Khi nào nên dỗ ngọt hệ thần kinh?

Nếu với người khác thiếu chút đường không đến độ trầm trọng thì với nạn nhân của stress lại là chuyện chẳng khác nào thiếu… thuốc! Cũng vì quen với lượng đường phải cao trong máu nên “stress nhân” rất dễ đói bụng, thậm chí “xấu nết” nếu không kịp ăn! Xảy ra tình trạng này là do ảnh hưởng của nội tiết tố corticosteroid của tuyến thượng thận sản sinh trong tình huống stress. Éo le là do tuyến này bao giờ cũng xài sang nên không phóng thích nội tiết tố ở lượng đủ dùng mà lần nào cũng thế, cao hơn nhu cầu trên thực tế của gia chủ.

Ngoại hình như quả trứng

Do tác động huy động chất đường của corticoid mà rối loạn biến dưỡng chất béo len lén vào nhà hồi nào không hay. Hậu quả là nạn nhân bị tăng mỡ máu cho dù có cữ béo đến phát thèm. Tình trạng này càng rõ nét nếu gia chủ chọn thái độ bình chân như vại trước bàn viết, trước máy vi tính, lại thêm ngủ ít. Khi đó mỡ không được mời cũng tự động ký gửi dưới thành bụng khiến vòng số 2 nổi bật trong khi vòng 1 và 3 của nạn nhân thường khi xẹp lép do bắp thịt nhão nhoẹt vì nào có được luyện tập! Khỏi tả dông dài cũng hình dung được ngoại hình của nạn nhân khó coi đến cỡ nào!

Chocolate là dẫn chứng tiêu biểu về việc có thể gây tác dụng trái ý nếu lạm dụng, nghĩa là từa tựa như thuốc độc.

Đừng châm dầu vào lửa

Cũng chính vì thế mà chuyên gia về bệnh do stress đã khuyên đối tượng thuộc nhóm “mỡ treo trước miệng mèo” ráng tập vài chuyện không quá khó. Đó là:

- Đừng ăn ngọt khi căng thẳng thần kinh. Kẹt lắm là trái cây khô vì tuy ngọt nhưng vẫn chưa hại bằng bánh kẹo chứa đầy đường cát, đường hóa học!

- Tránh món vừa hưng phấn thần kinh vừa tăng đường huyết như cà phê đá bỏ đường ngọt hơn chè.

- Ăn vặt với miếng chocolate, loại càng đen càng tốt, trước giờ cao điểm của công việc khoảng một giờ để cơ thể đừng thiếu kẽm.

- Tập thiền trong giờ giải lao, thay vì chọn hình thức giải trí ăn thua đủ vì bao nhiêu đó stress của công việc đã quá đủ để sinh bệnh. Thêm chi cho khổ!

Ai cũng cần năng lượng khi gặp cảnh éo le mới mong qua ải. Khéo chỉ ở chỗ tiếp tế cho đúng lúc. Khéo hơn nữa là cung ứng cho sớm, trước khi lâm trận và sau đó bổ sung để chuẩn bị cho trận kế tiếp. Ăn ngọt ngay lúc căng thẳng chẳng khác nào châm dầu vào lửa! Phỏng tay vì ngọn lửa quá cao là chuyện… bình thường!

Món nào cũng có chống chỉ định

Chocolate đúng là món ăn bất lợi cho người bị bệnh ngoài da, người có cơ tạng dị ứng, đối tượng hay bị mụn, đặc biệt khi hoạt động của hệ nội tiết không ổn định vì chocolate tăng hoạt tính của nội tiết tố testosteron khiến da dễ nhờn, tóc dễ rụng, mặt dễ nổi mụn… Cũng vì cơ chế này mà nhiều ông có ảo tưởng dùng chocolate như thuốc cường dương! Vì là trái bom nổ chậm về năng lượng nên chocolate là ngón đòn knock out cho người béo phì. Ăn kiêng để sụt cân mà tối nào cũng len lén nướng sạch một thẻ chocolate loại có sữa béo ngậy thì có thuốc thánh cũng khó giảm ký. Với người có đường tiêu hóa nhạy cảm thì chocolate là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nay tiêu chảy, mai táo bón. Khỏi nói dông dài cũng biết chocolate là món ăn đại kỵ của người bệnh tiểu đường vì khả năng đẩy lượng đường trong máu lên thẳng như pháo thăng thiên.

Nên thuốc hay không do liều lượng

Dựa trên nguyên tắc vận hành của khoa vi lượng đồng căn (homeopathy), theo đó một độc chất nếu được pha loãng tối đa sẽ quay ngược 180 độ để trở thành thuốc quý chữa ngay căn bệnh do nhiễm độc, các nhà nghiên cứu ở Los Angeles đã phát hiện mặt mạnh của chocolate. Theo thầy thuốc ở TP có Hollywood, hoạt chất phenylethylamin trong chocolate nếu dùng ở lượng thấp, không hơn 10 g/ngày, nghĩa là khoảng 1/10 thẻ chocolate thông thường, có tác dụng tái lập quân bình dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Hơn thế nữa, chocolate hưng phấn phản ứng phóng thích endorphin, nội tiết tố tạo cảm giác sảng khoái. Người biết cách ăn chocolate chút chút theo kiểu nhâm nhi là người biết mượn sức mạnh của ca cao để tạo niềm lạc quan, lòng yêu đời và yêu người trong cuộc sống tràn ngập ganh đua mưu chước. Miếng nhỏ chocolate sau giờ làm việc, tách nhỏ ca cao trong buổi điểm tâm chính là bí quyết để “đường dài mới biết ngựa hay”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm