Bé sơ sinh ở Cần Thơ đã được các bác sĩ BV Nhi đồng TP cứu sống thành công và hiện bú khá, sẽ được xuất viện trong thời gian tới.
Trước đó, khi còn nằm trong bụng mẹ, bé đã được chẩn đoán theo dõi thủng ruột do viêm phúc mạc bào thai lúc thai 25 tuần. Đến lúc thai được 36 tuần, do mẹ bé tăng huyết áp và nước ối nhiều nên được các bác sĩ chấm dứt thai kỳ sớm. Bé sơ sinh được chuyển từ Cần Thơ lên BV Nhi đồng TP cấp cứu với tình trạng bụng trướng căng như quả bong bóng to sắp vỡ, suy hô hấp, xuất huyết toàn thân, thành bụng xuất huyết nhiều nơi, ọc ra máu miệng, trong ống thở có bọt máu.
Bé sơ sinh hiện đã qua cơn nguy kịch, chờ xuất viện về nhà. Ảnh: BV
Ngay lập tức bé được cho thở máy, hồi sức tích cực, truyền máu để bù máu đã xuất huyết, truyền các yếu tố giúp điều chỉnh rối loạn đông cầm máu, truyền kháng sinh thế hệ tốt để chống nhiễm trùng, điều trị các tình trạng nhiễm độc.
Nhận thấy trẻ đang bị xuất huyết toàn thân, mổ sẽ chảy máu không cầm được, bé được đặt một ống dẫn lưu từ ổ bụng đang trướng rất căng để lấy dịch nhiễm trùng từ bụng ra, chờ hồi sức sẽ tiến hành mổ. Sau hai ngày, sức khỏe tiến triển tốt hơn, bé được xem xét để mổ. Lúc này bụng bé rất dơ, đầy dịch phân, mủ, ruột non thủng một đoạn, gây viêm toàn bộ ổ bụng. Tình trạng bé nặng nên bác sĩ không nối ruột ngay được, phải đưa tạm một lỗ ruột ra ngoài để giải áp, chờ sau này sẽ đóng lỗ ruột này lại. Sau ca phẫu thuật, tình trạng sức khỏe bé đã dần ổn định và bé đã trở về trong vòng tay mẹ sau hơn nửa tháng giành giật sự sống.
Theo ThS-BS Huỳnh Cao Nhân, nếu phát hiện trẻ bị thủng ruột trong thời kỳ bào thai, mẹ cần được khám, xét nghiệm, siêu âm thật cẩn thận để đánh giá tình trạng cả mẹ và bé. Nếu bé vẫn sống đến gần ngày sinh, mẹ chưa bị ảnh hưởng gì thì để bé sinh ra và chuyển sớm tới bệnh viện có khả năng phẫu thuật và hồi sức sơ sinh tốt để cứu trẻ. Nếu trẻ bị thủng ruột giai đoạn sớm, trẻ chết lưu cần phải xử lý sớm để tránh nguy hiểm cho mẹ.
Viêm phúc mạc bào thai là phản ứng viêm do tổn thương đường tiêu hóa (thủng ruột) trong thời kỳ bào thai. Tiên lượng thường rất nặng, do một đứa trẻ non nớt, chưa đủ sức chống chọi với những hiểm nguy do bệnh xảy ra bao gồm: nhiễm trùng, nhiễm độc, xuất huyết, sốc, toan hóa máu, suy hô hấp. Khi trẻ bị thủng ruột, dịch phân trong ruột trẻ tràn ra ổ bụng trẻ gây nhiễm trùng, nhiễm độc. Chất độc được hấp thu vào máu trẻ gây rối loạn đông máu, trẻ sẽ bị xuất huyết toàn thân nặng nề, có thể chết lưu khi chưa ra đời. Chất độc cũng được hấp thu vào máu mẹ, cũng có thể gây nguy hiểm cho mẹ. |