Các trinh sát Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy (C47 - Bộ Công an) phối hợp với Công an Hòa Bình, Công an tỉnh Sơn La truy bắt thành công tử tù Nguyễn Văn Tình.
Để bắt được Tình, các trinh sát đã phải mất 5 đêm thức trắng lần theo dấu vết, mật phục và truy bắt thành công Nguyễn Văn Tình.
Hai tử tù trốn khỏi phòng biệt giam đã bị bắt trở lại
Một trinh sát tham gia chuyên án cho biết, sau khi vượt ngục, Tình đã về quê tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) sau đó lấy 20 triệu để bỏ trốn. Tình đưa cho Thọ 10 triệu, còn Tình giữ 10 triệu, tuy nhiên Thọ chỉ nhận 7 triệu.
Sau đó mỗi người một ngả, Thọ trốn về Hải Dương, còn Tình tìm đường lên Tây Bắc.
Tình đã sử dụng chiếc xe máy mượn của người thân, đi theo quốc lộ 6 lên Sơn La. Trên tuyến quốc lộ 6, do lực lượng Công an chốt chặn tại nhiều điểm, đến Hòa Bình, Tình không thể đi tiếp theo đường quốc lộ nên tìm một lối mòn xuyên vào rừng sâu. Ý định của tử tù này là sẽ băng qua những cánh rừng để tìm cách lên Lóng Luông – một điểm nóng về ma túy.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng nắm được thông tin Tình trốn trong một căn nhà tạm nằm heo hút trong những cánh rừng bạt ngàn.
Tổ công tác đã triển khai lực lượng lần theo dấu vết, rà soát các địa điểm đối tượng có thể lẩn trốn. “Do rừng sâu, địa hình rộng, nhiều suối nên việc nắm bắt được địa điểm trốn của đối tượng gặp rất nhiều khó khăn” – trinh sát cho biết.
Sau khi khoanh vùng, xác định chính xác nơi tử tù đang trốn, khoảng 10h tối 15-9, tổ công tác triển khai lực lượng bao vây, áp sát.
Tuy nhiên Tình cảnh giác, nghi có lực lượng chức năng đeo bám nên người này bỏ trốn khỏi lán.
“Vì địa hình rừng núi đi lại rất khó khăn, thêm vào đó đêm khuya, sương mù dày đặc nên không thể đuổi theo đối tượng. Tổ công tác buộc phải rút quân, chỉ để một vài cán bộ ém quân ở khu vực lán, chờ đối tượng quay lại” - trinh sát kể.
Các trinh sát ém quân tại lán phải chờ gần 3 tiếng, nhưng không thấy động tĩnh gì của đối tượng. Đến khoảng 1h sáng ngày 16-9, do đói và mệt nên Tình quay lại lán tìm đồ ăn. Lúc này lực lượng ém quân đã áp sát khống chế và bắt giữ thành công.
Tổ công tác của C47 đã tổ chức di lý Tình về trại tạm giam T16 ngay trong đêm.
Tình bị di lý về trại tạm giam T16 Bộ Công an. Ảnh: H.BẢO
Theo các trinh sát, để bắt được Tình, các trinh sát đã có 5 ngày đêm theo dõi và mật phục trong rừng sâu. “Thời tiết những ngày qua mưa lớn, cộng thêm trong rừng rất lạnh, sương mù dày đặc, về đêm lại rất rét, nhưng anh em vẫn quyết tâm bám địa bàn để truy bắt đối tượng.
Khi đi anh em chỉ mặc áo cộc tay, do lạnh quá nên phải mua thêm mỗi người chiếc áo rét. Anh em trong suốt 5 ngày không thay đồ, không tắm rửa và phải thức trắng đêm để mật phục” – trinh sát kể lại.
Theo nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM, Tình khai ban đầu là Thọ rủ bỏ trốn, lúc phá tường trốn ra khỏi khu biệt giam, Tình định tự thú, không trốn nữa, nhưng khi đó Thọ thuyết phục. Leo lên chòi canh không thấy người, cả hai đu dây bỏ trốn ra ngoài.
Trước đó, chiều tối 16-9, Cục Cảnh sát hình sự cũng tổ chức vây bắt thành công Lê Văn Thọ (tức Thọ "sứt") khi tử tù này đang ngồi trên taxi lẩn trốn tại khu vực huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Thọ "sứt" và Tình là hai tội phạm rất nguy hiểm với nhiều tiền án, tiền sự và bị kết án tử hình nên bị nhốt chung phòng biệt giam của Trại tạm giam T16, Bộ Công an.
Thọ "sứt" bị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam tuyên án 20 năm tù do phạm tội giết người; 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Lê Văn Thọ phải chấp hành chung cho cả 3 tội là tử hình.
Điều lạ lùng là Thọ thực hiện các hành vi phạm tội trên khi đang chấp hành án phạt tù có thời hạn tại trại giam Nam Hà của Bộ Công an. Mặc dù bị giam giữ nhưng Thọ vẫn gọi điện thuê và chỉ đạo các đối tượng ngoài xã hội thực hiện hành vi giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép chất ma túy.
Trong khi đó, Tình cũng bị tuyên án tử hình trong vụ án giấu gần 500 bánh heroin trong bình gas công nghiệp.
Như đã đưa tin, đêm ngày 10 rạng sáng 11-9, Tình và Thọ đã lợi dụng sơ hở, phá cùm chân, đào tường buồng giam số 3, khu D và trốn thoát khỏi Trại tạm giam T16.
Vụ việc đã gây chấn động trong dư luận, đặc biệt về khả năng đào thoát ra ngoài buồng biệt giam trong tình trạng bị cùm chân của hai tử tù.