Theo ông Dương Ngọc Hải (Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM), trong hai năm 2012 và 2013, số lượng án hình sự được kháng nghị phúc thẩm chưa cao (có những quận không hề có kháng nghị nào hoặc chỉ có một kháng nghị).
Về chuyện này, lãnh đạo VKS quận Bình Thạnh bày tỏ: “Đôi khi cơ chế thi đua của ngành cũng ảnh hưởng đến tâm lý của kiểm sát viên”. Vị này cho biết tiêu chí xét thi đua của ngành quy định tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm phải được VKS cấp phúc thẩm bảo vệ từ 85% trở lên, được tòa cấp phúc thẩm chấp nhận từ 70% trở lên. Nếu kháng nghị nhiều mà không được chấp nhận thì ảnh hưởng đến thi đua nên không ít kiểm sát viên có tâm lý e ngại. Cạnh đó, một trong những nguyên nhân lớn khác mà VKS các quận, huyện phản ánh là việc phía tòa vi phạm thời hạn gửi bản án. Luật quy định sau khi án văn được ban hành thì tòa phải chuyển qua VKS để VKS kiểm sát các bản án và thực hiện quyền kháng nghị. Thực tế nhiều tòa làm chưa tốt công tác này. Chẳng hạn trong năm 2012, tại quận 9, trong hơn 100 bản án được ban hành thì chỉ có bảy bản án được tòa chuyển đúng hạn. Với những bản án chuyển qua chậm như vậy, dù có phát hiện ra sai phạm thì VKS cấp trên cũng không thể kháng nghị vì thời hạn kháng nghị đã hết.
Ông Dương Ngọc Hải cho biết trước đây sau khi khảo sát ý kiến của một số VKS quận, huyện, ông đã phản ánh tình trạng này lên lãnh đạo TAND TP.HCM. Chánh án TAND TP cũng hứa cố gắng quyết liệt trong vấn đề này. Ngoài ra, ông Hải cũng thống nhất quan điểm của VKS quận 2 là “muốn làm tốt việc kháng nghị thì phải làm tốt vai trò kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử, nắm vững hồ sơ từ đầu và nắm vững chứng cứ”...
PHAN THƯƠNG