“Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang lây lan rất nhiều và phun xịt thuốc có hiệu quả diệt muỗi cao. Nhưng phun xịt thuốc như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không và nhất là đối với những gia đình có nhiều trẻ nhỏ như gia đình của tôi?”.
Đó là lo ngại của chị Phạm Thị Hồng Thắm (ngụ quận 4, TP.HCM) đối với việc phun hóa chất diệt muỗi gây bệnh SXH. Lo ngại trên được chị bày tỏ tại chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” với chủ đề “Vai trò cộng đồng trong công tác phòng chống dịch”, do HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) thực hiện ngày 26-10.
Tham gia chương trình có ông Nguyễn Văn Đạt (Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP), ông Nguyễn Trí Dũng (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP), ông Trần Văn Phúc (Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú) và ông Trần Quang Minh (Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tân Bình).
Phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp hữu hiệu diệt trừ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: HL
Về vấn đề này, ông Trần Quang Minh cho biết việc phun xịt này hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đây là biện pháp cấp thời để hạn chế số lượng, mật độ muỗi trưởng thành gây ổ dịch SXH ở khu vực dân cư. Trước khi phun hóa chất, ngành y tế sẽ có thông tin báo trước đến chính quyền khu phố và người dân được biết. Đối với những nhà có người cần chú ý sức khỏe như người lớn tuổi hay người khó chịu khi ngửi mùi hóa chất hoặc kích ứng đường hô hấp thì nên di chuyển ra khỏi nhà 30 phút sau khi phun xong để không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Trí Dũng khẳng định hóa chất phun diệt muỗi không được phép sử dụng tràn lan mà phải đúng chỉ định, không cứ có ca bệnh SXH là phải phun. Ông Dũng nhận xét có những trường hợp người dân bị kích ứng khó chịu với mùi hóa chất nhưng đối với ổ dịch có chỉ định phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh thì đòi hỏi người dân cần hợp tác.
“Hóa chất tồn tại trong không gian phun tầm 3-5 tiếng và sau đó biến mất, muỗi nở ra từ ổ lăng quăng sau đó vẫn sống thoải mái. Do đó, song song với biện pháp phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành thì người dân cần ý thức diệt các ổ lăng quăng liên tục để phòng ngừa bệnh” - ông Dũng khuyến cáo.
Ngoài dịch bệnh SXH, tại buổi đối thoại, các chuyên gia đã cùng giải đáp, chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng, chống các dịch bệnh đang lưu hành đáng lo ngại như tay chân miệng, sởi, đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng.