Học lịch sử ở các bảo tàng

Hôm trước tôi có dịp đưa người thân đi một vòng quanh các bảo tàng của TP.HCM. Sau một ngày tham quan, tôi cứ tiếc mãi sao mình đến những nơi này muộn quá. Những kiến thức lịch sử tôi đã học, những tư liệu về văn hóa, về các cuộc chiến thảm khốc tôi đã đọc trở nên sống động gấp nhiều lần từ những điều tôi nhìn thấy ở các bảo tàng.

Đầu tiên là cuộc thảm sát của lính Mỹ ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre vào đêm 25-2-1969. Những hiện vật ở căn phòng trưng bày tựa như có linh hồn khi “kể” với tôi rằng khi lính Mỹ đến, ba đứa trẻ (từ sáu đến tám tuổi) là cháu nội của ông Bùi Văn Vát đã sợ quá tìm cách ẩn nấp trong ống cống nhưng vẫn bị lính biệt kích Mỹ bắt ra. Chúng đâm chết hai cháu gái và mổ bụng cháu trai. Chiếc ống cống bằng bê tông, nơi mà ba cháu bé đã nấp trong đó cách đây mấy chục năm nay được trưng ở một góc ở bảo tàng và khi sờ vào đó, tôi nghe thấy những tiếng khóc thét của các em. Tôi căm thù chiến tranh!

Học lịch sử ở các bảo tàng ảnh 1

Một người khách nước ngoài chụp lại những hình ảnh, hiện vật trong vụ thảm sát Sơn Mỹ. Ảnh: TM

Kế bên đó là phòng trưng bày về cuộc thảm sát ở Sơn Mỹ ngày 6-3-1968. Không ai nói với ai câu nào. Mỗi người đều giữ cho mình những cảm nhận, những xúc động riêng. Hình ảnh người dân bị thảm sát đầy máu me với những dáng nằm bất động ngoài cánh đồng, những khuôn mặt thất thần trước họng súng của lính Mỹ thật hãi hùng, tang thương. Trong tôi đọng lại duy nhất cảm giác phẫn nộ!

Bên dưới những hình ảnh này là các hiện vật sống của những nạn nhân trong vụ thảm sát. Họ như đang lảng vảng đâu đó để kể cho mọi người nghe câu chuyện đã xảy ra, không bằng khói thuốc súng đạn, không bằng máu hay nước mắt mà mắt tôi vẫn cay. Nào là chiếc lu đựng gạo của gia đình bà Nguyễn Thị Chát (xóm Khê Đông, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê) là nạn nhân trong vụ thảm sát ở Sơn Mỹ. Cái tỉn đựng mắm của gia đình ông Hàn Đích ở cùng xóm, đôi thùng quản đựng mắm của gia đình bà Nguyễn Thị Tỵ ở cùng xã… còn sót lại sau vụ thảm sát. Những kỷ vật rất đặc trưng của vùng nông thôn Quảng Nam, Quảng Ngãi. Chỉ cần nhìn vào đó tôi đã nghe thoảng dậy mùi mắm của quê hương thơm lừng, nghe như bao bình yên, bao tình nghĩa xóm làng chất chứa trong đó. Tôi thêm yêu hòa bình vô cùng!

Đang tham quan, tôi thấy một đứa trẻ da trắng, tóc vàng chừng 10 tuổi xô cửa bước nhanh ra ngoài. Người mẹ chạy theo, dìu đứa con ngồi xuống chiếc ghế nơi hành lang rồi cả hai cùng khóc. Hai mẹ con nói với nhau gì đó về cuộc chiến. Tôi nghĩ họ cũng căm ghét chiến tranh, cũng thiết tha yêu hòa bình như tôi. Trên cuốn sổ ghi lại cảm nhận của khách tham quan, có một người khách nước ngoài đã vẽ hình một cô gái đội nón lá đi giữa dòng sông thanh bình mà trong đầu cứ vang lên câu hỏi: “Tại sao phải chiến tranh?”. Nhiều bạn sinh viên cũng ghi vào đó những câu đại loại như đây là bài học đắt giá nhất về lịch sử mà họ từng học.

Hôm tôi đến, bảo tàng rất đông khách nước ngoài nhưng rất ít khách trong nước. Tôi hỏi chị giám đốc bảo tàng về tỉ lệ này trong ngày thường thì được biết du khách nước ngoài luôn đông hơn. Có lẽ vì người Việt Nam chúng ta chưa có thói quen đến bảo tàng. Vậy cách nào tạo dựng một “văn hóa bảo tàng” trong mỗi người dân từ khi còn nhỏ để khỏi phải tiếc nuối như tôi?

SA YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm