Kết luận điều tra bổ sung vụ lừa đảo hơn 600 tỉ đồng ở An Giang

Liên quan đến vụ lừa vay vốn ngân hàng hơn 600 tỉ đồng, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQ CSĐT) Công an tỉnh An Giang đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 11 bị can về tội lừa chiếm đoạt tài sản.

Các bị can gồm Lưu Bách Thảo (nguyên tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt An), Ngô Văn Thu (tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt An); Nguyễn Thanh Hùng (giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bình Minh); Trương Minh Giàu (giám đốc Công ty TNHH Minh Giàu); Nguyễn Viết Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng An Giang) và Lưu Bá Phúc (giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc).

Các bị can khác là kế toán các công ty gồm Nguyễn Thị Huyền (nguyên kế toán trưởng Công ty Việt An), Nguyễn Thị Thu Hằng (nguyên kế toán trưởng Công ty Bách Phúc), Huỳnh Thị Minh Trâm (nguyên kế toán Công ty Bình Minh), Huỳnh Thị Thơ Đào (nguyên kế toán trưởng) và Tống Duy Khương (nguyên kế toán Công ty TNHH Việt Hưng An Giang).

Làm giả 100 hồ sơ vay chiếm đoạt 600 tỉ

Kết quả điều tra bổ sung, CQ CSĐT xác định các bị can trên dưới sự chỉ đạo của Lưu Bách Thảo (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt An) đã trực tiếp ký nhiều chứng từ khống liên quan đến các bộ hồ sơ vay vốn của Công ty Việt An, Công ty Bình Minh, Công ty Minh Giàu vay tại ngân hàng Vietcombank chi nhánh An Giang (VCB An Giang), chiếm đoạt tổng số tiền hơn 600 tỉ đồng. 

Tất cả hóa đơn, chứng từ làm điều kiện vay vốn thể hiện tại 100 bộ hồ sơ vay vốn còn dư nợ là giả mạo, ghi không doanh số mua bán cá tra, thức ăn thuỷ sản. 

Bị can Ngô Văn Thu. Ảnh: CACC

Toàn bộ số tiền được VCB An Giang giải ngân được đem cho công ty Việt An trả nợ ngân hàng, nợ tiền mua cá tra của người dân và các khoản nợ khác theo chỉ đạo của Thảo và Thu, việc giao nhận tiền mặt giữa các cá nhân và chi trả các khoản nợ không có chứng từ và không hạch toán vào số sách của công ty.

Quá trình điều tra bổ sung, ông Tống Duy Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt An có đơn xin tự nguyện giao nộp các đồ vật, tài liệu được lưu trữ tại các công ty trong đó có nhiều trang tài liệu được cắt ghép chữ ký, báo cáo tài chính các năm.

Có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về cho vay

Đối với các Hợp đồng tín dụng được ký kết giữa Công ty Việt An, Công ty Bình Minh, Công ty Minh Giàu với Ngân hàng VCB An Giang, CQ CSĐT xác định các cá nhân là nguyên Ban Giám đốc, lãnh đạo, cán bộ Phòng Khách hành, Phòng Quản lý nợ đã vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng trong tiếp nhận, thẩm định, duyệt ký các hợp đồng tín dụng nêu trên để các công ty chiếm đoạt tài sản chi vào mục đích khác dẫn đến không có khả năng hoàn trả, gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Hành vi này có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

CQ CSĐT tiếp tục xác minh, mời các cá nhân có liên quan đến làm việc để làm rõ trách nhiệm, vi phạm trong công tác tiếp nhận, thẩm định, đề xuất cấp tín dụng cho các Công ty trên.  

Ngoài ra, CQ CSĐT xác định có sự buông lỏng quản lý, không kiểm tra, vi phạm quy định, quy trình công tác của cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng VCB An Giang đã tạo điều kiện cho các bị can chiếm đoạt số tiền lớn, không còn khả năng chi trả, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Qua làm việc, ông Nguyễn Văn Lập khai từ trước đến nay không có văn bản pháp luật quy định cho khách hàng nợ các chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay khi làm hồ sơ rút vốn và bổ sung sau khi giải ngân, chỉ có Công văn số 770 ngày 30/5/2012 của Vietcombank quy định cho khách hàng nợ bản kê thu mua hàng hóa trong 10 ngày sau khi giải ngân đối với trường hợp giải ngân bằng tiền mặt.

Khi khách hàng làm hồ sơ rút vốn mà không đủ các giấy tờ theo quy định thì cán bộ khách hàng và trưởng, phó phòng khách hàng báo cáo cho phó giám đốc phụ trách và Lập nắm để chỉ đạo. 

Sau đó, khoảng đầu năm 2009, Lập triệu tập cuộc họp gồm Lập, phó giám đốc phụ trách, trưởng, phó phòng khách hàng, trưởng, phó phòng quản lý nợ để thảo luận và cho ý kiến chung giải quyết, thống nhất cho khách hàng bổ sung các tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn vay trong 30 ngày sau khi giải ngân. Tất cả các cuộc họp đều có biên bản nhưng không nói thời gian kết thúc cho nợ chứng từ. Việc cho khách hàng nợ chứng từ là áp dụng cho tất cả các khách hàng vay vốn tại VCB An Giang về lĩnh vực thủy sản.

Lập nhận thức chỉ đạo trên là sai phạm, nhưng tạo điều kiện cho khách hàng khi cần sử dụng vốn vay. Sau khi có sự chỉ đạo, thì khách hàng bổ sung chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay trong vòng 30 ngày sau khi được giải ngân, cán bộ Phòng khách hàng có trách nhiệm nhắc nhở, đôn đốc khách bổ sung, kiểm tra tài liệu. Qua vụ việc trên cho thấy, Lập có sai phạm trong việc chỉ đạo cho nợ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vào năm 2009 nhưng không ấn định thời hạn kết thúc. Mặt khác, vợ của ông Lập có cổ phần trong công ty Việt An. 

Kiến nghị nghiên cứu, hoàn thiện quy trình cho vay tín dụng

Ngày 13-1 vừa qua Cơ quan Cảnh sát điều đã ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với 15 người có liên quan đến kiến nghị khởi tố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang để điều tra, làm rõ hành vi vi phạm. 15 người này là gồm có cán bộ, nhân viên của ngân hàng (trong đó có ông Nguyễn Văn Lập) và nhân viên các công ty trên. 

Nhận thấy quy trình nội bộ trong hoạt động cho vay của Ngân hàng VCB An Giang có nhiều bất cập, chưa rõ ràng, đã tạo điều kiện cho các cônt ty lập nhiều hồ sơ khống vay tiền trong thời gian dài rồi chiếm đoạt tài sản, không có khả năng hoàn trả tài sản, gây thất thoát tài sản nhà nước, bức xúc trong dư luận nhân dân.

Từ đó CQ CSĐT kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang chỉ đạo VCB An Giang nghiên cứu, hoàn thiện quy trình cho vay tín dụng đối với trường hợp sử dụng hóa đơn, chứng từ mua bán làm điều kiện giải ngân để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới