Khi nào TP.HCM sẽ xong đề án 5 huyện lên quận hoặc TP trực thuộc TP?

(PLO)- Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết các đề án nhánh của Đề án chuyển các huyện lên quận hoặc TP trực thuộc TP.HCM sẽ hoàn thành vào quý I-2023. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 8-12, kỳ họp thứ tám HĐND TP.HCM, khóa X bước vào ngày làm việc thứ hai.

Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân đã có báo cáo cụ thể về tình hình biên chế của TP, tăng lương cấp cơ sở được cử tri, đại biểu HĐND TP.HCM quan tâm.

Khi nào TP.HCM sẽ xong đề án 5 huyện lên quận hoặc TP trực thuộc TP? ảnh 1

Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM, khóa X. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Về biên chế của TP, ông Nhân cho biết UBND TP có tờ trình trình HĐND xem xét. Nội dung này được xây dựng dựa trên cơ sở làm việc của Chủ tịch UBND TP với Bộ Nội vụ, các vụ liên quan để thống nhất số lượng biên chế cho TP.

Trên cơ sở đó, lấy số liệu biên chế từ ngày 3-9-2022 để trình HĐND xem xét, quyết định. Sở Nội vụ cũng đã làm việc với tất cả các đơn vị sở, ngành, các địa phương để có con số chính thức này.

Để đảm bảo theo tinh thần thống nhất giữa UBND TP với Bộ Nội vụ, để trình Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, UBND TP đã có văn bản tạm dừng tuyển dụng cho đến khi có nghị quyết của HĐND TP.

UBND TP sẽ ban hành quyết định về chỉ tiêu biên chế cho sở, ngành, quận, huyện sau khi có nghị quyết, trên cơ sở có sự thống nhất, sẽ tham mưu phân bổ biên chế theo vị trí việc làm, nhu cầu thực tế của các sở, ngành.

Khi nào TP.HCM sẽ xong đề án 5 huyện lên quận hoặc TP trực thuộc TP? ảnh 2

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân thông tin về biên chế, tăng lương cơ sở. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cũng cho hay đã có xem xét đến biên chế của ngành y tế và giáo dục.

Ông thông tin, trong Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị có nêu rõ trong trường hợp tăng thêm giường bệnh, phòng bệnh, phòng học thì được phép tuyển dụng mới. Trên cơ sở đó, Sở sẽ căn cứ vào đề án vị trí việc làm mà các đơn vị, địa phương xây dựng để phân bổ nhân sự hợp lý.

Trong ngày họp đầu tiên, UBND TP cũng đã trình HĐND tờ trình tăng hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập lên mức 1,8 lần lương ngạch bậc, chức vụ trong năm 2023.

Cụ thể, năm 2018 tăng 0,6 lần; năm 2019 là 1,2 lần và từ năm 2020, hệ số điều chỉnh tăng lên 1,8 lần. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, TP chỉ quyết định hệ số ở mức 0,6-1,2 lần trong năm năm qua.

UBND TP.HCM đánh giá hiện đã đủ điều kiện để chi thu nhập tăng thêm mức cao nhất cho cán bộ, công chức vì nguồn lực ngân sách được cân đối và cần chăm lo tốt hơn cho đời sống cho nhóm này để họ yên tâm công tác.

Quý I-2023 sẽ xong đề án 5 huyện lên quận hoặc TP

Về thời gian hoàn thành đề án chuyển huyện lên quận, TP, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân nói TP đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ xong.

Tuy nhiên trong quá trình đó, TP cũng xây dựng năm đề án nhánh về kinh tế đô thị, văn hóa đô thị, hạ tầng đô thị, quy hoạch đô thị, quản lý nhà nước thì hiện nay các đơn vị được giao nhiệm vụ cũng đang tập trung, khẩn trương thực hiện trong tháng 12 phải hoàn thành đề án. Đồng thời, các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè cũng tích cực hoàn thành các đề án của mình.

Vì vậy, trong quý I-2023 phải hoàn thiện đề án của cả năm huyện lên quận hoặc TP.

Về vấn đề bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân, ông Nhân nói đây là việc cần phải làm theo đúng quy định. TP đang trong quá trình triển khai thực hiện chính quyền đô thị nên cần phải tiến hành sắp xếp.

TP sẽ tôn vinh, tuyên dương các những người hoạt động ở tổ dân phố, tổ nhân dân vì những đóng góp trong quá trình làm việc, hỗ trợ chính quyền địa phương quản lý địa bàn, ghi nhận ý kiến của người dân.

Về cải cách hành chính, người đứng đầu Sở Nội vụ cho hay Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP đã có nhiều nỗ lực để cải thiện công tác này. TP cũng đã khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến để thực hiện các thủ tục hành chính của TP.

Riêng về vấn đề giải quyết thủ tục hành chính, đến 9-2022, TP tiếp nhận hơn 16 triệu hồ sơ. Số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 99,85%; có 24.154 hồ sơ trễ hạn. Đây là vấn đề mà trong năm 2023 các sở, ngành địa phương phải tập trung nhiều hơn.

Trước đó, UBND TP.HCM đã có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

UBND TP.HCM cũng xin nhận khuyết điểm vì đã sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc lớn hơn số biên chế công chức, số lượng người làm việc được Thủ tướng, Bộ Nội vụ giao. TP.HCM cho rằng, nếu HĐND TP không phê duyệt số lượng biên chế hành chính, số lượng người làm việc như hiện nay, TP sẽ không có đủ nhân sự hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

TP kiến nghị Chính phủ xem xét, công nhận số lượng biên chế công chức hiện nay và xem xét, công nhận số lượng người làm việc được HĐND TP phê duyệt năm 2022. Việc này nhằm tạo điều kiện cho TP khắc phục những khuyết điểm về việc sử dụng và quản lý biên chế, số lượng người làm việc.

Trong buổi làm việc với UBND TP.HCM hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết gần năm năm Trung ương ra nghị quyết về tinh giản biên chế nhưng TP còn 5.705 biên chế công chức, viên chức dôi dư.

Về vấn đề này, Sở Nội vụ TP.HCM cho biết tổng biên chế công chức Trung ương giao cho TP là 10.869 người nhưng thực tế con số mà HĐND TP duyệt giao là 14.470 người, cao hơn gần 3.601 người.

Tương tự, số biên chế viên chức mà HĐND giao cho TP là 99.985 người/97.881 biên chế Trung ương giao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm