Ngày 22-5, đài NBC cho biết bức ảnh được cho là ghi lại cảnh một vụ nổ xảy ra ở Lầu Năm Góc được lan truyền khắp mạng xã hội Twitter, thực chất là sản phẩm được làm ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Cụ thể, bức ảnh trên có nội dung là hình ảnh một cột khối lớn được cho là hậu quả của một vụ nổ xảy ra bên cạnh các tòa nhà của Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ. Sau khi bức ảnh được đăng tải trong sáng 22-5, hàng loạt người dùng Twitter đã tin bức ảnh này là thật, nhanh chóng chia sẻ nó trên nền tảng này, và khiến nhiều người hoang mang.
Bức ảnh được cho là ghi lại cảnh một vụ nổ ở Lầu Năm Góc khiến nhiều người hoang mang tưởng thật. Ảnh: TWITTER/NBC |
Sau khi nhận thấy thông tin trên, sở cứu hỏa quận Arlington, bang Virginia (Mỹ) đã nhanh chóng vào cuộc và xác minh thông tin vụ việc. Sau khi điều tra, cơ quan này thông báo: “Không hề có vụ nổ hay bất kỳ sự cố nào xảy ra ở Lầu Năm Góc và các khu vực xung quanh. Thông tin của bức ảnh trên là hoàn toàn sai sự thật”.
Ông Nick Waters, một điều tra viên thuộc công ty điều tra kỹ thuật số Bellingcat, có trụ sở tại Virginia cho biết nếu quan sát kỹ bức ảnh, mọi người sẽ nhận thấy nhiều chi tiết cho thấy nó không hề có thật, và địa chỉ xảy ra vụ nổ trên cũng không hề tồn tại trên bản đồ.
Hiện bài viết gốc đăng tải bức ảnh trên đã bị gỡ bỏ. Nhiều người dùng Twitter sau đó cũng cho biết tài khoản này thường hay đăng tin "sai sự thật".
Theo NBC, trong số những bài viết chia sẻ bức ảnh trên thì bài viết của tài khoản có tên là Walter Bloomberg, chuyên đăng tải những thông tin thời sự từ hãng tin Bloomberg là nhận được nhiều sự quan tâm nhất, với gần 1 triệu lượt thích. Hiện tài khoản này cũng đã xóa bài viết trên của mình trên Twitter.