Hứa hẹn giúp đặt quảng cáo ngoài trời tại trụ sở công an quận giá 68.000 USD

Ngày 16-2, TAND TP.HCM sau một buổi xét hỏi đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ Phạm Văn Hiếu (sinh năm 1974) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. HĐXX cho rằng vụ án có nhiều vấn đề cần làm rõ nên quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Bị cáo Phạm Văn Hiếu. Ảnh: H.YẾN

Trước đó, đầu phiên xử, luật sư của Hiếu đề nghị hoãn xử và có biện pháp mạnh để triệu tập bị hại, nhân chứng đến tòa để hỏi, làm rõ nhiều việc. Trong quá trình điều tra, luật sư đã yêu cầu cho đối chất giữa bị cáo và những người này nhưng không được đồng ý.
Bị hại có đơn xin xét xử vắng mặt do hoàn cảnh nhà có người già, con nhỏ, tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp. Bị hại có luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham gia phiên xử. Nhân chứng cho rằng do bận công tác liên tục nên xin vắng mặt.

Tại tòa, bị cáo Hiếu cho rằng các hành vi cáo trạng nêu không rõ ràng, muốn tranh luận trực tiếp với đại diện VKS. Còn luật sư cho rằng việc xác định Hiếu bỏ trốn để phát lệnh truy nã trước đó là không đúng.

Theo cáo trạng, Hiếu quen biết, làm bạn bè với chị PNAT. Hiếu nói với chị T đang công tác tại Thanh tra quận 3 quen nhiều cán bộ tại quận và các sở, ban, ngành tại TP.HCM.
Khoảng tháng 8-2019, Hiếu cho chị T biết Công an quận 3 đang có chủ trương cho thuê một phần diện tích thuộc khuôn viên trụ sở để đặt bảng quảng cáo ngoài trời. Hiếu hứa hẹn giúp chị đặt được bảng quảng cáo tại đây với giá 68.000 đô la Mỹ (USD).
Chị T đồng ý và tin lời nên chiều 25-9-2019, chị T cùng bạn đến một nhà hàng trên đường Nguyễn Thông (phường 7, quận 3) để gặp Hiếu. Tại đây, Hiếu đã đưa “Hợp đồng tư vấn” đề ngày 24-9-2019 cho chị T xem và ký trực tiếp với Hiếu, nội dung thực hiện dịch vụ pháp lý hoàn thành việc bổ sung bảng quảng cáo thương mại vào quy hoạch địa điểm quảng cáo trên địa bàn quận 3, xin giấy phép xây dựng bảng quảng cáo, làm việc với bên cho thuê đất, xin cấp phép nội dung quảng cáo. Bạn đi cùng chị T ký xác nhận vào hợp đồng là người làm chứng.
Sau khi ký hợp đồng chị T đã thanh toán cho Hiếu 50.000 USD. Tối cùng ngày, chị T nhắn tin qua ứng dụng Viber yêu cầu Hiếu viết giấy xác nhận đã nhận 50.000 USD của chị. Ngày 26-9-2019, Hiếu đã viết giấy nhận tiền, chụp hình rồi gửi hình ảnh giấy nhận tiền cho chị T qua ứng dụng Viber.
Nhận tiền xong, Hiếu tránh mặt chị T. Chị nhiều lần điện thoại liên lạc không được nên tìm đến nơi ở và làm việc cũng không gặp.
Tìm hiểu, chị T biết Công an quận 3 chưa có chủ trương cho thuê địa điểm để đặt bảng quảng cáo. Hiếu gọi điện nhắn tin đe doạ chị và gia đình nên chị T làm đơn tố cáo.
Tại phiên xử, bị cáo Hiếu cho rằng mình không nhận tiền của chị T. Bị cáo và chị T làm bạn đã bảy năm đến ngày bị bắt. Theo cáo trạng, từ năm 2017 đến tháng 12-2019, Hiếu làm việc tại Thanh tra quận 3.
HĐXX cũng hỏi về tin nhắn giữa Hiếu với chị T về việc trao đổi tiền USD mới và “sếp bà thích mùi thơm đó”.
Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, tòa từng trả hồ sơ cho VKS để yêu cầu điều tra bổ sung ngoài Hiếu còn có đồng phạm khác giúp sức hay không; Hiếu có dùng tiền để hối lộ cho người khác nhằm đạt được việc xin cấp giấy phép quảng cáo không đúng quy định hay không; đồng thời làm rõ nguồn gốc số tiền 50.000 USD mà bị hại giao cho Hiếu.
VKS xác định lại là không có cơ sở xác định đồng phạm và hành vi đưa hối lộ. Còn số tiền là của bị hại dành dụm trong nhiều năm, theo lời bị hại khai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới