Tờ South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích quân sự nhận định hiệp ước quốc phòng AUKUS giữa Mỹ, Anh và Úc có thể sẽ thúc đẩy Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực tăng cường khả năng chống tàu ngầm.
Nhận định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 15-9 đã cùng thông báo về việc thành lập liên minh an ninh ba bên AUKUS, theo đó sẽ cho phép Mỹ và Anh lần đầu tiên cung cấp cho Úc công nghệ phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Khả năng liên minh AUKUS sẽ kéo Trung Quốc vào cuộc đua chống tàu ngầm? Ảnh: XINHUA
Trung Quốc được cho là đã vượt qua Mỹ trong lĩnh vực đóng tàu hải quân trong những năm gần đây và có lợi thế lớn ở khu vực Tây Thái Bình Dương là hoạt động gần đại lục.
Tuy nhiên, theo cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Trung Quốc Matt Potting thuộc chính quyền Tổng thống Donald Trump, chiến tranh dưới nước chính là “gót chân Achilles” của quân đội Trung Quốc.
South China Morning Post dẫn lời ông Derek Grossman - nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức RAND Corporation – nhận định: “Mỹ luôn duy trì ưu thế so với Trung Quốc trong lĩnh vực chiến tranh dưới biển, nhưng trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã có thể thu hẹp khoảng cách”.
Theo ông Grossman, công nghệ được chia sẻ với Úc có thể cho phép đồng minh chủ chốt này của Mỹ tiếp cận các tàu ngầm có “độ bền lâu hơn - khiến Trung Quốc khó theo dõi hơn, do đó tăng xác suất tấn công bất ngờ thành công”.
Trong khi đó, ông Collin Koh - nhà nghiên cứu tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) – nhận định vị trí địa lý của Úc đã giúp nước này trở thành một vị trí thích hợp cho việc triển khai các hoạt động trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Úc ở một vị trí cách xa về phía nam, xa tầm ngắm tấn công mà quân đội Trung Quốc có thể được so với khoảng cách với Nhật. Do đó, điều này tạo ra một độ sâu chiến lược nhất định cho các hoạt động của tàu ngầm hạt nhân của các nước đồng minh” - ông Koh cho hay.
“[Chúng tôi] có thể phỏng đoán rằng Trung Quốc chắc chắn đang muốn tăng cường khả năng [tác chiến chống tàu ngầm] của mình với mục tiêu thu hẹp khoảng cách dưới đáy biển với Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Nhật” – ông Koh nói thêm.
Trung Quốc vẫn thiếu khả năng tác chiến chống ngầm
Theo báo cáo thường niên năm 2020 của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đang phát triển khả năng tác chiến dưới biển bằng cách phát triển tàu nổi và máy bay, “nước này vẫn tiếp tục thiếu khả năng tác chiến chống tàu ngầm biển sâu mạnh mẽ”.
Trong khi đó, bà Li Jie - nhà phân tích hải quân tại Bắc Kinh – nhận định Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển tàu giám sát đại dương, máy bay tuần tra chống ngầm và trực thăng, South China Morning Post đưa tin.
Khả năng liên minh AUKUS sẽ kéo Trung Quốc vào cuộc đua chống tàu ngầm? Ảnh: AP
“Máy bay chống ngầm có thể di chuyển với tốc độ nhanh hơn, nhưng các tàu phát hiện âm thanh sẽ xác định vị trí của các tàu ngầm chính xác hơn” – bà Li cho hay.
Theo ông Koh, hải quân Trung Quốc đã được hưởng lợi từ việc tiếp cận công nghệ chống tàu ngầm của phương Tây trong những năm 1970 và 1980, đặc biệt là khả năng quét thủy âm (sonar) của Pháp và ngư lôi Mark-46 của Mỹ.
Tuy nhiên, lệnh cấm vận vũ khí sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 đã cắt đứt khả năng Trung Quốc tiếp cận công nghệ, vì vậy Bắc Kinh đã quay sang Nga để mua tàu ngầm lớp Kilo và tàu khu trục lớp Sovremenny.
Sự kết hợp giữa công nghệ của Nga và phương Tây cho phép Trung Quốc từng bước xây dựng năng lực tác chiến chống tàu ngầm của mình thông qua việc giải mã công nghệ và ứng biến, cũng như hải quân nước này đã tăng cường các cuộc tập trận kết hợp các hoạt động trên không, trên mặt nước và dưới nước trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, ông Koh cho rằng Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Mỹ về kinh nghiệm thực tế.
“Mỹ không chỉ tích lũy nhiều kinh nghiệm về tác chiến chống ngầm mà còn có một cơ sở dữ liệu phong phú về các đặc tính âm học của các mục tiêu khác nhau được quan tâm trên toàn thế giới” - ông Koh cho hay.
“Cơ sở dữ liệu này rất quan trọng đối với bất kỳ hoạt động tác chiến chống ngầm hiệu quả nào, vì nó cho phép xác định chính xác các mục tiêu, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện, theo dõi và tác chiến” – ông Koh cho biết.
Theo nhà nghiên cứu Zhou Chenming thuộc Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang (Bắc Kinh), Trung Quốc vẫn còn thời gian để bắt kịp.
“Sẽ mất ba đến bốn năm để Úc chế tạo các tàu ngầm và họ vẫn chưa sẵn sang hoạt động cho đến một thập niên sau” – nhà nghiên cứu này cho hay.