Khi nào tài xế Mercedes 'không có cửa' giảm án?

Chiều 16-12, HĐXX TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) đã tuyên bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong 7 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Tại tòa, Phong cho rằng giờ không còn tài sản nào để chịu trách nhiệm dân sự về bồi thường đối với bị hại là nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường (bị thương tật 79%) và lái xe công nghệ (đã tử vong).

Nhiều bạn đọc PLO thắc mắc việc Phong không bồi thường sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mức án trong phiên xử phúc thẩm (nếu có) cũng như quá trình thụ án đối với bị cáo này.

Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong tại tòa. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Nghĩa vụ dân sự theo suốt đời nếu không bồi thường

Luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn LS TP.HCM) cho biết khoản 1 Điều 63 BLHS quy định: Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Đối chiếu với quy định trên, rõ ràng việc bồi thường dân sự là điều kiện bắt buộc để người bị kết án được giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

“Ngay cả khi đã bồi thường 100% nghĩa vụ dân sự cũng chưa chắc được thụ án ít lại mà còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác. Huống hồ ở đây bị cáo Phong không chịu bồi thường phần nào thì việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù là không thể”, LS Dũ nói.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 66 BLHS thì người bị kết án phạm tội rất nghiêm trọng (khung hình phạt trên 7 năm tù đến 15 năm tù, Phong thuộc loại tội phạm này) và trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mới có thể được tha tù trước hạn.

“Do đó, việc Phong không bồi thường đồng nghĩa với việc Phong không có bất kì cơ hội nào để ra tù sớm mà phải chấp hành đủ hình phạt 7 năm 6 tháng đã bị tòa tuyên (nếu án này có hiệu lực pháp luật). Chỉ khi Phong có thiện chí bồi thường phần nào thiệt hại cho các nạn nhân mới xem xét đến khả năng được giảm hình phạt, sau đó mới là ra tù sớm”, LS Dũ nói.

Trường hợp đến khi mãn hạn tù mà bị cáo Phong vẫn chưa bồi thường đầy đủ cho người bị hại và vẫn không có tài sản để thực hiện việc bồi thường thì nghĩa vụ đó vẫn phải theo Phong suốt đời.

“Tuy nhiên, bị hại phải chủ động nắm tin tức về tài sản của Phong để yêu cầu cơ quan thi hành án kịp thời ngăn chặn, xử lý để thi hành án”, LS Dũ lưu ý.

Cú tông xe trực diện của bị cáo Phong đã khiến anh lái xe ôm Lê Mạnh Thường tử vong, chị Nguyễn Thị Bích Hường bị thương tật 79%. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Bồi thường sớm có thể được xem xét giảm án

Một nội dung khác cũng được bạn đọc quan tâm, đó là: Nếu trước phiên tòa phúc thẩm mà Phong bồi thường một phần thiệt hại thì cấp phúc thẩm có giảm án cho Phong hay không?

Vấn đề này, Luật sư Dũ cho biết, tình tiết giảm nhẹ “Tự nguyện bồi thường thiệt hại”, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS được áp dụng trước khi xét xử sơ thẩm và cả trước khi xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, về mặt lý luận và thực tiễn, mức độ xét giảm nhẹ cho bị cáo sẽ khác nhau giữa thời điểm tự nguyện bồi thường trước khi xét xử sơ thẩm và trước khi xét xử phúc thẩm, tùy vào nhận định của HĐXX.

BLHS không nói rõ là phải bồi thường toàn bộ hay một phần hai hay bao nhiêu % so với thiệt hại thì được ghi nhận là tự nguyện bồi thường, để xét giảm nhẹ cho bị cáo. Hiện nay, pháp luật cũng không có hướng dẫn chính thức về vấn đề này.

Mặt khác, tại mục 1 Phần I Công văn số 64 (năm 2019) của TAND Tối cao hướng dẫn về tình tiết “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản 1 Điều 63 BLHS (áp dụng cho người đang chấp hành án), như sau:

"Đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự được hiểu là đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp, người bị kết án bồi thường được ít hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng có văn bản miễn giảm một phần nghĩa vụ dân sự hoặc có thỏa thuận khác của phía bị hại (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) thể hiện người bị kết án đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự thì cũng được coi là “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”.

“Từ hướng dẫn này, thực tiễn xét xử, Tòa án áp vẫn áp dụng tương tự pháp luật, coi trường hợp người phạm tội chỉ bồi thường thiệt hại một phần (như hướng dẫn ở trên) cũng được ghi nhận là tự nguyện bồi thường thiệt hại theo điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS để áp dụng vào quá trình xét xử và tuyên án”, LS Dũ cho biết.

Có thể khởi kiện dân sự ngay từ bây giờ

Đối với việc Phong ký chuyển nhượng căn hộ mua chung với mẹ bị cáo cho chính người mẹ trong thời gian tạm giam, các luật sư của bị hại đề nghị xem xét xử lý hành vi tẩu tán tài sản. HĐXX TAND quận Phú Nhuận xét thấy người liên quan có thể kiện và đề nghị kê biên tài sản bằng một vụ án dân sự.

Về vấn đề trên, LS Dũ nêu quan điểm: Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật hoặc ngay bây giờ, người bị hại có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu Tòa án tuyên các giao dịch mua bán nhà vô hiệu. Với lý do: người bị hại cho rằng việc Phong bán nhà dẫn đến không còn khả năng bồi thường thiệt hại, đã xâm phạm đến quyền được bồi thường thực tế của mình.

Căn cứ để khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 124 (giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo) và khoản 1 Điều 407 (hợp đồng vô hiệu) BLDS 2015, trường hợp các bên xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới