Chiều muộn 24-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính- ngân sách.
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành các năm 2023 – 2024 và hỗ trợ chi trả chế độ cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung cho năm học 2022 – 2023.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương năm 2024 với tổng số tiền hơn 5.800 tỉ đồng từ nguồn các lĩnh vực chi còn lại của ngân sách trung ương năm 2024 đã được Quốc hội quyết định nhưng chưa phân bổ tại Nghị quyết số 105/2023/QH15 của Quốc hội.
Việc bổ sung này nhằm thực hiện các chính sách an sinh xã hội các năm 2023-2024; hỗ trợ chi trả chế độ cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung cho năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tổng kinh phí ngân sách trung ương phải bổ sung có mục tiêu năm 2024 để hỗ trợ các địa phương chi trả chế độ của năm 2023 và 2024 cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung năm học 2022 - 2023 và năm học 2023 - 2024 trên 2.150 tỉ đồng.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cho các nhiệm vụ này là cần thiết. Tuy nhiên, thời gian Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định là khá chậm.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan rút kinh nghiệm; cần báo cáo làm rõ nguyên nhân bố trí dự toán không đủ và chậm đề xuất bổ sung dự toán đối với các nhiệm vụ này, đặc biệt các nhiệm vụ phát sinh từ năm 2023.
Chính phủ chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu đề xuất, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo; bảo đảm tuân thủ đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi theo quy định pháp luật; tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng thời, báo cáo với Quốc hội về việc bổ sung dự toán này tại Kỳ họp thứ Chín Quốc hội Khóa XV.
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản tán thành đề xuất trên của Chính phủ. Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cần rút kinh nghiệm để làm sớm, tránh tình trạng cuối năm mới đưa ra bàn về vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ nguyên nhân, bố trí dự toán không đủ và chậm đề xuất bổ sung dự toán đối với các nhiệm vụ này, đặc biệt là nhiệm vụ phát sinh từ năm 2023.
Tại Phiên họp, với 100% số thành viên tham dự nhất trí tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương năm 2024 cho các địa phương.
Tại phiên họp, Chính phủ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung tổng số tiền 600 tỉ đồng để thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.