Học cách dạy sử từ một nông dân

Theo thống kê, nhiều trường có tới 99% điểm dưới trung bình mà chủ yếu là điểm 0 và điểm 1. Thậm chí có trường chỉ một thí sinh có điểm 5 là cao nhất.

Trên cái nền ấy, câu phát biểu với báo giới của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận “việc hàng nghìn học sinh bị điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi đại học vừa qua là bình thường” càng như đổ thêm dầu vào lửa và đã khiến rất nhiều người bức xúc.

Và cũng trên cái nền ấy thì câu chuyện “dạy sử” của một người nông dân lại rất đáng chú ý. Đó là ông Mai Công Tài, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM. TờDân Tríviết về ông: “Không học ngành sử, không chuyên nghiên cứu lịch sử nhưng ông nông dân chăn bò này lại được nhiều thầy cô ở những trường học quanh vùng hay mời tới kể chuyện sử cho học trò nghe vào những dịp lễ như ngày Cách mạng tháng Tám, Nam Bộ kháng chiến... Bí quyết nào để ông chinh phục những cô nhóc, cậu nhóc thường chỉ mê chơi game, đọc truyện tranh? Ông trả lời: “Dễ lắm. Con nít đứa nào hổng khoái nghe chuyện đời xưa. Lịch sử cũng là chuyện xưa. Mình kể sử hấp dẫn, ly kỳ như chuyện đời xưa là đám nhỏ chịu hà”. Với người lớn, ông kể những nội dung “lớn” hơn nhưng về cơ bản vẫn là những mẩu chuyện người thật, việc thật, dung dị và gần gũi.

Thấy gì qua cách “dạy sử” của ông nông dân nuôi bò sữa này? Có thể liên hệ ngay với tình hình dạy và học sử trong hệ thống trường sở của ta hiện nay: Cả bài giảng lẫn sách giáo khoa đều khô cứng, không sinh động, nặng về chính trị mà thiếu tính hấp dẫn; không có những giờ ngoại khóa cho học sinh “đi thực tế”; vai trò của tất cả phương tiện như băng hình, đĩa tiếng… đều xẹp lép; còn thói quen đến viện bảo tàng thì chưa bao giờ hình thành ở cả thầy lẫn trò.

Cách “dạy sử” hấp dẫn, ly kỳ như “kể chuyện đời xưa làm đám nhỏ chịu…” dễ vậy mà học sinh lại kém sử đến thế là do đâu? Chính cách dạy của người lớn đã “tiêu diệt” cái sự “khoái nghe chuyện đời xưa” của trẻ nhỏ, của các em học sinh.

Ở đây cũng cần phân biệt lịch sử và dã sử, huyền sử, “văn sử”. Những câu chuyện lịch sử hấp dẫn và sinh động đương nhiên không thể thay thế được lịch sử với tư cách một môn khoa học. Nhưng rõ ràng là nhờ chúng, người ta nói chung, trong đó có trẻ em, mới có hứng thú học chính sử. Và việc mà ngành giáo dục cần làm sớm là phương pháp dạy làm sao để người học có hứng thú với lịch sử nước nhà và môn lịch sử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm