Xin lỗi nghiêm túc để giảm phạm lỗi

Khi biết xin lỗi nghiêm túc, các cơ quan lỡ phạm lỗi sẽ nỗ lực khắc phục để hạn chế những cái sai tương tự.

Phạm lỗi kiểu nào, xin lỗi kiểu đó

Có vài chi tiết đáng lưu ý trong vụ một công dân ở Xuân Lộc (Đồng Nai) bị Công an quận 6 (TP.HCM) bắt nhầm mà báo Pháp Luật TP.HCM đã không làm rõ. Khi bắt ông để tạm giam, nếu theo đúng luật định thì cơ quan công an buộc phải làm rất bài bản và tất nhiên là phải công khai trước nhiều người. Cụ thể, phải đọc và giải thích lệnh bắt, phải lập biên bản về việc bắt; việc bắt người phải có đại diện chính quyền xã và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Ấy thế mà khi phát hiện có nhầm lẫn, Công an quận 6 lại không sửa sai công khai hệt như trước đây họ đã công khai bắt ông. Chỉ đến khi báo chí đấu tranh (với các ý kiến đề xuất xác đáng của chính quyền huyện Xuân Lộc), Công an quận 6 mới đến nhà để xin lỗi ông trước mặt nhiều người dân trong xã.

Dẫu pháp luật chưa quy định nhưng các cơ quan chức năng vẫn có thể thực hiện thủ tục xin lỗi tương xứng với cách phạm lỗi của mình. Như trong trường hợp cụ thể ở trên, việc xin lỗi cũng phải được tiến hành theo các bước tuần tự: Mời đại diện chính quyền và nhiều người dân đến tham dự, đứng dậy đọc văn bản xin lỗi, lập biên bản về việc xin lỗi…

Xin lỗi nghiêm túc để giảm phạm lỗi ảnh 1

Công an quận 6 đã đến nhà xin lỗi nagười bị bắt nhầm trước sự chứng kiến của nhiều người dân ở xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Ảnh: HÀ MI

Với cách xin lỗi nghiêm túc như thế, người, cơ quan lỡ phạm lỗi cũng cảm thấy an tâm, nhẹ nhõm và nỗ lực khắc phục để hạn chế lặp lại những cái sai tương tự.

TRẦN BÌNH (Quận 6)

Nhận lỗi để nhìn ra khuyết điểm

Từ những trường hợp xin lỗi được tổ chức sơ sài, có thể thấy các nguyên do sau: cơ quan, đơn vị làm sai, người đi xin lỗi… mắc cỡ hoặc còn tính quan cách; chưa nhận ra sai lầm nhưng chấp hành lệnh của cấp trên nên phải xin lỗi; thiếu văn hóa ứng xử, thiếu cái tâm của người cán bộ.

Theo tôi, biết sai, biết nhận lỗi để sửa chữa mới là người cán bộ tốt, giảm thiểu việc làm oan sai cho dân. Nếu sai mà xin lỗi cho lấy có thì sẽ không nhìn ra được khuyết điểm, không chóng thì chày cũng lại làm oan sai cho người khác.

ĐOÀN HÒA (Quận 9)

Mắc lỗi rồi thừa nhận bằng cách nói lời xin lỗi là văn hóa giao tiếp tối thiểu, là thói quen văn minh lịch sự, sao nhiều cơ quan ngần ngại không làm? Nên nhớ, khi cảm thấy lỡ làm tổn thương ai đó, làm ai đó phiền lòng thì việc nói lời xin lỗi không những không hạ thấp giá trị bản thân mà ngược lại, nó nâng giá trị văn hóa ứng xử của ta lên. Nhất là đối với những việc mà chỉ có những cá nhân với tư cách là đại diện cho cơ quan hữu quan, tức có quyền hạn nhất định mới có điều kiện mắc lỗi với dân. Nếu đã có nhiều quyền hạn thì cũng phải có nhiều nghĩa vụ tương ứng chứ!

Vậy nên phải lưu ý các cơ quan một khi đã làm sai gây ra thiệt hại cho dân thì phải mạnh dạn xin lỗi dân. Việc xin lỗi phải được tiến hành trang trọng để người được xin lỗi cảm nhận được sự chân thành nhận lỗi.

Có câu nói rằng: “Lời xin lỗi là chất keo siêu hạng của cuộc sống, có thể hàn gắn tất cả”. Với những lời nói xin lỗi đúng lúc, cái mất (nếu có) sẽ chẳng đáng kể so với cái được.

PHẠM KHIẾT (Long An)

Người có trách nhiệm phải gánh vác trách nhiệm

Điểm qua rất nhiều vụ đã xảy ra, mọi người dễ nhận thấy có rất ít trường hợp các cơ quan nhà nước làm sai, gây thiệt hại cho dân thẳng thắn xin lỗi dân. Trong khi đó ở các nước bạn, việc công khai xin lỗi là rất phổ biến. Tôi có đọc một bài báo nêu ở Singapore, khi phải thay bóng đèn trong lối đi ở trung tâm thương mại, sửa chữa thang máy tại nhà ga xe điện, lắp đặt hệ thống cáp ngầm trên đường phố hoặc thi công công trình cao ốc mấy ngàn mét vuông... lập tức người ta treo ngay tấm biển chữ to để xin lỗi vì những phiền phức đã gây ra. Hay khi sửa chữa cáp treo đến đảo Sentosa, công ty cáp treo đã cử nhân viên túc trực xin lỗi trực tiếp từng vị khách do đã đến đây mà không đi được cáp treo, đồng thời mời mọi người sử dụng tuyến xe buýt miễn phí đưa du khách qua đảo bằng đường bộ…
Hay như chính quyền TP Lan Châu ở Cát Lâm (Trung Quốc) đã thực hiện chủ trương “lính sai, quan phải xin lỗi” trên truyền hình để rồi từ đó thái độ công chức và bộ mặt công sở đổi thay tích cực.

Thiết nghĩ biết nói lời xin lỗi chân thành sẽ thể hiện được tinh thần gánh vác trách nhiệm của người có trách nhiệm. Bấy giờ, người nhận lỗi ắt phải có sự cố gắng tối đa để sửa chữa sai lầm, khắc phục hậu quả.

THANH MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm