Hoàn thiện nguyên tắc xác định sự thật của vụ án

VKS, tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định không có tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Hai là trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh là mình không có tội.

Quy định trên cơ bản thể hiện được trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định sự thật, bảo đảm giải quyết đúng đắn, khách quan vụ án, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Tuy nhiên, theo tôi, quy định của điều luật còn những hạn chế, chưa thể hiện hết các yêu cầu cải cách tư pháp, tăng cường tranh tụng trong tố tụng hình sự hiện nay ở nước ta. Cụ thể là:

Thứ nhất, điều luật quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm chung thuộc cơ quan điều tra, VKS, tòa án; chưa phân biệt được trách nhiệm chứng minh của mỗi cơ quan trên cơ sở chức năng tố tụng hình sự. Về bản chất, cơ quan điều tra, VKS có chức năng buộc tội; còn tòa án có chức năng xét xử trên cơ sở buộc tội của VKS và gỡ tội của bị cáo, người bào chữa...

Thứ hai, điều luật quy định trách nhiệm cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định không có tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Nếu xem qua thì điều luật đã xác định cụ thể các vấn đề thuộc sự thật của vụ án cần được chứng minh. Tuy nhiên, so sánh với Điều 63 BLTTHS về đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự thì quy định của Điều 10 BLTTHS còn chưa đầy đủ. Sự thật của vụ án hình sự không chỉ gói gọn trong các chứng cứ có tội hay không có tội, chứng cứ về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà còn nhiều vấn đề khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án như các tình tiết thuộc nhân thân bị cáo, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, các tình tiết liên quan đến việc bồi thường…

Thứ ba, Điều 10 BLTTHS chưa thể hiện tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong trường hợp giá trị chứng minh của một số tình tiết trong tố tụng hình sự không rõ ràng. Thực tiễn tố tụng hình sự cho thấy rằng trong các vụ án hình sự, không phải bất kỳ tình tiết nào cũng được chứng minh một cách rõ ràng; có một số tình tiết của vụ án trên cơ sở chứng cứ thu thập được có thể được đánh giá khác nhau theo hướng có lợi hoặc bất lợi cho bị can, bị cáo. Từ góc độ nhân đạo và bảo đảm quyền con người cũng như trách nhiệm chứng minh, những tình tiết đó đều được đánh giá theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Tôi thấy rằng nội dung này cần được bổ sung vào nguyên tắc xác định sự thật của vụ án.

Từ những phân tích trên, theo tôi, cần hoàn thiện Điều 10 BLTTHS theo hướng phân biệt rõ ràng hơn chức năng tố tụng của cơ quan điều tra, VKS với tòa án; giải quyết tốt hơn vị trí của tòa án trong hoạt động xét xử; định hướng về đánh giá chứng cứ trong trường hợp có nghi ngờ về giá trị chứng minh của chứng cứ. Cụ thể như sau:

“Điều 10. Xác định sự thật của vụ án

1. Cơ quan điều tra, VKS, tòa án trong phạm vi chức năng của mình có trách nhiệm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ;

2. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra, VKS. Phán quyết của tòa án được thực hiện trên cơ sở sự thật được chứng minh tại phiên tòa;

3. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh là mình không có tội”.

TS LẠI VĂN TRÌNH, Chánh án TAND quận 10 (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm