Trong những ngày vừa qua, vụ việc nữ cư sĩ Phạm Thị Yến cũng như sư trụ trì chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), Đại đức Thích Trúc Thái Minh, có những bài thuyết pháp về nhân quả, oán nghiệp được cho là mê tín dị đoan. Câu hỏi đặt ra ở đây là người hướng Phật cần làm gì để có cuộc sống thật sự tốt đẹp.
Nghiệp không thể được hóa giải bằng tiền
Về đạo Phật, giáo lý sự sống đặt căn bản lên lý trí và thực nghiệm. Giáo lý ấy mệnh danh là nhân quả luân hồi. Nhân quả là một định luật tất nhiên, có tương quan mật thiết với nhau và chi phối tất cả sự vật. Khi tin vào nhân quả tự ắt tin vào luân hồi, vì vậy giáo lý nhà Phật luôn hướng mọi người làm việc thiện, tích phúc đức để có được sự tốt đẹp qua nhiều đời.
Tuy vậy, việc dùng tiền để giải trừ các oán nghiệp theo các thông tin được lan truyền từ vụ việc tại chùa Ba Vàng là chưa phù hợp với Phật giáo. Bởi nhân quả của một người là do người đó tự tạo, tự thụ hưởng và cũng phải tự mình hóa giải mà không ai thay thế được hay dùng vật chất để giải trừ. Để hóa giải một oán nghiệp, Phật giáo hướng con người đến việc tu tập và hành thiện không phải là việc góp tiền, cúng dường tam bảo.
Nhà Phật chỉ giúp mọi người hiểu đúng về luật nhân quả nhưng không thể thay thế ai để giải trừ nghiệp. Cúng dường tam bảo mà không hành thiện giúp người, giúp đời thì cũng chỉ hoài công.
Riêng việc bà Phạm Thị Yến đem chuyện nhân quả để luận giải cái chết của nữ sinh viên giao gà, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang làm việc cùng chùa Ba Vàng và cá nhân bà Yến để sớm đưa ra cách giải quyết thỏa đáng.
Nữ cư sĩ Phạm Thị Yến có những lời lẽ không phù hợp trong khi thuyết pháp. Ảnh: INTERNET
Hướng Phật từ tâm thiện
Hiện vẫn còn nhiều Phật tử tuy có tấm lòng hướng về đức Phật nhưng chưa hiểu hết về giáo lý nên dẫn đến mê tín dị đoan, mông muội. Vì vậy, Phật tử và cả mọi người nên lấy việc tu học từ tu tâm, thấu hiểu căn nguyên mọi chuyện quanh mình để suy xét, có hành động đúng đắn. Tu tâm trong Phật giáo không chỉ giữ cho tâm thiện, mà tu tâm còn bao gồm giữ cho lời nói được hòa nhã, không làm việc ác và tâm hướng thiện.
Theo đó, việc tu học phải diễn ra trong đời sống hằng ngày của mọi người. Thân, miệng, ý làm việc tốt đẹp, thanh cao, hiền thiện. Làm được việc lành bản thân đã vui, người bị tai nạn cũng bớt khổ, người chung quanh trông thấy cũng tán thành. Hành động hướng thiện xây dựng xã hội tốt đẹp, trở thành thói quen tốt.
Việc hướng Phật chính từ tu tâm, chỉ cần mọi người làm tròn trách nhiệm trong cuộc sống của mình, như phụng dưỡng cha mẹ, tránh giết hại chúng sinh… đã là hành thiện, không phải ở lễ bái rình rang hay hình thức chay kỳ.
Phải tìm hiểu sâu để tránh chuyện u mê Người tu học theo đạo Phật và những ai có tín ngưỡng tôn giáo khác nên tìm hiểu thật kỹ, thật sâu về đức tin mà bản thân đang dựa vào để tránh chuyện u mê. Nếu đã là tu tập thì cần tránh sự nóng vội, từ hoàn cảnh bản thân để cân phân việc hướng thiện, cần có thời gian dài để rèn luyện cho thân, miệng, ý hướng thiện. |
_________________________________
(*) Thượng tọa Thích Giác Toàn là phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Phó Tổng Biên tập báoGiác Ngộ.