Hơn 40.000 thiên thần chào đời từ ống nghiệm

Đến khoa Hiếm muộn Bệnh viện (BV) Từ Dũ TP.HCM, chúng tôi biết được nhiều câu chuyện cảm động từ những cặp vợ chồng hiếm muộn. Nhiều người trong số họ nay đến BV với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt cả vợ lẫn chồng: Họ đang đi khám thai định kỳ. Những nụ cười hạnh phúc này do chính tập thể y, bác sĩ khoa Hiếm muộn mang lại cho họ từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON).

Có con, mừng hơn bắt được vàng

“Vợ chồng tôi cưới nhau hơn bốn năm vẫn không có con, cho dù cả hai không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào. Cha mẹ hai bên đều lớn tuổi, mong có cháu bế bồng. Mỗi lần thấy mẹ già đưa mắt nhìn thằng bé hai tuổi nhà hàng xóm chạy long nhong đùa giỡn là tôi thắt ruột” - chị NTTM (30 tuổi, TP.HCM) kể.

Vợ chồng chị M. tìm đến BV Từ Dũ thăm khám và trải qua các xét nghiệm. Sau khi nhận kết quả, chị M. xanh mặt, đầu quay vù vù. “Bác sĩ nói hai vợ chồng không có con là do trứng tôi không thể rụng. Muốn có con buộc phải thực hiện TTTON” - chị M. nói thêm.

Sau đó, vợ chồng chị M. sắp xếp thời gian và thường xuyên lui tới BV để thực hiện từng bước TTTON. “Trời thương, cuối cùng tôi cũng mang bầu và thai nhi hiện được tám tháng. Hôm nay tôi đến khám định kỳ, bác sĩ bảo thai nhi phát triển tốt. Chỉ hơn một tháng nữa là đứa con chào đời. Vậy là tôi không mất thiên chức làm mẹ” - chị M. vui mừng kể.

Bác sĩ BV Từ Dũ kiểm tra phôi thai thụ tinh trong ống nghiệm đang được trữ lạnh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tương tự, anh VMH (32 tuổi, TP.HCM) lộ niềm vui thấy rõ khi chỉ hơn hai tháng nữa là được làm cha. “Vợ chồng cưới gần ba năm, “sinh hoạt” đều đặn nhưng vẫn không có con. Tôi là trai duy nhất trong nhà, ba má muốn có cháu nội đích tôn để nối dõi tông đường. Không thực hiện được mong muốn của ba má, tôi thấy mình như có lỗi. Sau đó, hai vợ chồng tìm đến khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ để tìm nguyên do” - anh H. kể.

Ngày nhận kết quả xét nghiệm, anh H. đi không nổi khi biết nguyên nhân không có con là vì tinh trùng của anh yếu. “Vợ chồng tôi giấu kín chuyện này, không dám nói với ba má vì sợ ông bà bị sốc. Vợ chồng tôi âm thầm điều trị vô sinh và hai lần thất bại. Đến lần thứ ba, tôi mừng muốn khóc khi biết phôi thai đã hình thành trong ống nghiệm. Sau đó, bác sĩ chuyển phôi thai vào tử cung vợ tôi” - anh H. kể tiếp.

“Nghe tin vợ tôi mang thai, cả nhà mừng hơn lượm được vàng. Ba má không cho vợ tôi làm bất cứ chuyện gì. Hôm nay tôi đưa vợ đi khám thai định kỳ, bác sĩ nói đứa con trong bụng vợ ngọ nguậy dễ thương lắm. Cả nhà từng ngày mong đợi thiên thần bé nhỏ ra đời” - anh H. nói.

Bước tiến vượt bậc của Việt Nam

“Ngày 30-4-1998, ba cháu bé (một trai, hai gái) đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật TTTON đã khẳng định bước phát triển vượt bậc của nền y khoa Việt Nam. Chỉ còn vài ngày nữa Việt Nam đánh dấu chặng đường 20 năm thực hiện kỹ thuật TTTON”. GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM, người khai sinh kỹ thuật TTTON tại Việt Nam, đưa ra thông tin trên tại hội nghị Vô sinh và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản lần 7 do Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM tổ chức vào ngày 22-4.

Theo bà Phượng, ba cháu bé đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật TTTON nay sắp tròn 20 tuổi. Cả ba mạnh khỏe, thông minh, học giỏi. Hai cháu đang ngồi giảng đường đại học trong nước, một cháu được học bổng của Nhật.

“Năm nay (2018) thế giới cũng kỷ niệm 40 năm thực hiện kỹ thuật TTTON. So với thế giới, mặc dù Việt Nam đi sau 20 năm nhưng phát triển rất nhanh. Chẳng những gia tăng trung tâm thực hiện kỹ thuật TTTON, Việt Nam còn gia tăng bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực này. Ngay các nước tiên tiến như Úc, Mỹ cũng gửi chuyên gia sang Việt Nam học hỏi kinh nghiệm TTTON” - bà Phượng nói.

BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, cho rằng vai trò TTTON trong xã hội rất lớn, rất quan trọng. “Nếu không có ngành này thì trong 100 trẻ sẽ có 1-2 trẻ không ra đời” - BS Tường dẫn chứng.

Theo BS Tường, đến tháng 4-2018, cả nước có 28 trung tâm thực hiện kỹ thuật TTTON được phép hoạt động. Bên cạnh đó, một số trung tâm khác đang chờ được cấp phép chính thức. “Năm 2017, ước tính trên 20.000 trường hợp được thực hiện TTTON ở Việt Nam. Bên cạnh đó, mỗi năm Việt Nam ước tính gần 15.000 trường hợp chuyển phôi sau rã đông. Với tỉ lệ có thai và sinh sống trung bình khoảng 30% (các trung tâm tốt có thể lên tới 35%-40%), ước tính Việt Nam có khoảng 10.000 trẻ TTTON ra đời mỗi năm. Đến nay Việt Nam có hơn 40.000 trẻ ra đời bằng kỹ thuật nói trên” - BS Tường nói.

Hàng trăm Việt kiều về Việt Nam điều trị vô sinh

Chi phí thực hiện TTTON ở Việt Nam rẻ hơn các nước trên thế giới và thấp hơn các nước trong khu vực, kể cả Campuchia. Không chỉ phục vụ bệnh nhân trong nước, mỗi năm có hàng trăm Việt kiều và người nước ngoài đến các trung tâm TTTON của Việt Nam để điều trị vô sinh. Con số này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Về pháp luật, có thể nói đây là điểm mạnh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Các đồng nghiệp trong khu vực đánh giá Việt Nam phát triển nhanh, ổn định và tốt một phần là nhờ có cơ sở về luật pháp rất rõ ràng. Một số nước cho dù thực hiện kỹ thuật TTTON trước Việt Nam nhưng hiện vẫn chưa có hệ thống văn bản chỉn chu.

BS HỒ MẠNH TƯỜNGTổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm