: Sở du lịch cùng các công ty lữ hành tại TP.HCM phát miễn phí khẩu trang cho du khách. Ảnh: Tú Uyên
Ông NGUYỄN ĐỨC THANH, Chủ tịch HĐQT Công ty Nông sản Thực phẩm C&N:
Đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm ngay lãi suất
Hoạt động xuất khẩu của các DN đang gặp rất nhiều khó khăn, hai tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Thị trường lớn là Trung Quốc, châu Âu đều giảm tiêu thụ. Ngược lại, chi phí sản xuất lại tăng cao, chưa kể các chi phí vận chuyển đều tăng. Vì vậy, bên cạnh giảm thuế VAT và thuế thu nhập DN, cần gia hạn các khoản nợ thuế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng nhanh chóng giảm lãi suất vay và gia hạn các khoản vay tới hạn cho DN. Nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn trong việc vay vốn; mở rộng các điều kiện vay vốn bằng thế chấp cầm cố; đẩy mạnh cho vay bằng tín chấp để giúp DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhanh nhất, nhanh chóng vượt qua khó khăn trước mắt.
Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtex):
Tạm dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra
Khoảng 50% thành viên Agtex sẽ hết nguyên liệu sản xuất vào cuối quý I-2020, nếu lúc đó sản xuất nguyên liệu của Trung Quốc vẫn chưa phục hồi thì sẽ rất khó khăn. DN đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn nguyên phụ liệu thay thế từ Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc nhưng khó chuyển đổi vì những nước này cũng đang có dịch.
Trước mắt, chúng tôi kiến nghị Nhà nước có chính sách giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập DN trong năm 2020; chậm nộp thuế VAT quý IV-2019 và thuế thu nhập DN của năm 2019 sang quý III hoặc quý IV-2020.
Chúng tôi cũng kiến nghị miễn, giảm thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu đối với DN sản xuất nội địa; miễn tiền phạt chậm nộp thuế, khoanh nợ, giãn nợ, ân hạn nợ, giảm lãi suất, cơ cấu lại khoản vay đối với các ngành kinh tế bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tạm dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra thường niên trong năm để DN tập trung thời gian, nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh; giãn thời gian quyết toán thuế đến ngày 30-6, thay vì ngày 31-3 như quy định…
Ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG, Chủ tịch Hội DN cơ khí - điện TP.HCM (HAMEE):
Cần giảm giá điện, phí cầu đường
Trước tình hình khó khăn như hiện nay, chúng tôi đề xuất kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bãi bỏ quy định giờ cao điểm bán điện theo khung giờ từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30. Trước mắt, điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điểm trong các tháng 3, 4 và 5-2020.
Bên cạnh đó, cần giảm phí BOT, phí cầu đường vì nó vô cùng thiết thực với DN trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi rất mong được giãn thời gian đóng thuế nhập khẩu linh kiện sản phẩm trong ba tháng, giãn thời gian đóng thu VAT. Và hầu hết các DN đều mong muốn ngân hàng giãn thời gian đáo hạn và không bị liệt vào danh sách nợ xấu.
Ông NGUYỄN VĂN BÉ, Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP.HCM:
Cho phép chậm nộp bảo hiểm xã hội, hỗ trợ xúc tiến thương mại
Doanh thu quý I-2020 của các DN đều giảm 25%-50% so với cùng kỳ. Do khó khăn nên một số công ty đã cắt giảm nhiều lao động. Đơn cử như Công ty Dệt may Thành Công giảm 333 lao động, Công ty Nobland giảm 323 lao động, Worldon giảm 290 lao động, Trường Lợi giảm 200 lao động… Ngoài ra, một số DN cũng cho một số lao động nghỉ chờ việc như Công ty Worldon có 282 lao động, Điện lạnh Đại Việt có 120 lao động…
Vì vậy, chúng tôi đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN sớm khôi phục ổn định sản xuất, kinh doanh như: Ngân hàng có chính sách giảm lãi vay, giãn nợ đối với các khoản nợ đến hạn mà DN chưa thể thanh toán được; miễn, giảm thuế VAT, chậm nộp bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, nếu doanh thu DN giảm 50% thì cần giảm thuế thu nhập DN ngay từ 20%-22% xuống còn 10%-11%.
Đồng thời, cần hỗ trợ xúc tiến thương mại cho DN ra các thị trường nước ngoài nhằm đa dạng hóa thị trường, tìm nguồn nguyên liệu thay thế.
Đề nghị mở rộng đối tượng được miễn, giảm thuế Hôm 10-3, Bộ Tài chính công bố dự thảo nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Các ngành mà Bộ Tài chính đề nghị được gia hạn thời gian nộp thuế có thể kể đến là dịch vụ du lịch; nông, lâm, thủy, hải sản; vận tải (đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không); sản xuất, chế biến thực phẩm; ngành dệt may, da giày; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ô tô… Ngày 17-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản góp ý cho dự thảo nghị định nói trên. Theo đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một số nhóm đối tượng khác. Chẳng hạn như các dịch vụ vui chơi, giải trí như thư viện, bảo tàng, chiếu phim, sân khấu, dịch vụ biểu diễn, khu vui chơi, khu bảo tồn, công viên, các dịch vụ thể thao (trừ các hoạt động sáng tác, xổ số, cá cược và đánh bạc); cho thuê mặt bằng, bất động sản thương mại, cho thuê sân khấu, hội trường, khu làm việc chung (co-working space); dịch vụ giáo dục. Đặc biệt, VCCI cho rằng các dịch vụ phục vụ cá nhân khác có sự tiếp xúc trực tiếp cũng cần thuộc đối tượng gia hạn nộp thuế. Đó là các dịch vụ cắt tóc, làm đầu, gội đầu, massage, spa, cơ sở chăm sóc sức khỏe, hoạt động trợ giúp xã hội; dịch vụ hôn lễ. Theo VCCI, đây đều là các dịch vụ chịu sự tác động rất lớn của dịch bệnh COVID-19 và rất cần có sự giãn thuế của Nhà nước nhằm tránh cho DN gặp khó khăn về dòng tiền trong giai đoạn này. Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị nghiên cứu thêm những trường hợp như DN có trụ sở, địa điểm, cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong khu vực cách ly theo quyết định của cơ quan nhà nước; các DN có từ 20% số lao động trở lên thuộc diện cách ly bắt buộc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các trường hợp cách ly, phong tỏa, buộc đóng cửa, dừng hoạt động khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. CHÂN LUẬN |