Khát vọng khởi nghiệp từ di sản của chàng trai Ba Na

(PLO)-  Với tâm niệm “muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, chàng trai Ba Na tên A Ngưi đã mạnh dạn đi đầu làm homestay và “kéo” cả làng cùng làm du lịch cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày leo núi, băng rừng ngắm thác đổ. Đêm lửa trại, múa xoang chếnh choáng đong đưa với men rượu cần. Khuya nằm ngủ nghe nhạc rừng, côn trùng kêu rả rích. Sáng mở mắt thấy nắng xuyên qua mành… là những trải nghiệm thú vị ở khu du lịch cộng đồng homestay của chàng trai Ba Na tên A Ngưi (39 tuổi, làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai).

Thực hiện giấc mơ từ vốn 0 đồng

Cơ ngơi hiện nay của A Ngưi gồm hai khu nhà sàn lớn, nhà sàn thưởng thức ẩm thực, các chòi ngủ trải nghiệm thiên nhiên, khu lửa trại, nhà vườn… Cách đây không lâu, anh đã mạnh dạn thành lập công ty du lịch cộng đồng mang tên mình, tên quốc tế là “A Ngui Travel Services Company Limited”. Chỉ trong năm 2022, homestay đã đón khoảng 6.000 lượt khách.

Điều bất ngờ và thú vị ít ai biết được là A Ngưi khởi nghiệp với số vốn không tưởng là 0 đồng. 12 năm trước, anh tốt nghiệp ĐH chuyên ngành quản lý văn hóa, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, sau đó xin làm việc tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Kbang. Ý tưởng khởi nghiệp bắt đầu từ khi đó…

A Ngưi bên các chòi nghỉ gần gũi với thiên nhiên tại homestay. Ảnh: LK

A Ngưi bên các chòi nghỉ gần gũi với thiên nhiên tại homestay. Ảnh: LK

“Hồi mình học ĐH khổ lắm, vừa học vừa phải làm thêm nuôi hai con nhỏ. Tốt nghiệp ra trường, đi làm, mình hoàn toàn bị choáng ngợp bởi thực tế không giống những gì được học trên giảng đường. Sau khi gặp nhiều người bạn, họ khuyên “du lịch cộng đồng, du lịch homestay đang hot, mày làm đi”, thế là mình lên ý tưởng. Lúc đó đâu có tiền, vừa đi làm tích lũy, gom từng cây gỗ làm nhà sàn. Mãi đến năm 2018 mới có cái nhà sàn đầu tiên” - A Ngưi chia sẻ.

Cũng theo A Ngưi, nếu không có đam mê và chịu khó học hỏi thì anh khó mà thành công được. Cũng vì thích “xê dịch” và ôm mộng làm du lịch homestay khi chưa có thành tựu mà vợ chồng anh bất đồng chính kiến rồi chia tay. “Mình rất ham học hỏi, mỗi chuyến đi đều chú ý học từng chút. Mình quan niệm làm du lịch là phải làm sao để khách ghé lại lần hai, lần ba… còn nếu họ đến và không trở lại là thất bại. Bởi vậy, homestay của mình luôn thay đổi, tour sẽ hấp dẫn hơn khi mình đưa văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử địa phương vào chương trình. Mình rất thích câu nói của một du khách Pháp “lấy di sản nuôi di sản”” - A Ngưi say sưa khi nói về công việc của mình.

Học A Ngưi, cả làng làm du lịch

Từ cuối năm ngoái cho đến những ngày đầu năm mới này, A Ngưi làm không hết việc. Anh tiết lộ đang cùng bà con làng Kgiang làm hồ sơ lập Hợp tác xã Kon Ka Kinh, chuyên các mặt hàng nông sản, sản phẩm truyền thống của địa phương. A Ngưi chia sẻ, từ khi làm du lịch có hiệu quả anh đã truyền được cảm hứng cho người làng Kgiang và các địa phương lân cận.

Đội cồng chiêng làng Kgiang. Ảnh: LK

Đội cồng chiêng làng Kgiang. Ảnh: LK

Không chỉ cá nhân làm du lịch, A Ngưi còn “kéo” cả làng cùng làm du lịch cộng đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 30-40 lao động trong làng và hơn chục người được hưởng lương cứng. “Làm du lịch cộng đồng không chỉ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương mà còn giúp bà con có thêm thu nhập. Mình tâm đắc nhất là câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Nhiều năm nay mình đã đào tạo, hướng dẫn làm du lịch cho hàng chục hộ dân trong làng, giờ bà con đã biết làm du lịch rồi” - A Ngưi cười, mắt ánh lên niềm vui.

Anh Ngưi rất năng nổ, có những ý tưởng kinh doanh phù hợp với quan điểm phát triển du lịch địa phương. Huyện rất hoan nghênh và hỗ trợ anh một số hoạt động vì cách làm du lịch của anh Ngưi vừa giúp bà con phát triển kinh tế, vừa giữ gìn văn hóa dân tộc.

Ông Y PHƯƠNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang

Cũng nhờ làm du lịch, dân làng dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Biết hoàn thiện nơi ăn chốn ở, vệ sinh nhà cửa, đường làng sạch sẽ. Nấu được nhiều món ăn truyền thống, làm ra nhiều sản phẩm đẹp hơn, ủ rượu cần càng thơm ngon để phục vụ du khách gần xa…

Hằng ngày, hễ cứ thấy điện thoại A Ngưi gọi tới là bà con mừng thầm “lại có tour, lại có tiền”.

Anh Đinh Phai, nghệ nhân đánh cồng chiêng làng Kgiang, kể: “Trước đây, mỗi năm mình chỉ đánh cồng chiêng cho làng vài lần. Nhờ theo A Ngưi làm du lịch nên giờ cứ ngày làm rẫy, tối lại nhảy múa, đánh chiêng, vui mà có thêm thu nhập lo cho gia đình”.

Năm nay, cụ Đinh Blích, già làng Kgiang đã gần 70 tuổi nhưng vẫn còn sung sức lắm, là thành viên cứng trong đội cồng chiêng. A Ngưi cứ alô là cụ lại tham gia nhiệt tình. Còn chị Đinh Thị Méch, từ chỗ chỉ biết làm nông, nhờ A Ngưi mà chị được tuyển làm nhân viên nấu ăn cho công ty. “Đi làm được tiền lương mình vui lắm!” - chị thật thà khoe.

Đến nay, A Ngưi đã thành lập được các đội cồng chiêng, đội hòa tấu nhạc cụ, đội múa, đội ẩm thực và nhóm dẫn tour hơn 30 người cùng làm du lịch cộng đồng. “Tất cả bà con trong làng đều là mối làm ăn, cộng tác đắc lực làm du lịch cộng đồng của Ngưi. Tùy công việc, bà con nhận tiền theo sản phẩm, vì vậy nhiều gia đình luôn cố gắng làm tốt, làm nhiều. Thanh niên dẫn tour có khi mỗi ngày thu nhập từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng đó” - A Ngưi nói.

Hiện A Ngưi đã xây dựng mạng lưới tour khá bài bản, kết nối được nhiều đơn vị du lịch lữ hành, tổ chức nhiều tour như: Trekking rừng và cắm trại dã ngoại đại ngàn Kon Chư Răng, phục dựng các lễ hội của dân tộc Ba Na và các nghề truyền thống giúp du khách trải nghiệm…

Kết nối du khách đến với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử như thác 50, thác Hang Dơi, làng kháng chiến Stơr của Anh hùng Núp, vườn Mít - cánh đồng Cô Hầu (thuộc quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo)…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm