Học văn từ lò đất, làng chiếu...

Những hình ảnh và thước phim được quay công phu, phóng sự Ánh lửa Phú Định của nhóm Hồi ức xưa lớp 12I2 nói về làng nghề làm lò đất ở Phú Định (quận 8) đã tạo được ấn tượng sâu sắc với người xem tại buổi lễ tổng kết mùa thứ năm của dự án “Học văn để sống” cuối tuần qua do tổ liên môn văn - sử - địa - Anh văn của trường triển khai.

Clip "Ánh lửa Phú Định"- nhóm Hồi ức xưa- lớp 12I2 (Nguồn: Youtube)

Học văn từ lò đất, làng chiếu...

Ngoài lời bình bằng tiếng Việt, phóng sự còn được dịch phụ đề bằng tiếng Anh để nói lên lịch sử của làng nghề, quá trình làm ra chiếc lò đất cũng như sự vất vả của những nghệ nhân.

Tiếp đó, phóng sự của nhóm Thích nhào nặn (lớp 12I1) với chủ đề Người nặn tuổi thơ để thực hiện về nghệ nhân tò he cũng trở thành phóng sự đáng nhớ của dự án này. Phim bắt đầu bằng câu chuyện kỷ niệm bắn bi, chơi tò he thời tiểu học cùng với giọng đọc truyền cảm, nhạc nền quen thuộc trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh nổi tiếng gần đây đã khiến phim của nhóm để lại nhiều cảm xúc sâu lắng cho người xem.

Các sản phẩm còn lại như Âm vang làng chiếu, Dỡ bước khói hương (làng nhang), Lư đồng An Hội, Hương trầm, Làng gốm... cũng được ghi nhận và đánh giá cao. Dưới góc nhìn của học sinh (HS), hình ảnh những làng nghề hiện lên một cách gần gũi bằng góc quay cận cảnh, những đoạn phỏng vấn sâu sắc, chân thật… và do chính các em tự làm nên.

Nhiều phụ huynh đã không khỏi bất ngờ khi xem sản phẩm do chính các em tạo ra về những làng nghề truyền thống ít ai biết đến tại một TP.HCM sầm uất. Anh Nguyễn Phú Đắc, phụ huynh có con học lớp 12I1, không tin đây là sản phẩm do chính con anh sản xuất. Anh cũng không biết con đã làm như thế nào.

Các nhóm trao đổi công việc trong các giờ học kỹ năng để chuẩn bị đi thực tế thực hiện dự án. Ảnh: PHẠM ANH

Dự án bắt đầu thực hiện cách đây hơn hai tháng, tất cả HS lớp 12 của trường được chia thành 10 nhóm, mỗi nhóm 6-8 người được bốc ngẫu nhiên để chọn thành viên. Dựa trên gợi ý danh mục các làng nghề do giáo viên đưa ra, cùng với hỗ trợ của các anh chị huấn luyện viên đang là sinh viên, các nhóm đã đi thực tế và thực hiện sao cho đảm bảo nội dung của cả bốn môn học ngữ văn, lịch sử, địa lý và tiếng Anh. Trong đó môn ngữ văn là chủ đạo nên kết quả sẽ tính cho điểm một tiết, các môn còn lại lấy điểm 15 phút.

Giáo viên Nguyễn Thị Minh Ngọc - người khởi xướng dự án này nhận xét: “Đây không chỉ là những sản phẩm do chính các em làm nên mà nó sẽ là hành trang để các em trưởng thành sau này”.

Clip "Người nặn tuổi thơ"- nhóm Thích nhào nặn - lớp 12I1 (Nguồn: Youtube)

Học cách chia sẻ và làm việc nhóm

Cô Minh Ngọc nhấn mạnh những sản phẩm này là nỗ lực rất lớn của HS. Vì khi thăm dò danh sách các làng nghề tại TP.HCM trong thực tế mới thấy rằng 2/3 danh sách làng nghề đó đã mai một, chỉ sản xuất cầm chừng nên các em không làm được, phải tìm hiểu nhiều làng nghề như làng gốm, làng nhang, lư đồng, tò he... Vì thế nhóm giáo viên phải chấm khá vất vả.

“Điều mà giáo viên trân trọng nhất sau khi các em làm nên sản phẩm này là tình yêu của các em dành cho các làng nghề. Các em đã nêu ra được những trăn trở, suy nghĩ rằng làm thế nào để giữ lại được những vẻ đẹp văn hóa của dân tộc trong nhịp chảy ồn ã và quay cuồng của cuộc sống hiện đại” - cô Ngọc nhận xét.

Nói về quá trình làm nên sản phẩm của mình, em Nguyễn Quý Hoàng, lớp 12I1, thành viên của nhóm Người nặn tuổi thơ, lúc đầu nhóm lập kế hoạch công việc và phân công công việc với nhau. Sau đó mới bắt đầu liên hệ thực tế, gặp nhân vật, phỏng vấn, quay phim, làm poster, kịch bản, dịch sang tiếng Anh. Hầu hết hình ảnh và phỏng vấn là do các thành viên trong nhóm làm, một số cảnh quay lễ hội thì nhóm lấy trên mạng vì nguồn gốc tò he là từ ngoài Bắc.

“Thời hạn của dự án hơn một tháng nhưng thời gian để làm rất hạn chế, mỗi ngày làm một ít, chủ yếu là cuối tuần vì thời điểm làm đề tài này rơi vào lúc kiểm tra giữa kỳ nên lịch học và ôn tập rất nhiều. Sau khi làm xong đề tài em thấy học được rất nhiều kiến thức xã hội, kỹ năng làm việc nhóm và em thấy rất tự hào về những gì mà bọn em đã trải qua và làm nên” - Hoàng chia sẻ.

Cũng gặp không ít khó khăn nhưng nhóm Hồi ức xưa, thực hiện đề tài về lò đất Phú Định đã cố gắng để vượt qua và hoàn thành tốt sản phẩm. Đỗ Thế Anh, HS lớp 12I2, thành viên của nhóm này, cho hay phụ huynh lo lắng khi nhóm làm dự án này vì đi lại nhiều và tốn thời gian. Vì thế, bạn nào cũng phải thuyết phục cha mẹ bằng cách cam kết với cha mẹ sẽ đảm bảo việc học tập tốt của các môn khác để nhóm tập trung làm đề tài này tốt hơn.

Thế Anh kể lần đầu tiên đến Phú Định ở quận 8, người dân ở đó không thích lắm vì trước đó có nhiều người đến tìm hiểu làng nghề với thái độ không tốt. Sau khi hoàn tất sản phẩm, Thế Anh cho biết bài học lớn nhất mà em và các bạn học được là kỹ năng làm việc nhóm và lập kế hoạch, biết chia sẻ và bổ khuyết cho nhau chỗ yếu của mỗi người. Hơn nữa, các em được học nhiều kiến thức ngoài sách vở, mỗi bạn được thể hiện khả năng và cá tính của mình hơn những bài kiểm tra trên lớp, dễ tiếp thu và dễ hiểu hơn.

Đem đến cho học sinh những bài học ngoài sách vở

Dự án “Học văn để sống” được cô Nguyễn Thị Minh Ngọc ấp ủ và khởi xướng từ giữa năm 2013 với mong muốn thay đổi cách học văn khô khan hiện nay, đem đến cho HS những bài học không có từ sách vở. Mục tiêu của dự án là “Thực học - trải nghiệm - khôn lớn và yêu thương”, giúp hình thành và phát triển kỹ năng sống cũng như phương pháp học tập chủ động và tích cực. Đến nay dự án đang bước vào mùa thứ sáu. Đối tượng của những dự án này thường là HS khối 9 và 12 với những đề tài thú vị như Sài Gòn tôi yêu, Chuyện trách nhiệm, Tôi chọn trung thực, Làng Việt - làng nghề...Giới hạn tối đa của một dự án là 6-8 tuần. Các em sẽ được bốc thăm nhóm và thành viên, phân bổ thời gian học lý thuyết, tổ chức các buổi đào tạo những kỹ năng căn bản để làm sản phẩm như giao tiếp, quay phim, lên kế hoạch... và đi thực tế. Đa phần địa điểm đi thực tế đều tại TP.HCM.

Hiện nay, dự án đã được cô Minh Ngọc chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên một số trường như THPT Bùi Thị Xuân và THPT Giồng Ông Tố. “Sắp tới, tôi đang nghĩ định hướng sẽ tích hợp với một trường ĐH nào đó để thúc đẩy độ lan tỏa dự án tốt hơn và tìm một nguồn quỹ ổn định để hỗ trợ cho dự án” - cô Ngọc nói.

_____________________

“Học văn để sống” vượt lên trên khái niệm về một dự án, nó trở thành một trải nghiệm, một kỷ niệm khó phai của tuổi học trò và quan trọng hơn hết là tiền đề giúp tôi hình thành nhân cách con người.

LÊ HẠ PHƯƠNG, học sinh lớp 9A1

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm