Hình thức xin lỗi thể hiện văn minh pháp lý

Đặt quyền lợi của người được xin lỗi lên hàng đầu

Gần đây liên tục có những cơ quan, đơn vị vì nhiều lý do khác nhau đã có những hành động nhầm lẫn gây oan sai, bức xúc cho một số cá nhân nhưng cách xin lỗi mỗi nơi mỗi khác. Không ít những tổ chức hay cá nhân coi xin lỗi là việc chẳng đặng đừng, làm qua loa, thậm chí đi xin lỗi mà chẳng biết người được xin lỗi có bằng lòng hay không. Tệ hại hơn, một số nơi còn trả treo, mặc cả về cách xin lỗi, nơi tổ chức xin lỗi và không có ý thức giải tỏa những phiền toái cho người khác do lỗi của mình gây ra. Đó là cách làm tùy tiện, chưa phù hợp với quy luật vay trả và văn hóa ứng xử trong quan hệ giữa người với người.

Có lỗi thì phải xin lỗi, điều này luôn đúng ở bất kỳ xã hội nào. Trong những ứng xử thông thường, khi ta có lỗi dù là nhỏ nhất cũng cần phải thành thực nhận lỗi và quan trọng nhất là phải có thái độ sao cho người được xin lỗi cảm nhận được đó là chân thành, xuất phát từ trái tim chứ không phải chỉ là lời nói môi mép.

Nhiều khả năng người gây lỗi ngại đối mặt với trách nhiệm từ những gì đã gây ra cho người khác. Làm sai rõ mười mươi nhưng lại đặt quyền lợi cá nhân lên trên những nỗi khổ tâm, phiền hà của người khác là cách nghĩ rất đáng phê phán. Dù pháp luật chưa có quy định nhưng việc xin lỗi cần phải thực tâm và địa điểm là do người được xin lỗi đề nghị. Hơn ai hết, họ biết rõ cần phải được xin lỗi ở đâu để giải tỏa những áp lực từ những oan sai mà mình phải gánh chịu. Sẽ là sòng phẳng và hiệu quả hơn nếu kết hợp được việc vừa xin lỗi trực tiếp, vừa đăng lời xin lỗi công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ TÂM, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn tâm lý Hồn Việt

Nên quy định rõ ràng để dễ thực hiện

Cho đến giờ thì việc xin lỗi của cơ quan thẩm quyền chỉ mới được pháp luật đặt ra đối với người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Cụ thể, theo Nghị quyết 388/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước, việc xin lỗi là một hình thức khôi phục danh dự cho nhóm đối tượng này. Theo đó, việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng hai hình thức là trực tiếp xin lỗi và đăng báo.

Hình thức xin lỗi thể hiện văn minh pháp lý ảnh 1

Ngày 6-1-2010, TAND quận 1 (TP.HCM) tổ chức công khai xin lỗi chị Trương Thị Kim Hoàn vì đã kết án oan chị 10 năm tù. Buổi xin lỗi tổ chức tại trụ sở UBND phường Cô Giang (quận 1). Không có mấy người dân đến dự. Đại diện TAND quận 1 (ảnh phải) đọc lời xin lỗi xong rồi ra về. Tất cả diễn ra chưa tới 10 phút. Chị Hoàn được bố trí ngồi bên dưới (ảnh trái, người không mang kiếng) chỉ nghe tòa xin lỗi chứ không được tạo điều kiện nói lên nỗi oan ức, tâm tư, nguyện vọng của mình. Ảnh: THANH LƯU

Địa điểm xin lỗi, cải chính công khai là nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị oan, có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị oan cư trú, đại diện cơ quan nơi người bị oan làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị oan là thành viên.

Việc đăng báo được thực hiện trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp, trừ trường hợp người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu không đăng báo.

Do việc xin lỗi khi lỡ phạm lỗi là một văn hóa giao tiếp tối thiểu nên có thể lấy quy định khung này cho những trường hợp bị pháp nhân xâm hại nói chung. Bởi chắc chắn rằng, những sai lầm của pháp nhân với những quyền hạn nhất định luôn có khả năng làm tổn hại đến người khác không nhiều thì ít. Vì hình thức góp phần quyết định nội dung nên để việc xin lỗi được nghiêm túc, pháp luật cần quy định chi tiết thủ tục xin lỗi. Về địa điểm xin lỗi, nơi cư trú của người bị thiệt hại cần được hướng dẫn là trụ sở UBND cấp phường (có đủ chỗ cho nhiều người tham dự) hoặc nhà riêng theo thỏa thuận. Việc đăng báo cần được áp dụng cho những trường hợp mà trước đây báo chí có đưa tin.

Luật gia HOÀNG TRUNG TIẾU

Càng công khai càng tốt

Trước tiên, phải khẳng định có sai có sửa, cơ quan thẩm quyền đã mắc lỗi với dân thì phải xin lỗi dân. Để tỏ thiện chí, đại diện cơ quan công quyền phải đến nhà của người bị làm oan sai. Nên nhớ là đối với nhiều gia đình nghèo khổ, ở nơi xa xôi, việc đi lại không hề đơn giản, dễ dàng.

Trường hợp đó là lỗi lớn, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của người dân thì buổi xin lỗi đó phải được tổ chức công khai. Ngoài đại diện cơ quan làm sai và người dân bị oan thì phải mời một số đoàn thể liên quan như: lãnh đạo phường (xã), ban điều hành khu phố (ấp)… Đồng thời phải mời báo chí đến để đưa thông tin về việc này.

Đành rằng đa số là lỗi vô ý nhưng việc xin lỗi không nên làm qua loa, đại khái. Cơ quan, cán bộ làm sai cần nghiêm túc xin lỗi và cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để hạn chế tối đa việc gây oan sai về sau.

Luật gia LÊ HIẾU ĐẰNG, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ  và pháp luật thuộc
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm