Hội nghị Trung ương 4 cho chủ trương gói kích thích kinh tế lớn

Ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Trung ương 4, 5-10, các Ủy viên Trung ương dành trọn buổi sáng thảo luận tại hội trường về các báo cáo kinh tế - xã hội 2021, dự kiến kế hoạch 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 2021 và dự toán 2022, kế hoạch tài chính – ngân sách 2022-2024; việc lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương, công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua và quan điểm, chủ trương, giải pháp thời gian tới.

Đây là phần thảo luận tiếp nối phiên họp tổ trong ngày đầu Hội nghị Trung ương 4, cũng tập trung vào các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ muốn trình Quốc hội gói kích thích kinh tế lớn

Tin từ các Ủy viên Trung ương cho hay đại dịch COVID-19, công tác phòng chống dịch, các ảnh hưởng tiêu cực của nó tới đời sống xã hội… được định hướng là trọng tâm của phần thảo luận này.

“Dịch bệnh nguy hiểm, làm chết nhiều người. Nhưng chúng ta không để đóng mãi, mà phải chuyển hướng để còn tiếp tục phát triển kinh tế. Chuyển hướng chiến lược như Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo thì đúng rồi, nhưng kèm theo sẽ là những rủi ro, thách thức. Vì vậy Bộ Chính trị thấy cần phải báo cáo Trung ương để thống nhất nhận thức” – một Bí thư Tỉnh ủy cho hay.

Về các báo cáo kinh tế - xã hội, thông tin từ hội nghị cho biết, Chính phủ có đặt vấn đề xin chủ trương một gói kích thích kinh tế lớn. Nhiều khả năng, nếu Trung ương đồng thuận, ủng hộ thì Chính phủ sẽ hoàn thiện phương án để trình Quốc hội quyết định trong kỳ họp cuối năm, dự kiến khai mạc 20-10 tới.

Tình hình từ sau Hội nghị Trung ương 3, tháng 7, đến nay, do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, tăng trưởng quý 3 đã giảm sâu, âm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ dự báo, nếu nỗ lực lắm và gặp thuận lợi để kinh tế phục hồi quý 4, tăng trưởng phục hồi trở lại ở mức 7,06-8,84% thì GDP cả năm 2021 mới chạm mức 3-3,5%.

Chưa kể, Chính phủ cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2022, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, đầy thách thức.

Muốn vậy, một gói kích thích lớn là cần thiết.

Nên có phần hỗ trợ phát triển nhà ở công nhân

Góp ý cụ thể, có Ủy viên Trung ương cho rằng gói kích thích kinh tế này chỉ có thể xây dựng nếu Quốc hội tới đây nới trần nợ công, cân nhắc chỉ số lạm phát để nới lỏng chính sách tín dụng, tài khóa. Trên cơ sở đó, Chính phủ mới hình thành từng gói nhỏ, chẳng hạn đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số… Ngoài ra, phải có sự nới lỏng chính sách tiền tệ thì các ngân hàng thương mại mới mạnh dạn khoanh nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp vay để phục hồi sản xuất.

Tình hình dịch bệnh ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai cho thấy dịch bệnh lây lan mạnh chủ yếu từ các khu dân cư, nhà trọ lụp xụp, điều kiện sống khó khăn của công nhân, chứ không phải trong nhà máy, khu công nghiệp. Đây cũng là thách thức lâu nay mà khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam chưa khắc phục được.

Vậy nên, trong chương trình kích thích kinh tế lớn tới đây, nếu có một gói riêng hỗ trợ lãi suất cho các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội thì đó không chỉ là giải pháp bền vững để thích ứng an toàn với dịch bệnh, mà còn cải thiện đời sống công nhân, thu hút lao động trở lại với các khu vực công nghiệp phát triển nhưng đói nhân lực hậu COVID-19 này.

Nếu được xem xét, việc triển khai gói hỗ trợ này sẽ không quá khó. Bởi ở nhiệm kỳ Đại hội XI, Chính phủ từng đưa ra gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỉ đồng, hướng trực tiếp tới các dự án nhà ở xã hội và người mua nhà. Nhờ đó, theo tính toán của Bộ Xây dựng, đã kích thích đầu tư xã hội, huy động được lượng vốn khổng lồ, khoảng 1 triệu tỉ đồng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn ấy.

Kiểm điểm mặt hạn chế trong công tác chống dịch

Việc thảo luận các giải pháp kích thích, phục hồi kinh tế được lồng ghép với đánh giá, kiểm điểm công tác phòng, chống COVID-19, theo đúng tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, thực sự khách quan, công tâm, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh ở phiên khai mạc.

Theo đó, một số Bí thư tỉnh ủy tự kiểm điểm là thời gian qua, việc ứng xử với dịch bệnh ở các địa phương là không thống nhất, đặc biệt là trong lưu thông hàng hóa. Điều này cũng được Ban Cán sự Đảng Chính phủ phân tích: chỉ đạo của Chính phủ là thống nhất nhưng tổ chức thực hiện dưới địa phương thì còn khác nhau.

Trong phòng, chống dịch, có một quan điểm lớn là 4 tại chỗ, nhưng lại chưa được cụ thể hóa. Nguồn lực mỗi tỉnh, thành đều hữu hạn mà không đưa ra tiêu chí chi tiết phần nào địa phương tự lo, trong hoàn cảnh nào Chính phủ hỗ trợ, thì dẫn tới xu hướng “cửa đóng, then cài” cho an toàn.

“Nguồn lực hữu hạn mà tiêu chí đánh giá không rõ thành ra trách nhiệm vô hạn. Trước áp lực trách nhiệm cá nhân với các bí thư tỉnh ủy như vậy, không tránh khỏi nơi này nơi khác ứng xử cực đoan với dịch bệnh. Vậy nên, giờ chuyển chiến lược phòng chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt… thì phải làm rõ hơn cái này” – một Bí thư tỉnh ủy chia sẻ với PLO.

Xây dựng, chỉnh đốn đảng cần đi vào chiều sâu

Kết thúc mảng nội dung kinh tế - xã hội, buổi chiều, BCH Trung ương thảo luận ở tổ, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ và 10 năm thực hiện Quy định 47 về những điều đảng viên không được làm.

Ở nhóm nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng này, Bộ Chính trị đề nghị theo hướng Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII kế thừa kinh nghiệm tốt Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII thông nhất ban hành kết luận thúc đẩy, thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, điểm mới của Hội nghị Trung ương 4 lần này là xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị. Cùng với phòng, chống tham nhũng thì đẩy mạnh phòng, chống suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống.

Quan điểm này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc, sáng 4-10: “Bộ Chính trị bàn là nếu chỉ ngăn chặn, đẩy lùi thì bị động quá, chưa đủ mạnh. Sau 10 năm chúng ta làm, đã đến lúc phải chủ động tiến công. Suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức là cái gốc của tham nhũng, cần phải xử lý nghiêm, quyết liệt hơn nữa…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới